Học xong Đại học Bách khoa Hà Nội, năm 1992, chị Hà Thị Hoa vào Bảo Lộc làm nhân viên kỹ thuật cho một công ty dâu tằm tơ và được cử đi Hàn Quốc, Nhật Bản học công nghệ dệt nhuộm và ươm tơ. 

Những nốt trầm của công ty khiến chị lay lắt hơn 10 năm, nhưng trong tay có nghề, lại chuyên môn sâu nên chị không muốn bỏ nghề.

Tơ lụa Việt Nam: Kỳ 2: Trở mình từ đống sắt - Ảnh 1.

Năm 2009, chị vay 500 triệu đồng mua lại một dàn máy cũ han gỉ của một công ty đang thua lỗ và bắt đầu làm lụa tơ tằm nguyên chất. 

Xưởng ươm tơ dệt lụa Hà Bảo của chị ban đầu chỉ bán được cho một số đầu mối ở Trung Quốc, Campuchia và một số cơ sở làm nội thất trong nước. 

Xác định muốn tham gia cuộc chơi với thị trường lớn hơn phải có đối tác uy tín, chị Hoa mang lụa của mình đi các hội chợ tơ lụa lớn tổ chức ở Trung Quốc và giới thiệu với các nhà thương mại từ Nhật Bản, châu Âu. 

Và một ngày, đối tác người Nhật Bản đến thăm.  

"Nhìn hệ thống máy đã cũ dù vẫn còn chạy rất êm, họ không nói năng gì, chỉ để lại một tấm vải chuyên dùng may kimono do đối tác của họ ở nước khác dệt rồi nói nếu làm được thì sẽ gặp lại" - chị Hoa kể. 

Nhìn tấm vải, chị Hoa biết phải chỉnh sửa hệ thống máy của mình nhiều, nhưng vốn liếng học từ Hàn, từ Nhật khiến chị tự tin. 

Một thời gian ngắn sau, tấm lụa kimono hàng mẫu và tấm lụa do xưởng Hà Bảo dệt được gửi đến tận tay đối tác. Họ đã quay lại Việt Nam sau đó, bàn tính với chị những hợp đồng dài hạn.

Đưa chúng tôi vào khu dệt lụa rộng, với hệ thống máy mới nhập từ Hàn Quốc, chị Hoa nói đây là kết quả những chuyến đi tìm đối tác từ các thị trường khó tính. 

"Họ tin kỹ thuật dệt lụa của mình nhưng mình cần ở họ sự lâu dài nên phải đầu tư bài bản để tránh rủi ro gây thiệt cho cả đôi bên" - chị nói. 

Từ một nhà dệt chắp vá, lụa Hà Bảo hiện đã có mặt tại Trung Quốc, Brazil, Anh. Có những đơn đặt hàng làm lụa pha giữa tơ tằm và sợi tổng hợp, chị Hoa từ chối.

Tơ lụa Việt Nam: Kỳ 2: Trở mình từ đống sắt - Ảnh 2.

Ở vùng lụa Bảo Lộc, nhắc đến ông Huỳnh Tấn Phước, giám đốc Công ty tơ tằm Nhật Minh, là nhắc đến một ông "vua" tơ. 

Cách nay ngót nghét 20 năm, ông Phước làm nhân viên văn phòng của một công ty dệt lụa đang lay lắt. 

Cỗ máy ươm tơ vài tỉ đồng phơi nắng phơi mưa khiến ông xót xa, mang cỗ máy lớn đó về nhà là điều quá sức, nhưng bỏ mặc nó tiếp tục hư hại thì ngủ không yên. 

"Cứ đi đã, hạ hồi phân giải" - ông tính, và mất hơn hai năm để cỗ máy đó vận hành trở lại. 

Trong hai năm sửa máy đó, ông đi tìm khách hàng khắp nơi, hứa "gửi mẫu khi có đợt hàng đầu tiên". 

Và từ đống sắt đó, với sự kiên tâm và niềm tin vào sự phục hồi tốt của nghề, nay ông Phước đã có hơn 30 tấn tơ/tháng, khá lớn so với tổng sản lượng tơ của thành phố Bảo Lộc.

Có thể tìm được những câu chuyện tương tự, ở hơn 20 nhà xưởng tơ lụa bây giờ, với chính những người công nhân tơ lụa từng sống chết với ngành dệt lụa lập ra.

(Còn tiếp)


MAI VINH
VŨ HOÀNG
BẢO SUZU
15/01/2018
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp