09/05/2019 15:17 GMT+7

Tổ tư vấn '3 người 5 biết' của hải quân

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Những năm gần đây, mô hình tổ tư vấn "3 người 5 biết" của hải quân thực hiện với các chiến sĩ mới trong giai đoạn huấn luyện tân binh đã mang lại hiệu quả tích cực.

Tổ tư vấn 3 người 5 biết của hải quân - Ảnh 1.

Chính trị viên Nguyễn Văn Bình đang tư vấn cho một chiến sĩ trẻ - Ảnh: MY LĂNG

Tụi mình phải xử lý nhiều tình huống không có trong sách vở. Các em trẻ người non dạ, nhiều chuyện đau đầu lắm. Không có nguyên tắc nào cố định cả. Tùy từng trường hợp mà mình xử lý cho hài hòa, vừa được cho đơn vị vừa được cho anh em.

Chính trị viên NGUYỄN VĂN BÌNH

Đây là mô hình của Quân chủng hải quân trong huấn luyện tân binh để cán bộ sĩ quan kịp thời nắm bắt được tâm tư, tình cảm và kịp tư vấn, giải quyết những khúc mắc, lo lắng cho tân binh trong thời gian họ mới nhập ngũ.

Để tân binh không thấy hoang mang

"Tổ tư vấn có ba người mới phát huy được trí tuệ bộ đội. Mỗi người có phương pháp tiếp cận khác nhau, mỗi người có thế mạnh riêng. 

Chúng tôi chọn những cá nhân có uy tín, trình độ, tầm hiểu biết xã hội để tư vấn đạt hiệu quả. Khi một chiến sĩ có vấn đề nào đó về tâm lý thì ba người cùng hội ý trước để đưa ra phương án hợp lý nhất rồi mới gặp gỡ, tư vấn thì mới hiệu quả. 

Còn "5 biết" là biết hoàn cảnh gia đình; biết năng khiếu, sở trường của từng cá nhân; biết các mối quan hệ xã hội; biết năng lực trình độ; biết hoạt động hằng ngày của bộ đội" - trung tá Phạm Khắc Đông (chính trị viên tiểu đoàn 565 - Bộ tư lệnh Vùng 5 hải quân), giải thích. 

Tiểu đoàn 565 là đơn vị chuyên huấn luyện tân binh cho Bộ tư lệnh Vùng 5 hải quân, đào tạo hạ sĩ quan chiến sĩ.

Trung tá Phạm Khắc Đông cho biết mô hình tổ tư vấn "3 người 5 biết" được thực hiện hơn ba năm nay đối với chiến sĩ mới.

"Các em là thanh niên mới nhập ngũ, việc làm quen với môi trường quân đội gặp nhiều khó khăn vì đang sống trong vòng tay bảo bọc của bố mẹ giờ phải xa gia đình, người thân. 

Tuổi trẻ mà, đang ở bên ngoài tự do. Khi vào đây phải có kỷ luật, các chế độ trong ngày, trong tuần giờ nào việc đó nên có em bị áp lực tâm lý. 

Nhiều em ở nhà được cưng chiều, vào đây phải dậy sớm, tự lập mọi thứ, cảm thấy rất gò bó. Có em thấy hoang mang, sợ không hoàn thành được nhiệm vụ" - trung tá Đông nói.

Trung tá Phạm Khắc Đông nhấn mạnh mô hình này đã mang lại hiệu quả rất tốt thời gian vừa qua, giúp cán bộ sĩ quan nắm được tâm tư của các tân binh và tư vấn giúp họ vượt qua, đạt được kết quả huấn luyện tốt. 

Trong những năm gần đây, dù tiểu đoàn 565 huấn luyện tân binh tương đối đông, một đợt cả 500 - 600 tân binh nhưng không có hiện tượng chiến sĩ bỏ trốn về địa phương.

Trường hợp đặc biệt

Là một trong những sĩ quan gắn bó với nhiều lớp tân binh, đại úy Nguyễn Văn Bình, chính trị viên đại đội 36, đã xử lý không ít tình huống đặc biệt.

Năm đó, đơn vị tiếp nhận một chiến sĩ mang cái tên khá đặc biệt: Đào Ca Ri Bê, người Khmer ở Sóc Trăng. 

Chiến sĩ này học hết lớp 4 thì nghỉ, 18 tuổi đi nghĩa vụ quân sự. Vì đã bỏ học rất lâu nên khi nhập ngũ Ca Ri Bê không biết đọc, không biết viết, gặp không ít khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức. 

"Nếu cứ để mặc em ấy thì không theo kịp các bạn được. Mình yêu cầu trung đội trưởng, tiểu đội trưởng dạy từng chữ một như dạy lớp 1. Vừa dạy chữ vừa dạy chính trị vừa dạy kiến thức quân sự. Dạy thì em nó mới lên lớp học tiếp bài khác được. 

Thủ trưởng quan tâm lắm, hay xuống hỏi xem anh Đào Ca Ri Bê giờ thế nào. Cậu này nhanh nhẹn và trách nhiệm lắm. Đến lúc hoàn thành nghĩa vụ quân sự thì em ấy biết đọc, biết viết ngon lành" - đại úy Nguyễn Văn Bình nói.

Cái lý - cái tình

Chính trị viên Nguyễn Văn Bình cho biết năm nào trong thời gian huấn luyện tân binh cũng có trường hợp bố hoặc mẹ, ông bà mất.

Nhưng anh nhớ nhất là chuyện của chiến sĩ có cái tên rất lạ: Cái Minh Ý, 18 tuổi, quê Rạch Giá (Kiên Giang).

Minh Ý ở trung đội 9. Nhập ngũ không bao lâu thì Ý hay tin bà ngoại chết.

Vì phải bươn chải mưu sinh nên khi con trai chào đời, cha mẹ đã gửi Minh Ý về ở với bà ngoại. Cả cuộc đời Minh Ý gắn bó với bà ngoại. Bà như người mẹ, người cha.

"Khi biết tin bà mất, em ấy suy sụp lắm, lên gặp mình khóc. Mình là cấp trên, phải làm theo phép nước, quy định của pháp luật, theo điều lệnh.

Nhưng trong cái lý cũng phải có một tí cái tình. Quy định ba tháng huấn luyện tân binh không được về, nhưng không thể cứ cứng nhắc với mọi trường hợp được.

Trước tiên mình động viên cậu ấy bình tĩnh lại, rồi báo cáo cấp trên xem xét.

Thủ trưởng Nguyễn Duy Tỉ khi đó đang là tham mưu trưởng vùng, bây giờ là tư lệnh vùng, rất quan tâm bộ đội, bảo gọi về địa phương điện ra bảo lãnh cho em ấy được về chịu tang mấy ngày và phải cam kết sẽ đưa cậu ấy ra bàn giao quân đúng ngày. Nói gì thì nói. Nghĩa tử là nghĩa tận" - đại úy Nguyễn Văn Bình kể.


5.000 cán bộ chiến sĩ Vùng 4 Hải quân ra quân làm sạch biển

TTO - Ngày 31-3 tại TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, tuổi trẻ Vùng 4 Hải quân tổ chức ra quân dọn vệ sinh môi trường biển, hưởng ứng chiến dịch 'Hãy làm sạch biển' do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp