08/11/2020 17:56 GMT+7

Tòa án tối cao giúp ích được gì cho ông Trump?

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Luật gia Anne E. Deysine đánh giá ông Trump sẽ khó nhờ cậy Tòa án Tối cao liên bang vì không có chứng cứ có giá trị pháp lý. Tòa án Tối cao liên bang cũng hiếm khi can thiệp vào các tranh chấp bầu cử.

Tòa án tối cao giúp ích được gì cho ông Trump? - Ảnh 1.

Những người ủng hộ Joe Biden đổ ra đường chiều ngày 7-11 - Ảnh: AFP

Luật gia Anne E. Deysine - giáo sư danh dự tại Đại học Paris Nanterre (Pháp) - nhận xét rằng việc lớn tiếng chỉ trích Đảng Dân chủ gian lận phiếu bầu và tuyên bố kiện ra Tòa án Tối cao liên bang chứng tỏ ông Trum thiếu hiểu biết về hệ thống tư pháp Mỹ.

Thẩm quyền xét xử bắt đầu từ tòa án từng bang

Ngoại trừ vấn đề tranh chấp giữa các bang, Tòa án Tối cao liên bang Mỹ không phải là cấp sơ thẩm. Do đó, ông Trump không thể kiện trực tiếp ra Tòa án Tối cao liên bang.

Tòa án Tối cao liên bang là cấp phúc thẩm, chỉ đưa ra phán quyết cuối cùng về các tranh chấp đã được thông qua các cấp tòa án liên bang hoặc tòa án của bang.

Hiến pháp Mỹ đã trao cho chính quyền các bang nhiệm vụ tổ chức bầu cử. Bang là cấp quyết định số lượng phòng phiếu, số ngày bỏ phiếu sớm và ngưỡng thời gian kiểm phiếu.

Nói cách khác, luật bầu cử là luật của bang, vì vậy luật khác nhau tùy từng bang, thậm chí tùy từng hạt.

Về nguyên tắc, các tranh chấp liên quan đến bầu cử phải khởi đầu từ tòa án của bang, đầu tiên là tòa sơ thẩm, sau đó đến cấp phúc thẩm rồi tuần tự đến tòa án tối cao của bang.

Tuy nhiên, tranh chấp vẫn có thể bắt đầu từ tòa án liên bang hoặc được chuyển đến tòa án liên bang nếu phát sinh "vấn đề liên bang".

Để một vụ việc thuộc thẩm quyền xét xử ở cấp liên bang phải xảy ra "vấn đề liên bang", tức vấn đề liên quan đến hiến pháp hoặc pháp luật liên bang và Tòa án Tối cao liên bang đồng ý thụ lý.

Tòa án tối cao giúp ích được gì cho ông Trump? - Ảnh 2.

Những người ủng hộ Donald Trump ở bang Pennsylvania không mấy vui - Ảnh: AFP

Trường hợp hiếm hoi Tòa án Tối cao liên bang chịu thụ lý 

GS danh dự John E. Finn ở Đại học Wesleyan (Mỹ) nhận định Tòa án Tối cao liên bang của Mỹ không can thiệp vào đại đa số các tranh chấp trong bầu cử.

Đến nay chỉ có hai lần Tòa án Tối cao liên bang ra phán quyết về bầu cử tổng thống. Lần đầu tiên vào năm 1876 và lần thứ hai năm 2000.

Năm 2000, ông George W. Bush (Đảng Cộng hòa) đối đầu với ứng viên Al Gore (Đảng Dân chủ). Đêm 7-11, không bên nào có thể tuyên bố chiến thắng vì kết quả sít sao ở bang Florida (25 đại cử tri).

Sau lần kiểm phiếu đầu tiên, ông Bush dẫn trước chỉ 1.784 phiếu bầu (trong 5,6 triệu phiếu bầu). Êkip của Al Gore đề nghị kiểm phiếu lại ở bang Florida.

Ngày 10-11, khoảng cách thu hẹp còn 328 phiếu bầu. Ngày 16-11, sau khi hết hạn chuyển phiếu hai ngày, Tòa án Tối cao bang Florida cho phép tiếp tục kiểm phiếu.

10 ngày sau, trưởng ban bầu cử bang Florida thông báo Bush chiến thắng với 537 phiếu trội hơn (0,009% số phiếu bầu).

Đầu tháng 12-2000, Tòa án Tối cao bang Florida yêu cầu kiểm phiếu lại. Tuy nhiên, phán quyết tạm dừng vì phe của Bush kiện lên Tòa án Tối cao liên bang.

Ngày 12-12, Tòa án Tối cao liên bang phán quyết (5 phiếu thuận, 4 phiếu chống) là tòa án bang Florida tuyên bản án vi hiến vì cho kiểm phiếu lại sau thời hạn pháp lý quy định.

Ngoài ra, bản án còn đi ngược tu chính án thứ 14 (bảo đảm mọi công dân được tôn trọng các quyền của họ và được đối xử bình đẳng theo pháp luật).

Thế là George W. Bush được công nhận đắc cử tổng thống hơn một tháng sau ngày bầu cử.

Tòa án tối cao giúp ích được gì cho ông Trump? - Ảnh 3.

Tổng thống Trump bắt tay Chánh án Tòa án tối cao liên bang John Roberts (phải) trong lần phát biểu thông điệp liên bang năm 2017 - Ảnh: GETTY IMAGES

Ông Trump thiếu cơ sở pháp lý vững chắc

Luật gia Anne E. Deysine ghi nhận ông Trump tuyên bố sẽ có phản ứng tại các bang có thể làm lệch cán cân bầu cử, yêu cầu ngừng kiểm phiếu để cử các quan sát viên đến trong khi đã có các quan sát viên của Đảng Cộng hòa tại các điểm bỏ phiếu (như ở bang Michigan).

Đối với hạt Clark (bang Nevada), ông muốn tiếp cận phần mềm của máy bỏ phiếu nhưng đã bị từ chối hai lần.

Để khởi kiện cần phải có bằng chứng cụ thể (lỗi do con người hoặc lỗi do phần mềm) và cơ sở pháp lý vững chắc.

Tuy nhiên, trong các hành động pháp lý ông Trump đã tiến hành hoặc đe dọa thực hiện, chứng cứ không tồn tại hoặc không vững chắc nên rất khó thành công.

Ví dụ khi đề nghị kiểm phiếu lại ở các bang Wisconsin, Georgia hay ở Pennsylvania, ông Trump biết điều đó chỉ có thể được thực hiện một khi kết quả bầu cử được chứng nhận.

Ngoài ra, rất ít khả năng điều này làm thay đổi kết quả cuối cùng vì các cuộc kiểm phiếu lại trong quá khứ cho thấy hiếm khi xảy ra sai sót, nhiều nhất chỉ chênh lệch vài trăm phiếu và không bao giờ ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng.

Theo luật gia Anne E. Deysine, điều quan trọng đối với ông Trump khi yêu cầu kiểm phiếu lại chỉ là củng cố tinh thần đội ngũ của ông mà thôi.

Ông Trump có 3 cách để thách thức chiến thắng của Joe Biden Ông Trump có 3 cách để thách thức chiến thắng của Joe Biden

TTO - Kết quả bầu cử tổng thống Mỹ phải được cử tri đoàn bỏ phiếu xác nhận vào ngày 14-12 tới, sau đó được Quốc hội phê chuẩn ngày 6-1-2021. Ông Trump có thể sử dụng 3 cách phản ứng với kết quả hết sức mong manh.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp