12/10/2019 10:57 GMT+7

Tổ ấm

KIM SƠN
KIM SƠN

TTO - 'Ra ngoài, cút hết ra ngoài cho tao, cút khỏi nhà tao, không tao đánh chết'. Tiếng la hét hung hãn, tiếng khóc, tiếng đập bàn ghế, ly chén loảng xoảng.


Tổ ấm - Ảnh 1.

"Đó là nhà cô K. - hàng xóm tôi - mỗi lần chú T., chồng cô, nhậu xỉn về. Mà số ngày say xỉn của chú thì nhiều hơn ngày chú tỉnh.

“Khoảnh khắc thấy mẹ dụi mái tóc vào bố để tìm lời khen như đứa trẻ, tôi bỗng thấy mình hiểu thêm được rất nhiều. Tôi sẽ tìm cho mình con đường mới mà tôi chưa từng nghĩ đến: Tổ ấm của riêng mình.

KIM SƠN

Những đêm tôi đang say giấc hay nghe hơi lạnh thốc vào lưng. Cái Dung, con cô K., tuồn vào nằm cạnh tôi. Còn cô K. không dám qua, chỉ gửi con gái rồi lại về quanh quẩn gần nhà, đợi chú T. ngủ say để cạy cửa vào.

Những hôm chú T. cài cứng cửa, không thể cạy vào nhà, cô ra đống rơm cạnh bếp để ngủ. Những lần chú T. về giữa khuya, không thể gửi Dung, cô K. đành ôm nó ngủ ngoài sân. Cảnh nhà cô K. hàng xóm buồn thế, gia đình dì tôi cũng đầy u uẩn. Có những buổi trưa dì tôi ôm con Thanh đang còn ẵm ngửa, chạy trốn trong vườn chuối. Sau lưng dì, dượng cầm con dao bầu sáng lóa đe dọa.

Tụi em họ tôi lớn lên trong cảnh dượng ngày ngày đánh dì như một vết hằn đau khổ sở. Có ngày nhìn Thanh hăng say tập võ, tôi hỏi con gái học võ làm gì. Nó lặng im, đưa tay áo chậm mồ hôi, rồi buồn bã trả lời:

- Em tập võ để đánh bố em!

Nó nói nghẹn mà nước mắt tràn ra, và tâm sự thêm rằng nó biết thế là hỗn. Chỉ có điều mỗi đêm gặp ác mộng cha đánh mẹ, nó lại muốn cứu mẹ.

Học cấp II, Thanh ra nhà tôi ở. Có những bữa ăn khi cả nhà tôi đang cười nói, nó bật thẳng người dậy chạy ra sau bếp. Đuổi theo Thanh, tôi thấy nó nấp vào góc cửa bật khóc như bị ai đánh mà không dám hỏi.

Mãi sau khi dì dượng ly dị và cái Thanh uống thuốc tự tử bất thành, tôi với nó mới ngồi nói chuyện thật nhiều. Nó nức nở không thành tiếng:

- Em biết mẹ khổ, mẹ đã cố chịu đựng vì chúng em. Em muốn bảo vệ mẹ, em muốn đánh bố. Nhưng em sợ hư đốn, hỗn hào nên em chỉ có thể đứng trơ ra nhìn bố đánh mẹ. Vậy mà không hiểu sao em vẫn muốn bố mẹ đừng ly dị. Em không thể hiểu tại sao bố mẹ em không như bố mẹ chị. Mỗi lần thấy nhà chị vui vẻ, em phải chạy đi mà khóc.

Mấy đứa em họ và cái Dung hàng xóm lớn lên, vội vã rời xa ngôi nhà của mình. Những ký ức buồn xưa ấy không biết có đứa nào còn nhớ hay tổn thương? Bởi tụi nó đều lập gia đình từ sớm như một cách trốn chạy. Rồi một ngày cái Dung lại ly dị chồng. Không dám ôm con về, nó thuê dãy trọ sau nhà tôi. Nhìn tôi qua chơi với cu Tí, nó cười hiền nói:

- Ở vậy cho sướng nha mày, đừng lập gia đình để khổ như tao!

Thanh cũng lấy chồng sớm. Nó hay bị ức chế, mỗi lần có việc gì không vừa ý nó đều la hét, khóc lóc, đánh trả hay ném đồ mà không kiểm soát được, nhưng qua cơn là nó quên ngay. May mắn là chồng nó nhiều tuổi hơn, nên sau vài lần để Thanh bị kích động, chồng nó đã đưa vợ đi bác sĩ tâm lý chữa trị.

Chẳng biết có phải tại nhìn cảnh buồn vậy hay không mà tôi không muốn lập gia đình. Bố mẹ sốt ruột giục mãi, rồi chán chẳng buồn nói, để mặc tôi. Những tưởng tôi sẽ chẳng thể thay đổi lập trường của mình, vậy mà chỉ trong một chiều dịu nắng, lắng nghe cuộc chuyện trò của bố mẹ, tôi đã thay đổi quyết định của mình 180 độ.

Mẹ đứng ngoài sân hong tóc. Mẹ tự hào về mái tóc đen dài và mượt như tóc duỗi của mình nên vẫn gội đầu bằng nước bồ kết. Tóc gần khô, mẹ cẩn thận kẹp lại. Tôi thích chí chạm vào mái tóc mềm mát rượi của mẹ, miệng cứ xuýt xoa khen tóc đẹp. Mẹ cười hớn hở chạy ra sân tìm bố. Còn bố ngạc nhiên khi thấy mẹ tự dưng chạy tới, cầm tay bố cho lên đầu, nên đẩy đầu mẹ ra. Mẹ dỗi, cáu ầm. Bố ngơ ngác ngồi đơ ra, không hiểu tại sao mẹ giận. Tôi phải kéo tay bố, nói khẽ:

- Mẹ khoe tóc đẹp, ai bảo bố không hiểu ý, bị mắng là phải.

Thế là bố lật đật đứng lên vuốt tóc và khen mẹ như khen con nít. Nghe xong, mẹ vui vẻ lại, tự nói vui:

- Giờ đẹp rồi, phải đi chơi cho mọi người ngắm, không ở nhà đâu, bố mày nấu ăn chiều đi.

Nhìn bố mẹ như trẻ con, tôi không khỏi bật cười. Bố mẹ tôi cũng trải bao chuyện giận hờn, đánh mắng, nhưng vẫn bền vững bên nhau.

Cái lần chị Hai bị mẹ đánh trong nhà, tôi chạy ra vườn cầu cứu bố. Bố ra vẻ lơ đãng nói:

- Vợ bố chỉ có một, con bố tới năm đứa nên cứ để bà ấy đánh đi.

Sau này, bố nói lại rằng dạy con thì chỉ một người dạy, không nên chạy vào bênh. Hình như bố chưa bao giờ làm mẹ giận lâu. Có lần mẹ xòe bàn tay ra nói:

- Tôi lấy ông gần bốn chục năm trời mà không được phân vàng nào đeo này.

Bố tần ngần ngồi gãi đầu mãi mới nói:

- Thì tôi lấy bà cũng có khác gì đâu, mà bà được tôi với năm đứa con đây này.

Mẹ cười phá lên làm già:

- Nói thật cho ông biết, năm đứa con không có đứa nào của ông cả.

Bố vui vẻ bảo:

- Hay thật, thế mà cả năm đứa đều gọi tôi là bố đấy.

Không lãng mạn như nhiều chuyện tình khác, bố mẹ tôi bình lặng bên nhau hơn nửa cuộc đời, chỉ đơn giản người này giận, người kia bớt lời, nhường nhịn nhau một chút sẽ yêu thương nhau dài lâu.

Đôi lúc tôi hỏi sao bố chịu được những vô lý của mẹ. Bố chỉ cười kể lại cái ngày tôi còn nhỏ lắm, bố làm ăn bị vỡ nợ, ngân hàng đến thu nhà. Mẹ chẳng nói một lời trách móc, chỉ nắm chặt tay bố. Có lẽ vì cái nắm tay sẻ chia yêu thương đó mà mẹ nắm giữ bố cả cuộc đời.

Và tôi trong khoảnh khắc thấy mẹ dụi mái tóc vào bố để tìm lời khen như đứa trẻ, tôi bỗng thấy mình hiểu thêm được rất nhiều. Tôi sẽ tìm cho mình con đường mới mà tôi chưa từng nghĩ đến: Tổ ấm của riêng mình...

photo-1

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi viết KHOẢNH KHẮC THAY ĐỔI ĐỜI TÔI lần 2 năm 2019

* Thể lệ: Bài viết bằng chữ tiếng Việt, có thể viết trên giấy hoặc gửi qua email.

* Độ dài: 1.000 - 1.700 chữ.

* Tiêu chí: Câu chuyện CÓ THẬT của chính người dự thi. Khoảnh khắc có tính bước ngoặt trong đời, có cú hích với bản thân, có bài học sâu sắc, đậm tính nhân văn, rung động người đọc.

Bài chưa đăng báo và mạng xã hội.

Những bài viết hay sẽ được chọn đăng trên các ấn phẩm: Tuổi Trẻ nhật báo, Tuổi Trẻ Online - tuoitre.vn, Tuổi Trẻ Video Online, fanpage Tuổi Trẻ.

Bài được chọn đăng, Tuổi Trẻ có quyền tiến hành xác minh, biên tập và giữ bản quyền.

Bài đã gửi, ban tổ chức sẽ không trả lại.

* Đối tượng dự thi: Công dân Việt Nam (trong và ngoài nước). Các phóng viên, cán bộ, nhân viên báo Tuổi Trẻ không dự thi.

Mỗi tác giả gửi tối đa hai (02) bài.

* Giải thưởng: 1 giải nhất: 30 triệu đồng; 1 giải nhì: 20 triệu đồng; 1 giải ba: 10 triệu đồng; 10 giải khuyến khích: 5 triệu đồng.

* Thời gian bắt đầu và kết thúc: Bắt đầu nhận bài thi: từ ngày 21-6-2019. Kết thúc nhận bài: ngày 21-12-2019 và tổ chức trao thưởng vào tháng 1-2020.

Cuối mỗi bài viết vui lòng ghi rõ thông tin về tác giả: địa chỉ, số điện thoại và email liên hệ.

Bài dự thi gửi về địa chỉ: báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, Việt Nam hoặc email: [email protected].

Ngoài bì thư hoặc tiêu đề bài dự thi gửi qua email vui lòng ghi: Bài dự thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi".

photo-1

Đừng làm người keo kiệt nghen con! Đừng làm người keo kiệt nghen con!

TTO - Tôi không dám nhìn thẳng vào ba. Cả đời ba luôn nghĩ cho người khác, luôn nhận phần thiệt thòi về mình, chắc ba thất vọng lắm khi có đứa con gái toan tính, keo kiệt từng đồng như tôi.

KIM SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp