Bác sĩ Nguyễn Kỳ Dưỡng (trái) cùng một đồng đội bên cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa - Ảnh nhân vật cung cấp |
Ông cũng là bác sĩ đầu tiên và duy nhất của Bệnh viện 175 tính đến thời điểm này công tác hai năm ở Trường Sa Lớn. Những kíp sau này chỉ có một năm.
Đảo cát
Tháng 2-1992, vừa trở về sau ba năm làm nhiệm vụ tại chiến trường Campuchia, đại úy - bác sĩ Nguyễn Kỳ Dưỡng lại chuẩn bị lên đường đi xa. Lần này là Trường Sa.
Lần đầu tiên các bệnh viện quân đội lớn nhận lệnh chi viện quân y cho các đảo Trường Sa. Tổ quân y đầu tiên này phải là những người có kinh nghiệm hoạt động nơi khó khăn ác liệt, không ngại khó ngại khổ.
Hình ảnh người giám đốc bệnh viện mái đầu đã bạc tâm sự về nhiệm vụ của quân đội, của bệnh viện, về trách nhiệm của người lính với Tổ quốc đã khiến đại úy Nguyễn Kỳ Dưỡng quyết gạt tình riêng sang một bên nhận lời ra đảo. Khi đó, cậu con trai lớn mới học lớp 2, cô con gái nhỏ mới 4 tuổi. Con bé cứ sà vào lòng, ôm chặt lấy cổ bố khóc mếu máo.
Tổ quân y đầu tiên của Bệnh viện 175 ra bệnh xá Trường Sa Lớn gồm: đại úy - bác sĩ Nguyễn Kỳ Dưỡng, thượng úy chuyên nghiệp - y sĩ Phạm Ngọc Xuyên, trung sĩ - y tá Nguyễn Văn Dũng.
Bác sĩ Dưỡng nhớ lại: “Ngày tiễn tổ quân y đầu tiên ra Trường Sa có đông đủ đồng chí, bạn bè, đồng nghiệp. Ban giám đốc còn điều hẳn chiếc xe dành riêng cho ban giám đốc đưa tổ quân y ra lữ đoàn 146 (Vùng 4 hải quân - Cam Ranh). Đích thân đồng chí bí thư đảng ủy và các đồng chí ở cơ quan cùng đi với chúng tôi”.
Năm 1992. Trường Sa còn quá nhiều khó khăn, gian khổ. Trong ký ức của bác sĩ Nguyễn Kỳ Dưỡng, Trường Sa ngày ấy chỉ toàn là màu trắng của cát và san hô chết. Màu xanh duy nhất lúc đó là hai bụi cây phong ba và vài cụm rau muống biển loe ngoe.
Trên đảo duy nhất nhà ban chỉ huy đảo là nhà gỗ, còn lại là những nhà bán âm, nửa chìm nửa nổi, kèo sắt đã gỉ lợp tôn fibro ximăng. Mỗi khi gió biển thổi mạnh, cát bay vào trong nhà phủ đầy giường chiếu.
Đảo trưởng dẫn tổ quân y đến một căn nhà giới thiệu: đây là bệnh xá! “Nói là bệnh xá cho oách chứ thật ra nó chỉ là một căn nhà lợp tôn, xung quanh là ván gỗ - bác sĩ Nguyễn Kỳ Dưỡng kể - Phòng mổ rộng tầm 20m2, chỉ có bàn, dụng cụ không đồng bộ. Nếu mổ phải chui xuống hầm chứ không thể ở trên phòng mổ này được.
Dụng cụ trang thiết bị y tế gần như là con số 0. Cả đảo chỉ có một bộ dụng cụ trung phẫu. Trước khi ra đảo tôi xin bệnh viện mang thêm kim chỉ phẫu thuật chứ ra đây tìm đỏ mắt cũng không có.
Thuốc thì cấp theo cơ số thuốc của Cục Quân y, chủ yếu thuốc thông thường, không có thuốc đặc trị, thuốc quý hiếm”.
Khi đi thị sát một vòng quanh đảo, tổ quân y nhận thấy công tác vệ sinh môi trường trên đảo rất phức tạp. Vỏ đồ hộp, rác thải, bịch nilông... ngổn ngang sau các căn nhà hoặc dưới bãi biển.
Không có nhà vệ sinh tự hoại nên ruồi, muỗi, chuột nhiều vô số kể. Tổ quân y đề xuất ban chỉ huy đảo cho bộ đội gom rác sinh hoạt, đào hố chôn rác thải sinh hoạt.
Nhưng sau mỗi trận mưa lớn cát trôi đi, rác lại nổi lên hoặc trôi ra bãi biển. Tổ quân y lại đề xuất phát động phong trào vệ sinh môi trường đảo sạch, đẹp.
Cách hiệu quả nhất là gom và đốt rác. Hằng tuần tổ quân y cùng trực ban tổ chức đốt rác rồi đào sâu lấp lại. Mỗi tháng một lần, tổ quân y phun thuốc diệt ruồi, muỗi và tổ chức cho bộ đội bẫy chuột.
Chỉ sau hơn một tháng vệ sinh môi trường trên đảo đã chuyển biến tích cực, đảo sạch hơn. “Được ban chỉ huy đảo khích lệ, chúng tôi duy trì liên tục. Hằng tuần đều tổ chức kiểm tra đánh giá kết quả công tác vệ sinh môi trường đảo. Nhờ đó môi trường vệ sinh chuyển biến tốt hẳn lên” - bác sĩ Dưỡng nói.
Bác sĩ Nguyễn Kỳ Dưỡng và vỏ ốc kỷ niệm trong những năm tháng ở Trường Sa - Ảnh: My Lăng |
“Bố ở lại với tụi con...”
Trước khi ra đảo, tổ quân y của Bệnh viện 175 đã được cung cấp một số thông tin về các loại bệnh của lính đảo như: ghẻ lở, hắc lào, bệnh do thời tiết, tiêu chảy... Nhưng khi ra đảo bác sĩ Nguyễn Kỳ Dưỡng còn phát hiện thêm một loại bệnh khác.
Lúc đầu anh thấy lạ khi lính đảo trai tráng, vạm vỡ là thế nhưng nhiều người cứ tập thể dục xong, bơi lội xong là bị chuột rút. Nhiều người đang luyện tập tự nhiên lăn đùng ngã ngửa ra.
Sau ba tháng tìm hiểu, bác sĩ Dưỡng mới phát hiện lý do. “Lính đảo bị tê phù do ăn gạo dự trữ lâu ngày bị ẩm mốc, mất hết cám gạo nên thiếu nhiều vitamin, nhất là vitamin B1. Tôi đề nghị trong bờ cấp vitamin B1 theo tàu ra.
Cứ mỗi bữa anh nuôi nấu cơm, tôi cho cả một lọ mấy trăm viên vitamin B1 vào. Rồi cho y tá xuống tận từng cụm, từng tiểu đội phát vitamin B1, bắt há miệng uống ngay tại chỗ. Nhiều anh sợ uống thuốc, ngậm vô mình quay đi là nhả, tôi lôi lên bệnh xá chích vào mông, khiếp, lại xin được uống”.
Hồi đó trên đảo chỉ có rau sam. Thương lính đảo thiếu rau xanh, một cán bộ trung tâm vệ sinh phòng dịch của Cục Quân y thấy heo ăn rau muống biển không chết, lấy rau muống biển về luộc qua mấy lần nước, ăn thử xem như thế nào, biết đâu có thêm nguồn rau cho đảo. Nhưng lúc ăn vào bị sùi bọt mép, bác sĩ Dưỡng phải cho uống thuốc giải độc.
Trăn trở mãi, bác sĩ Nguyễn Kỳ Dưỡng tìm hiểu cách trồng rau trong chậu. Thấy tổ quân y trồng được rau xanh, ban chỉ huy đảo phát động toàn đảo trồng rau, cải thiện bữa ăn đạm bạc của người lính đảo Trường Sa. Nhờ vậy bữa cơm của người lính đảo đã có rau xanh.
Trước đây chỉ có thịt hộp, mắm ruốc, cá khô, đồ hộp và cá biển tươi từ ngày này sang tháng khác. Nay sức khỏe bộ đội tốt lên rất nhiều so với những ngày đầu tổ quân y mới ra đảo.
Sau khi ở ngoài đảo ba tháng, tổ quân y đã huấn luyện được mỗi tiểu đội sẽ có hai chiến sĩ vệ sinh. Hai chiến sĩ này chịu trách nhiệm phát thuốc trong tiểu đội của mình.
Đến mùa huấn luyện, tổ quân y lại hướng dẫn năm kỹ thuật cấp cứu, 10 điều về vệ sinh môi trường biển đảo cho tất cả cán bộ chiến sĩ.
Rồi còn những bệnh ngoài da như ghẻ lở, lang ben... kéo dài dai dẳng bấy lâu nay, tổ quân y phải giải quyết triệt để vấn đề này.
“Tôi tập hợp hết những cậu bị ghẻ lở, hắc lào cho bôi cồn iốt rồi bắt nhảy xuống biển tắm. Có đứa cười đứa khóc, đứa nhảy tưng tưng. Trong một lần khám chúng tôi phát hiện hơn 10 cậu bị hẹp bao quy đầu, lôi lên bệnh xá cắt hết. Các cậu sợ, xấu hổ không chịu. Tôi bảo giờ không cắt sau này không có con được. Thế là xuôi”, bác sĩ Nguyễn Kỳ Dưỡng hào hứng kể lại những ngày tháng thật trong sáng ở đảo.
Rồi ông cười: “Hình như tôi ra đảo bệnh sợ bác sĩ hay sao ấy mà lính đảo không bị bệnh gì nguy hiểm. Trong hai năm ở đảo chỉ có một ca cấp cứu...”.
Đó là một buổi chiều mùa bão gió. Bệnh nhân là một chiến sĩ trẻ của nhà giàn DK1 được tàu trực chở sang. Do đã ở nhiều năm ngoài biển nên chiến sĩ này bị kiệt sức, viêm dạ dày cấp.
Bác sĩ Dưỡng nhớ lại: “Lúc đó chúng tôi đã chuẩn bị mọi thứ để mổ. Nhưng sau mấy ngày lên đảo, được chăm sóc tốt hơn nên chiến sĩ này đã hồi phục. Nếu mổ dụng cụ máy móc không có, mình vẫn phải tìm mọi cách khắc phục thôi”.
Nhìn lại những năm tháng ở Trường Sa, người bác sĩ mỉm cười: “Ngoài đảo anh em tứ xứ bốn phương nhưng tình cảm quý lắm. Một người chỉ nhức đầu, sổ mũi tí thôi nhưng cả đảo rủ nhau đến thăm, người ốm cũng thích được thủ trưởng, đồng đội đến thăm, mai khỏe liền. Có lần mình chỉ nhức đầu tí tẹo, chúng nó đi bắt cá tôm mực về để đầy đầu giường bác sĩ. Hôm tôi về đất liền tụi nó buồn lắm, cứ bảo: “Bố ở lại với tụi con. Bố về tụi con nhớ lắm...”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận