Bộ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường Trần Hồng Hà (áo trắng) kiểm tra thực địa tại nhà máy luyện quặng - Ảnh: TRUNG TÂN
Sáng 20-11, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường Trần Hồng Hà đã có chuyến khảo sát thực tế và làm việc tại dự án nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ (xã Nhân Cơ, Đắk R’lấp, Đắk Nông).
Sẽ hoàn vốn, có lời trong năm 2020
Tại đây, ông Nguyễn Anh Tuấn, phó tổng giám đốc tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết hiện cả hai dự án Nhân Cơ và Tân Rai đã đi vào hoạt động, có hiệu quả ban đầu.
Đến thời điểm này có thể đánh giá đã được 5 mục tiêu chính do Bộ chính trị đề ra như an ninh quốc phòng, an toàn môi trường, an sinh xã hội, hiệu quả kinh tế...
Năm 2017, hai dự án đã sản xuất khoảng 1.200.000 tấn alumin và sản xuất đến đâu, xuất khẩu đến đó. Những nơi xuất đến như: Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Ấn Độ, Nhật, Trung Quốc...
Bên cạnh đó chi phí sản xuất giảm 25%, tăng hiệu quả dự án. Đến nay hai dự án đã nộp ngân sách 1300 tỉ đồng.
Nếu với tình hình giá cả thuận lợi như hiện nay, khoảng năm 2020 sẽ bắt đầu có lời. Trong đó Nhân cơ rút ngắn thời gian hoàn vốn là 2 năm, Tân Rai 1 năm so với dự kiến.
Tính toán lại cây trồng trên đất hoàn thổ
Ông Lê Văn Thị, chủ tịch huyện Đắk R’Lấp, cho biết tổng diện tích đất thu hồi để xây nhà máy, hồ chứa bùn là 900ha, có 1.200 hộ bị ảnh hưởng.
Khu vực đất đã khai thác quặng, đang chuẩn bị hoàn thổ - Ảnh: TRUNG TÂN
Ông Thị đề nghị chủ đầu tư khắc phục, khơi thông suối Đắk Giao vì đây là nguồn nước tưới, sinh hoạt cho một bon dân tộc thiểu số.
Về việc hoàn thổ, chủ tịch huyện Đắk R’Lấp cho biết mỗi năm thu hồi hơn 100ha để khai thác quặng, nhà máy cần chú trọng tái định canh, định cư tại chỗ, ngay trên vùng đất đã hoàn thổ. Bên cạnh đó cần nghiên cứu thổ nhưỡng, nguồn nước phù hợp để đảm bảo cuộc sống lâu dài.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, phó tổng giám đốc tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), cho biết diện tích dự kiến thu hồi để lấy đất đưa về luyện quặng khoảng 3.500ha. Theo đó mỗi năm diện tích đất sẽ thu hồi của người dân là hơn 100ha.
Theo đánh giá tác động môi trường (đã được phê duyệt, chủ đầu tư có trách nhiệm đảm bảo môi trường trước khi đóng cửa mỏ.
"Ngoài ra, nhà máy cũng thực hiện việc san lấp, hoàn thổ diện tích đất đã đào để trồng rừng. Phương án đã được phê duyệt trên đất hoàn thổ là trồng cây keo" - ông Tuấn thông tin.
Một góc Nhà máy Alumin đã hoàn thành - Ảnh: TRUNG TÂN
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng diện tích đã thu hồi, sau khi hoàn thổ lại là quỹ đất rất lớn để địa phương sử dụng trong phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế xã hội.
Diện tích đất này cũng sẽ là khu tái canh, tái định cư, làm khu vực nông nghiệp công nghệ cao. Địa phương nên trích một phần kinh phí thu thuế từ dự án để xây hạ tầng.
"Việc hoàn nguyên môi trường là trách nhiệm của tập đoàn nhưng từng hecta hoàn thổ được sử dụng hiệu quả là trách nhiệm của địa phương. Tôi giao Tổng cục quản lý đất đai nghiên cứu về thổ nhưỡng, nguồn nước... để cùng địa phương, nhà máy có phương án trồng cây hiệu quả. Còn Tổng cục môi trường phải sớm nghiên cứu phương án đóng cửa mỏ khoáng sản đối với những khu vực đã khai thác" - Bộ trưởng yêu cầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận