Quyết định trên của Tòa án tối cao Mỹ đã giáng một đòn mạnh vào những người hoài nghi về vắc xin COVID-19 trên toàn nước Mỹ, theo tạp chí Newsweek.
Vào tháng 4-2022, bốn y tá Katie Sczesny, Jamie Rumfield, Debra Hagen và Mariette Vitti đã kiện bang New Jersey, cho rằng các lệnh hành pháp liên quan đến đại dịch COVID-19 và các yêu cầu tăng cường tiêm chủng là vi hiến.
Họ cũng lập luận rằng quy định về vắc xin đã vi phạm quyền tự do tôn giáo của họ. Đơn kiện cũng giải thích cô Sczesny không muốn tiêm vắc xin tăng cường vì đang mang thai.
Tuy nhiên Tòa án tối cao đã từ chối nghe thêm bất kỳ lập luận nào trong vụ kiện. Tòa cũng không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào về việc từ chối xét xử.
Quyết định này đồng nghĩa phán quyết trước đó của Tòa kháng án Mỹ có hiệu lực.
Tòa kháng án phán quyết rằng lệnh tiêm chủng mà các y tá phản đối không vi phạm các quyền tự do trong hiến pháp và cho phép lệnh hành pháp từ thống đốc bang New Jersey Phil Murphy được giữ nguyên.
Dana Wefer, luật sư của bốn y tá đã đệ đơn kiện, nói với tờ Newsweek ngày 14-11: "Chúng tôi thất vọng vì Tòa án tối cao đã không giải quyết vấn đề này ngay bây giờ, nhưng hy vọng rằng nó sẽ sớm được giải quyết. Chúng tôi cần tòa án cao nhất đưa ra câu trả lời quan trọng về tự do theo hiến pháp. Vì sau này sẽ còn những đại dịch khác và những loại vắc xin khẩn cấp khác”.
Quyết định của Tòa án tối cao hôm 14-11 được đưa ra trong bối cảnh một số người Mỹ tiếp tục đặt câu hỏi về tính hiệu quả của vắc xin COVID-19, và các yêu cầu trước đây đối với người lao động về việc tiêm chủng trong cao điểm đại dịch COVID-19.
Anh: Hai cựu bộ trưởng kêu gọi cải cách chương trình bồi thường vắc xin
Ông Nadhim Zahawi - cựu bộ trưởng đặc trách việc tiêm chủng phòng chống đại dịch COVID-19 trên toàn quốc của Chính phủ Anh, và ông Jeremy Wright - cựu bộ trưởng tư pháp, mới đây kêu gọi Chính phủ Anh kiểm tra các khoản bồi thường cho những người bị tổn hại do tiêm vắc xin COVID-19 theo Chương trình thanh toán thiệt hại vắc xin (VDPS).
Chương trình VDPS trao khoản thanh toán miễn thuế trị giá 120.000 bảng Anh một lần cho những người bị thương nặng hoặc cho gia đình của những người đã chết do tiêm vắc xin ngừa một số bệnh, bao gồm cả COVID-19.
Để được bồi thường, các cá nhân phải đáp ứng ngưỡng 60% “khuyết tật”.
Ông Zahawi nói rằng ông có thể “hoàn toàn hiểu” lý do tại sao một số gia đình thất vọng vì các yêu cầu bồi thường phải mất tới 18 tháng mới được giải quyết.
Nói chuyện với Telegraph, ông Jeremy nhấn mạnh cả mức bồi thường và ngưỡng 60% cần phải được cải cách.
Các số liệu được công bố theo Đạo luật Tự do thông tin cho thấy có 243 người bị thương tổn do vắc xin COVID-19 đã bị từ chối thanh toán, mặc dù các giám định viên y tế cho biết tổn thương có liên quan đến vắc xin, nhưng họ không đáp ứng ngưỡng 60%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận