Những người phản đối sắc lệnh của tổng thống Trump tiếp tục phản đối tại các sân bay - Ảnh: AP |
Theo hãng tin Reuters, quyết định của thẩm phán James Robart, người được bổ nhiệm dưới thời tổng thống George W.Bush, có hiệu lực tức thì trong ngày thứ sáu 3-2 (giờ Mỹ). Hãng tin CNN cho biết ông Robart đã ra quyết định bằng miệng và sẽ sớm có quyết định bằng văn bản.
Về lý thuyết, theo quyết định này, lệnh hạn chế nhập cư sẽ bị dỡ bỏ. Hãng tin BBC cho biết về mặt giấy tờ, giờ đây công dân của 7 nước nói trên hoàn toàn có thể xin thị thực. Trước đó, theo sắc lệnh vừa ký, khoảng 60.000 thị thực của công dân các nước nói trên đã bị thu hồi.
Vụ chống sắc lệnh của tổng thống Trump tại tòa án Seattle ban đầu do bang Washington thực hiện và sau đó có bang Minnesota tham gia.
Lý do bang Washington đưa ra để lại chống sắc lệnh của tổng thống Trump là vì họ chịu tổn thất từ sắc lệnh này bởi nhiều sinh viên và các giảng viên tại những đại học của bang bị kẹt ở nước ngoài.
Thẩm phán Robart còn viện dẫn việc chưa một công dân Mỹ nào bị người từ 7 quốc gia kể trên tấn công trên đất Mỹ kể từ sau vụ khủng bố 11-9.
Thống đốc bang Washington, Jay Inslee coi quyết định này là một chiến thắng của bang và nói thêm: "Không ai, kể cả tổng thống, có thể đứng trên luật pháp".
Hiện Bộ Tư pháp chưa có quyết định nào về vụ kiện của bang Washington, chỉ viết rằng: "Bộ đang chờ xem xét quyết định bằng văn bản của tòa án rồi sẽ thông báo bước tiếp theo".
Trong khi đó, Tổng chưởng lý bang, Bob Ferguson nói: "Quyết định này ngay lập tức chấm dứt sắc lệnh tạm cấm nhập cư".
Ông Ferguson cũng kỳ vọng chính quyền liên bang sẽ tán thưởng quyết định này. Ông Ferguson nhấn mạnh sắc lệnh tạm cấm nhập cư trái với hiến pháp bởi nó phân biệt đối xử con người dựa trên tôn giáo.
Đáp lại, chính quyền của tổng thống Trump biện hộ rằng sắc lệnh nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và bác bỏ ý kiến cho rằng đây là lệnh cấm đối với người Hồi giáo. Ông Trump từng cho biết thị thực sẽ được tái cấp cho công dân các nước này sau khi "các chính sách an ninh nghiêm ngặt" được áp dụng.
Cũng trong ngày thứ sáu 3-2, Bộ Nội vụ phát đi một thông báo làm rõ sắc lệnh, nói rằng không có kế hoạch mở rộng lệnh tạm cấm ngoài 7 quốc gia nói trên.
Hãng tin Reuters cho biết Bộ Nội vụ cũng khẳng định lệnh cấm không áp dụng đối với những thường trú nhân, người có thẻ xanh, và những người đã giúp đỡ quân đội Mỹ.
Trước đó không lâu, một thẩm phán tại thành phố Boston đã từ chối gia hạn lệnh tạm cấm, ngăn không cho một số người nước ngoài vào Mỹ. Hãng tin BBC cho biết lệnh cấm này chỉ áp dụng tại bang Massachusetts và sẽ hết hạn vào ngày 5-2.
Ngoài ra, tòa án tại các bang là Virginia, New York, Michigan... cũng thụ lý các ca phản đối sắc lệnh của tổng thống Trump.
Gia đình một kỹ sư Iraq đặt chân đến nước Mỹ
Trong khi sắc lệnh tạm cấm nhập cư đối với 7 nước, trong đó có Iraq, vẫn còn hiệu lực, một gia đình kỹ sư người Iraq đã nhập cảnh vào Mỹ trong ngày 3-2. Gia đình kỹ sư Munther Alaskry đã chờ 7 năm để có thị thực đến nước Mỹ định cư. Tuần rồi, gia đình Alaskry bị ngăn lại khi chuẩn bị lên máy bay từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Mỹ. Họ đã chờ sốt ruột trong một tuần qua trước khi Đại sứ quán Mỹ gọi điện nói rằng nước Mỹ chào đón gia đình ông. Và ngày 3-2, ông Alaskry cùng vợ và con gái đặt chân đến nước Mỹ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận