23/06/2018 15:10 GMT+7

Tỏ tình công cộng: không là 'ác mộng'

KIM ANH - CÔNG NHẬT
KIM ANH - CÔNG NHẬT

TTO - Thời gian qua, nhiều bạn trẻ “trình làng” những màn cầu hôn nơi công cộng, sáng tạo có, lập dị cũng có. Nhiều người thấy hay nhưng những ý kiến ngược cũng không ít.

Tỏ tình công cộng: không là ác mộng - Ảnh 1.

Màn của cặp đôi người Việt tại Mỹ: Trang và Nam - Ảnh: TRANG VŨ

Bạn thuộc típ kín kẽ hay muốn chuyện của mình cả thế giới phải biết? Cùng nghe ý kiến các bạn trẻ, Việt Nam và nước ngoài.

Những khoảnh khắc tình yêu rất đẹp, nếu chọn tỏ tình nơi đám đông thì chọn cách làm sao để mình vui mà cũng không gây quá phiền cho cộng đồng xung quanh

Tiến sĩ xã hội học PHẠM THỊ THÚY

Dễ thương đó chứ

Anh Nguyễn Ngọc Thuận (27 tuổi) chia sẻ: "Phá cách trong chuyện bày tỏ tình cảm đôi lứa, cá nhân tôi thấy chuyện này dễ thương đó chứ và chắc chắn những cặp đôi ấy sẽ có những kỷ niệm đáng nhớ trong đời".

Dẫu vậy, anh Thuận cho biết vì bạn gái anh là người kín kẽ nên anh khó thể thiết kế màn nơi công cộng. "Chỉ khi nào lên sân khấu ngày cưới thì lúc đó chúng tôi mới đối diện với đám đông mà thôi" - anh Thuận cười.

Bạn Chi Nguyễn (21 tuổi, du học sinh Mỹ) cho rằng cầu hôn nơi công cộng là điều khá thú vị. "Tôi nghĩ rằng phải có một tình yêu mãnh liệt, tự hào lắm người ta mới can đảm chọn cách thể hiện tình cảm của mình chốn đông người" - Chi Nguyễn nói.

Đồng quan điểm, bạn Phạm Phương Thảo (24 tuổi), đang có người yêu, cho hay cũng rất thích một màn cầu hôn ấn tượng từ người bạn trai. "Tuy nhiên những màn cầu hôn lãng mạn nơi công cộng không phải anh chàng nào cũng làm tốt được. Mặt khác, không phải cô gái nào cũng thích được làm nhân vật gây chú ý giữa đám đông" - Thảo bộc bạch.

Thực tế, việc tỏ tình giữa đám đông không phải là xa lạ trên thế giới. Gõ từ khóa "public proposal" (cầu hôn nơi công cộng), có đến gần 300 triệu kết quả trả về. Còn nhớ năm 2011, cặp đôi gốc Việt tại Mỹ là Trang và Nam đã trở thành "hiện tượng" khi clip cầu hôn bằng flashmob (nhảy đồng diễn) tại ĐH UCLA (Mỹ) được lan truyền trên mạng xã hội với tốc độ chóng mặt.

Trang và Nam sau đó được mời trò chuyện và nhận lời chúc phúc của các kênh truyền thông lớn nhất thế giới như CNN.

Để niềm vui không bị "ném đá"

Nhưng trong thực tế cũng không ít chuyện buồn khi hai nhân vật của màn cầu hôn nơi công cộng bị "ném đá" đáng kể.

Gần đây nhất, câu chuyện diễn viên hài T.G. "chiếm sóng" truyền hình trực tiếp để thể hiện tình cảm của mình với bạn gái khiến nhiều người tức giận, cho rằng anh đã không tôn trọng số đông khi để niềm vui "cá nhân" ảnh hưởng đến hàng triệu người xem tivi, ban tổ chức chương trình. Hay như một nam giảng viên đã quỳ gối cầu hôn sinh viên trong lễ tốt nghiệp.

Cầu hôn nơi công cộng có thể không gây ảnh hưởng đáng kể gì đến đám đông xung quanh nhưng hoàn toàn có thể khiến "nửa kia" của mình gánh chịu hậu quả. Như nữ sinh viên thừa nhận sau đó cô nhận về rất nhiều lời lẽ khiếm nhã trên mạng xã hội, chưa kể nhiều người phê phán rằng lễ tốt nghiệp cần sự trang nghiêm, sẽ là rất ích kỷ nếu thu hút hết sự chú ý về mình ở nơi đang tôn vinh những nỗ lực của các sinh viên sau tháng ngày học hành.

"Tôi cứ nghĩ lúc cầu hôn "rình rang", gây sự chú ý như vậy, lỡ đến lúc hai bên không còn hợp nhau thì mọi chuyện sẽ ra sao? Liệu người ngoài có coi tất cả là một trò cười?" - Chi Nguyễn nêu băn khoăn.

Theo tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy - giảng viên Học viện Hành chính quốc gia (cơ sở TP.HCM), xã hội hiện đại, nhất là thời của mạng xã hội lên ngôi, nhu cầu chia sẻ thông tin, cả chuyện tình cảm của mình với mọi người là nhu cầu tất yếu.

"Chàng trai muốn bày tỏ tình cảm của mình để mọi người biết rằng anh ấy rất yêu cô gái. Nhu cầu này là tâm lý có thật. Nhưng trước nhiều màn cầu hôn, nếu nhìn bao dung thì chúng ta cho rằng việc cầu hôn ấy dễ thương, không có vấn đề gì. Còn nếu nhìn khắt khe mình sẽ thấy không phù hợp.

Cá nhân tôi nhìn góc độ nhân văn thì thấy hai người đấy thật sự yêu thương nhau, không phải diễn, làm màu mà là một tình yêu rất dễ thương" - bà Thúy nói.

Trang The Plunge đưa ra những hướng dẫn khá chi tiết về việc cầu hôn nơi công cộng. Theo đó, trước khi thực hiện một màn cầu hôn nơi công cộng dành cho "nửa kia", bạn hãy đặt ra các câu hỏi.

Các câu hỏi được gợi ý như: Liệu cô ấy/anh ấy sẽ nói "không" hoặc "để tôi suy nghĩ thêm"? Anh ấy/cô ấy có phải người rụt rè, e ngại? Liệu việc nói hoặc thể hiện hành động trước đám đông khiến bạn sợ hãi? Hai bạn có yêu nhau trong thời gian quá ngắn không? Liệu một trong hai người có cảm thấy không thoải mái, bị ảnh hưởng đáng kể về mặt tâm lý khi chuyện riêng tư bị phô bày trước mọi người?

"Nếu có một câu trả lời "có" cho bất kỳ câu hỏi nào , bạn nên suy nghĩ lại về lựa chọn của mình" - trang này khuyên.

Phó bí thư Đoàn Trường ĐH Vinh quỳ gối cầu hôn nữ sinh tại lễ tốt nghiệp

TTO - Tại lễ bế giảng và trao bằng tốt nghiệp kỹ sư, cử nhân năm 2018, phó bí thư Đoàn Trường ĐH Vinh, Nghệ An bất ngờ quỳ gối cầu hôn một nữ sinh viên.

KIM ANH - CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp