Người dân xếp hàng mua thực phẩm qua vách ngăn chống giọt bắn được lắp tại các gian hàng ở chợ Ngã Ba Bầu, Hóc Môn (ảnh chụp sáng 14-7) - Ảnh: NHẬT THỊNH
Theo Sở Công thương TP.HCM, phương án khôi phục hoạt động chợ truyền thống đang được khuyến khích triển khai ở những khu vực tương đối an toàn. Người dân sẽ được phát phiếu đi chợ, đảm bảo yêu cầu giãn cách, không tập trung tại một quầy hàng.
Sớm nối lại hệ thống phân phối
Với phương án này, mỗi chợ chỉ chọn một số tiểu thương có đủ năng lực cung cấp các mặt hàng thiết yếu là cá, thịt và rau củ quả. Hàng hóa được chia sẵn theo từng túi, bán đồng giá để đảm bảo giao dịch diễn ra nhanh chóng, người mua đến lấy hàng, để lại tiền, hạn chế tiếp xúc...
Ông Thái Bình Sơn - trưởng ban quản lý chợ Phạm Văn Hai (Tân Bình) - cho biết chợ này có gần 80 sạp bán rau củ quả nên nếu chỉ giới hạn số bán quá ít sẽ tạo tâm lý so bì, nếu bán luân phiên với thời gian chờ đợi lâu sẽ gặp khó vì người bán khó nhập hàng khi đến lượt.
Do đó, nếu áp dụng các phương án về giãn cách, bốc số vào chợ, thực hiện nghiêm 5K, một cửa ra và một cửa vào..., có thể xem xét cho khoảng 50% số sạp bán rau củ quả tại chợ được bán thí điểm, có thể chia ca ra bán theo giờ, theo buổi.
Ông Nguyễn Văn Sinh - trưởng ban quản lý chợ Xã Tây (quận 5) - cho rằng nên linh động số lượng tiểu thương bán thí điểm tùy theo quy mô mỗi chợ, mỗi phường... Ngoài ra, có thể xem xét mở bán thí điểm thêm mặt hàng thịt heo, gạo, thủy hải sản, bởi người bán tại chợ dễ nhập mặt hàng này, trong khi nhiều cửa hàng đang tạm ngưng bán, siêu thị khá đông người.
Cũng theo ông Sinh, tăng quy mô thí điểm nhưng không đồng nghĩa tăng người đi chợ, bởi bên cạnh quy định 5K, chợ có thêm nhiều giải pháp phụ. "Chỉ bán khu vực thông thoáng, có nắng, vận động người dân chia ca đi chợ hoặc người bán giao hàng tận nhà cho khách. Chợ chỉ bán trên địa bàn mỗi phường hoặc bán kính nhất định nên việc quản lý, giao hàng sẽ thuận tiện" - ông Sinh đề xuất.
Đại diện một ban quản lý chợ tại TP Thủ Đức cho rằng nhu cầu về mặt hàng rau củ quả tại chợ khá lớn nên xem xét tăng số lượng bán. Chợ sẽ liên kết, vận động các hội, đoàn thể trên địa bàn để hỗ trợ đẩy mạnh kênh bán hàng online, phát phiếu đăng ký mua hàng và giao hàng tận nhà để nếu có tăng số sạp bán vẫn đảm bảo hạn chế tập trung.
Tiểu thương không dễ lấy hàng
Tuy nhiên, chị Xinh - tiểu thương hàng rau củ tại một trong 63 chợ truyền thống đang còn hoạt động - cho biết đã tạm nghỉ bán 5 ngày nay do không lấy được hàng từ chợ đầu mối, vận chuyển hàng về khó khăn, trong khi các đầu mối từ nhiều địa phương gọi điện nhờ lấy hàng do không có nơi tiêu thụ.
"Nhiều khách quen cứ gọi hỏi mua nhưng tôi không thể giao hàng được dù giá mình bán rất tốt. Nếu nhiều tiểu thương được bán trở lại, giá nhiều mặt hàng sẽ khó tăng mạnh như những ngày qua" - chị Xinh nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Nhu - phó giám đốc chợ đầu mối nông sản Thủ Đức - cho biết các tiểu thương ở chợ lẻ muốn lấy hàng tại chợ hiện không dễ do vướng quy định cấm xe máy, xe ba gác vào chợ. Hơn nữa, chợ cũng chỉ là điểm trung chuyển rau củ mà người bán và mua muốn vào đều phải đăng ký trước về thông tin cả hai phía (giao và nhận), xét nghiệm âm tính COVID-19 trong 3 ngày.
"Muốn nhập hàng rau củ quả tại chợ, tiểu thương phải đáp ứng các điều kiện trên, còn không phải nhập lại từ các đầu mối lấy hàng từ chợ" - ông Nhu nói. Đồng thời cho biết lượng rau nhập về trạm trung chuyển dù có tăng dần sau 3 ngày triển khai nhưng vẫn chỉ được 74 tấn rau củ quả/đêm cho khoảng 10 đầu mối lấy hàng, chỉ như "muối bỏ biển" so với nhu cầu.
Cũng theo ông Nhu, rau củ quả từ các tỉnh rất nhiều nhưng do khó khăn vận chuyển, tài xế ngại dịch nên không đưa hàng về chợ. Do đó, vấn đề quan trọng hiện nay là giải quyết được khâu chuyển hàng từ các tỉnh về, nếu không chợ có mở cửa cũng không đủ hàng để bán.
Bà Trương Minh Kiều - phó chủ tịch UBND quận 5 - cho biết chính quyền quận 5 sẵn sàng linh động tìm các giải pháp để sớm mở lại các chợ truyền thống. Tuy nhiên, việc thí điểm chỉ có thể thực hiện khi khu vực đó cơ bản kiểm soát được dịch. "Với những chợ nằm trong khu vực dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, sẽ rất khó áp dụng kinh doanh thí điểm, dù chỉ mặt hàng rau củ quả" - bà Kiều khẳng định.
Siêu thị vẫn quá tải, kêu gọi khách "mua vừa đủ"
Thông báo mỗi người chỉ được mua một vỉ trứng tại một siêu thị ở quận 3, TP.HCM - Ảnh: NHẬT THỊNH
Trong ngày 14-7, các siêu thị, cửa hàng thực phẩm tiếp tục ghi nhận một lượng khách đổ về mua sắm. Nhiều siêu thị tại TP.HCM cho biết lượng khách tăng đột biến 150 - 250% so với ngày trước, chủ yếu mua các mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt, trứng, rau củ; thực phẩm khô và các sản phẩm đông lạnh.
Với một số sản phẩm thực phẩm như các mặt hàng thịt và trứng..., do sức mua tăng đột biến nên trưa 14-7 đã xảy ra tình trạng hết hàng cục bộ tại siêu thị. Đến buổi chiều, siêu thị đã có thể bổ sung thêm các mặt hàng này lên các quầy kệ.
Nhiều điểm bán ở các quận 2, 7, Phú Nhuận, Bình Thạnh... chứng kiến khách xếp hàng dài để chờ được vào bên trong mua sắm khi siêu thị áp dụng giới hạn số lượt khách vào mua sắm, khách hàng được yêu cầu thực hiện nguyên tắc phòng dịch 5K để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
So với các siêu thị, những cửa hàng thực phẩm quy mô nhỏ nhanh chóng hết hàng hơn. Nhiều bà nội trợ tiếc công xếp hàng gần 2 giờ nên tranh thủ mua thêm nhu yếu phẩm như nước mắm, mì gói, bún khô...
Đại diện Saigon Co.op cho biết lượng thịt tươi, trứng, rau củ quả nhập về trong ngày cho gần 300 siêu thị thuộc hệ thống này tại TP.HCM tăng hơn 30% so với mức trung bình khi lượng khách đến mua sắm đông. Các quầy kệ liên tục được châm hàng, chủ yếu là nông sản như rau củ và thịt, cá.
Ông Nguyễn Nhơn Quý, đại diện AEON Việt Nam, cho biết hai siêu thị AEON tại TP.HCM ghi nhận lượng khách hàng tăng mạnh. Siêu thị đang nỗ lực hết sức làm việc với nhà cung cấp để đảm bảo đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu hằng ngày cho người dân, các mặt hàng tươi sống đều được bổ sung mỗi ngày nên khách hàng có thể an tâm và không cần mua tích trữ số lượng lớn.
Siêu thị LotteMart Phú Thọ (quận 10) vừa mở cửa hoạt động trở lại sau một tuần đóng cửa chống dịch cũng chứng kiến cảnh người dân quanh khu vực nườm nượp xếp hàng vào mua sắm. Tại siêu thị Emart Gò Vấp, nhiều khách hàng đã phản ứng khi không thể vào mua sắm thoải mái như trước và chịu phân luồng của nhân viên siêu thị.
Đại diện Emart Việt Nam cho biết đang áp dụng biện pháp rào từ bên ngoài để điều tiết lượng khách vào mua sắm tuần tự. Khi trong siêu thị, khu vực thanh toán giải phóng hết khách mới mở cổng để người khác vào mua sắm. "Khách hàng phản ứng nhưng chúng tôi chỉ mong thông cảm vì cần phải tuân thủ giãn cách, đông quá sẽ rất nguy hiểm" - đại diện Emart Việt Nam nói.
Trong quá trình khách mua sắm, siêu thị đều phát loa thông báo về việc siêu thị vẫn mở cửa phục vụ cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân trong mọi kịch bản phòng chống dịch ở mọi cấp độ để người dân yên tâm, hàng hóa luôn dồi dào, sẵn có. Trong ngày hôm nay, nhiều siêu thị tiếp tục tổ chức các chuyến hàng lưu động đến các khu vực đông dân cư khi chợ, siêu thị trên địa bàn bị đóng cửa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận