17/08/2021 10:42 GMT+7

Tổ trưởng ơi...

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Những ngày trong vùng cách ly cứng, tổ trưởng dân phố là một người đầy 'sống động và bao cấp' khi đứng ra lo chợ búa, cơm nước, ốm đau... cho nhiều người, kể cả phải nghe than phiền, trách mắng.

Tổ trưởng ơi... - Ảnh 1.

Các tổ trưởng tổ dân phố đi mua sắm hàng hóa cho bà con vùng cách ly - Ảnh: B.D.

Cơ khổ, tui đi từ sáng tới tối, vừa đứng gác chốt vừa lo đi chợ cho bà con. 70 hộ, hơn 300 con người, nhưng nay toàn bộ tổ bị bít lối ra vào, một mình tui lo cho từng nớ người sức mô chịu nổi?

Tổ trưởng Trần Hoàng Hải

Điện thoại nóng ran với các cuộc gọi liên tiếp sau cánh cửa khóa trái của các hộ gia đình, 13h chiều 10-8 ông Mai Thanh - tổ trưởng tổ dân phố 69 - kéo xe thồ sau xe máy, ra ngồi đợi ở sân Trung tâm văn hóa thể thao P.Thọ Quang (Q.Sơn Trà, Đà Nẵng).

Chuyện gì cũng "tổ trưởng ơi!"

Hẹn 13h xe hàng tới, nhưng phải mất gần 2 tiếng để 12 chiếc xe tải của nhóm thiện nguyện vượt quãng đường chỉ chừng 5km từ trung tâm TP Đà Nẵng qua dày đặc các chốt kiểm soát tới nơi. 

Giữa ngột ngạt của nóng nực và căng thẳng trong những ngày cao điểm dịch bệnh, hình ảnh các vị tổ trưởng ngồi chồm hổm dưới gốc cây phượng đợi hàng tiếp tế trông vừa buồn cười vừa thảm thương.

Đợt dịch thứ 4 này, 4 phường phía đông bờ sông Hàn là tâm điểm khi mỗi ngày ghi nhận hàng chục ca dương tính. Phải phong tỏa cứng, phải không cho người dân ra khỏi cổng nếu không có việc thật sự cần thiết. 

Với những chỉ đạo đó, người bình thường nghe qua đã thấy căng thẳng như lệnh thời chiến. Nhưng có một áp lực còn kinh khủng hơn khi tới tai các tổ trưởng - những "công chức" vô cùng đặc biệt, vừa ít quyền lực mà cũng chẳng mấy quyền lợi. Họ chính là lực lượng nối dài và là "tuyến cuối" của bộ máy chính quyền.

Ông tổ trưởng Mai Thanh cùng mấy chục vị đứng đầu các tổ dân phố khác mà chúng tôi gặp chiều 10-8 đa phần là ngư dân. 

Ông Thanh người nhỏ, tuổi qua 65 nhưng đã làm tổ trưởng 12 năm. Lúc đợi xe chở rau xanh, gạo, cá, mắm xuống cho bà con, vừa nghe chúng tôi hỏi: "Có vất vả lắm không?", ông Thanh như được dịp cởi lòng, lấy chiếc điện thoại Nokia cổ lỗ đen trắng ra dí thẳng vào chúng tôi mà nói như mếu: "Trời ơi, già cả lọm khọm rồi. 

Mà không làm thì chẳng có ai nhận. Từ hai tuần bị cách ly tới nay và kể từ khi có dịch, cả nhà tui ăn không ngon ngủ không yên. Ban ngày dân gọi, nửa đêm bà con cũng dựng dậy. 

Có lúc mới tảng sáng mệt quá chợp mắt được chút đã nghe điện thoại réo lên, bên kia có người hỏi đằng sẵng: ông Thanh ơi nay có chuyến hàng nào xuống không, ăn mì tôm suốt ngày chắc chết".

Tất cả trong... một

Chúng tôi gọi điện thoại để xuống gặp ông tổ trưởng tổ 69 Trần Hoàng Hải (P.Thọ Quang, Q.Sơn Trà). 

Điện cả ba lần, ông Hải đều không bắt máy, tới lần thứ 4 thì ông hét lên trên điện thoại: "Tui đã bảo là cứ chờ rồi mà cứ gọi miết rứa, hàng mấy nay khó khăn quá, mỗi người chia nhau một ít, lúc dịch giã thì ráng tí, có chi mô mà hối ghê rứa". Khi nhận ra chúng tôi không phải người trong thôn, ông Hải cười xòa.

Ông tâm sự "nhận nhiệm vụ" tổ trưởng được 5 năm nay nhưng đã đuối sức vì lượng công việc quá lớn, nhất là giai đoạn căng thẳng của dịch. 

Ông Hải là thợ đóng giày, hiện có một tiệm giày thủ công ở 88 Nguyễn Phan Vinh và đó cũng là nghề nuôi sống cả gia đình từ nhiều năm nay. Ông kể không hiểu sao cách đây 5 năm, khi đại hội tổ dân phố bầu ra tổ trưởng mới, thì cái tên của ông được bà con xướng lên rồi đồng loạt giơ tay.

Ông thợ đóng giày bỗng một khoảnh khắc được nâng lên hàng "bác". Người ta không gọi ông là ông Hải nữa mà gọi là bác Hải, bác tổ trưởng. 

Ông Hải bảo bình thường khi chưa có dịch, công việc của tổ trưởng cũng khá "nhàn": chủ yếu theo dõi tình hình dân cư, làm cầu nối cho ủy ban phường, công an khu vực, hỗ trợ người dân xác nhận các thủ tục hành chính. Nhưng hai năm dịch giã nay, guồng quay "việc làng việc xã" cứ rối tung và đẩy lên một mức khốc liệt. 

"Tui gần như chẳng ở nhà được một ngày. Cứ về nhà là có người gọi. Ốm đau cũng gọi, xin ra ngoài cũng gọi, thiếu lương thực thực phẩm bà con cũng gọi. Mà cũng đúng thôi, vì giờ chính quyền giao kiểm soát và hỗ trợ bà con, đâu có ai gần với bà con như mình đâu?" - ông Hải nói.

Tổ trưởng ơi... - Ảnh 3.

Ông Mai Thanh - tổ trưởng tổ dân phố 69 - đưa gạo, mắm, muối về cho bà con trong tổ bị cách ly - Ảnh: B.D.

Tổ trưởng "không thể thay thế"

Chúng tôi cũng gặp một tổ trưởng vô cùng đặc biệt, người mà thời gian làm tổ trưởng ngang bằng tuổi một thanh niên trưởng thành. 

Đó là ông Nguyễn Văn Có, tổ trưởng tổ 7, P.Thọ Quang (Sơn Trà). Cứ nói tên Sáu Có thì cả làng biển Thọ Quang biết, bởi năm nay 81 tuổi nhưng ông Sáu Có đã làm tổ trưởng 23 năm và là một thợ sửa máy tàu rất nổi tiếng.

Ông Có kể rằng vào năm 1999, thấy ông cũng có chút "trình độ" lại hiền lành và uy tín nên bà con đồng loạt giơ tay bầu ông làm tổ trưởng, và từ đó tới nay vị trí này ông là "độc tôn" trong lòng bà con.

"Tui quá mệt rồi nhưng bà con cứ ép làm, bao lần xin nghỉ vẫn không được. Tui nhớ nhiệm kỳ đầu tiên làm mỗi tháng tui được nhận 15.000 đồng tiền lương, tới nay chế độ tui lãnh được hơn 700.000 đồng mà vẫn còn phải làm" - ông Sáu Có nói.

Ông Có kể có đợt thấy ông mệt quá nên bà con cho ông tạm nghỉ và bầu một... sinh viên đại học lên thay. Nhưng đâu được một năm thì người này đành "từ chức" vì không cáng đáng nổi công việc, ông Có lại được bầu "tái nhiệm" cho tới nay.

Những ngày Đà Nẵng căng mình trong dịch bệnh, các khu dân cư từng sầm uất, đông vui bỗng lặng lờ như vừa sau một cơn bão lớn. Chúng tôi gặp hình ảnh mẫn cán, lặng lẽ và đầy nhiệt thành của các tổ trưởng tổ dân phố. 

Lúc đeo băng bảo vệ chốt trực, lúc thì kéo xe hớt hải giữa nắng nóng nhận hàng về phát cho bà con, lúc thì xuyên đêm chạy xe máy đi mua thuốc cho bà con trong nỗi nhọc nhằn, âu lo nặng trĩu...

Bỗng dưng làm ông... nội trợ

Các tổ trưởng tổ dân phố trong vùng cách ly Q.Sơn Trà cho biết đa phần họ đều là đàn ông, đều ngoài 50 tuổi, nhưng khi dịch đến, vì người dân bị phong tỏa nên các tổ trưởng phải "tất cả trong một".

Mỗi ngày, tổ trưởng phải giám sát cùng công an tại các chốt dịch, vừa phải nghe điện thoại lên thực đơn để định kỳ 3 ngày cầm giỏ ra điểm mua hàng gần nhất để đi chợ cho bà con. "Cả đời tui chưa bao giờ biết tới chợ búa, rau cá, nhưng nay dịch tới thì phải làm tất. Cứ như thể một người nội trợ" - ông Hồ Văn Hải, tổ trưởng tổ 73, P.Thọ Quang (Q.Sơn Trà, Đà Nẵng), nói.

Cô chú lớn tuổi tất bật giúp người nghèo trong mùa dịch Cô chú lớn tuổi tất bật giúp người nghèo trong mùa dịch

TTO - Những ngày qua, nhiều cô chú lớn tuổi tất bật với công việc nhận và phân chia rau củ, thịt, cá, gạo, mì thành những phần bằng nhau để gửi đến những người lao động nghèo, những bạn sinh viên gặp khó ở TP Cần Thơ.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp