Khu du lịch Đồi Phong Lan bị bỏ hoang vì dự án cảng Kê Gà - Ảnh: NG.NAM |
Có 9 dự án được UBND tỉnh Bình Thuận đưa vào danh sách đủ điều kiện bồi thường của dự án cảng Kê Gà với tổng số tiền hơn 85,7 tỉ đồng gồm: Thế Giới Xanh, Đồi Phong Lan, Thạnh Đạt, Tân Thành Minh, Hương Bắc, Phương Bắc, Thảo My, Thạnh Lợi và Minh Ngọc.
Tỉnh Bình Thuận cũng lập bảng kê chi tiết số tiền trên được chi trả cho 11 khoản bồi thường đã được hội đồng giám định thiệt hại xác minh trong một thời gian dài.
Đó là các khoản thiệt hại về tài sản, cây trồng, nội thất, tiền lương, điện nước, quảng cáo tiếp thị, cải tạo mặt bằng, ngừng sản xuất, quản lý dự án, cơ hội đầu tư, lãi suất tiết kiệm.
Cò kè bớt từng khoản một
Tuy nhiên, là nơi phải chi tiền để bồi thường thiệt hại cho các doanh nghiệp nên TKV muốn hạ giá bồi thường. Chẳng hạn như khoản hỗ trợ lãi suất tiết kiệm tỉnh Bình Thuận xác định trên 39,2 tỉ đồng thì TKV chỉ muốn chấp nhận trên 12,6 tỉ đồng.
Ở mỗi khoản hạ xuống như vậy, TKV lấy lý do cần có ý kiến Bộ Công thương, yêu cầu doanh nghiệp cung cấp đầy đủ hồ sơ chứng từ hợp pháp để chứng minh hoặc bác bỏ luôn khoản bồi thường.
Do đó, từ tổng số tiền bồi thường trên 85,7 tỉ đồng theo xác định của tỉnh Bình Thuận, TKV “ngã giá” xuống chỉ còn hơn 37,4 tỉ (chênh lệch hơn 48 tỉ đổng) “có đủ cơ sở pháp lý tương ứng với trị giá”.
Khoảng chênh lệch hơn 48 tỉ trên bị TKV “đá" cho tỉnh Bình Thuận với đề xuất tỉnh Bình Thuận hỗ trợ về cơ chế, chính sách ưu đãi trong đầu tư cho chủ các dự án du lịch, chia sẻ chi phí hỗ trợ, bồi thường thiệt hại cũng như rủi ro của TKV trong đầu tư.
Theo hồ sơ mà chúng tôi thu thập được, Bộ Công thương đã có ý kiến chỉ đạo tại công văn số 12483 ngày 7-12-2015 về nguồn kinh phí chi trả cho các dự án du lịch là do TKV thu xếp và hạch toán vào chi phí sản xuất chung của tập đoàn.
Theo một thành viên của hội đồng giám định thiệt hại tỉnh Bình Thuận, trong suốt quá trình xác định bồi thường thiệt hại đều có đại diện của TKV là Công ty tư vấn quản lý dự án Vinacomin (thành viên hội đồng) tham gia.
Việc xác định mức bồi thường là phù hợp với thực tế.
Bình Thuận kiên quyết yêu cầu hơn 85,7 tỉ
Dù cho TKV đề nghị con số chỉ hơn 37,4 tỉ đồng, ông Phạm Văn Nam - phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận - đã ký văn bản gửi Bộ Công thương đề nghị chấp thuận bồi thường tổng số tiền 85,7 tỉ đồng cho 9 doanh nghiệp du lịch bị thiệt hại.
Trong văn bản, ông Nam còn cho rằng giá bồi thường trên được tính tại thời điểm 2015, trường hợp TKV chậm bồi thường thì phải chi trả thêm khoản tiền chênh lệch về giá do chậm thanh toán cho các chủ dự án du lịch.
Trước động thái “ép giá” bồi thường của TKV, một số doanh nghiệp đã đề nghị với UBND tỉnh Bình Thuận đề xuất với Bộ Công thương cho phép doanh nghiệp thực hiện giám định độc lập những thiệt hại mà họ đã gánh chịu do dự án cảng Kê Gà gây ra.
Như đã thông tin, vào đầu những năm 2000, nhiều nhà đầu tư đã xây dựng các khu resort tại vùng ven biển Kê Gà (xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam).
Năm 2007, Bộ Giao thông vận tải có văn bản bổ sung quy hoạch Kê Gà thành cảng tổng hợp và yêu cầu UBND tỉnh Bình Thuận hướng dẫn các nhà đầu tư xây dựng cảng biển.
Tháng 4-2008, Sở Kế hoạch - đầu tư tỉnh Bình Thuận thông báo chủ trương xây dựng cảng Kê Gà nhằm vận chuyển bôxit từ Tây nguyên xuống.
Kinh phí đầu tư xây dựng cảng ban đầu là 550 triệu USD, sau đó được điều chỉnh lên 1 tỉ USD. Dự án cảng Kê Gà có chiều dài 2,3km bờ biển với tổng diện tích 366ha.
Các nhà đầu tư du lịch bị buộc phải nhường đất cho dự án cảng biển mang tầm quốc gia này. Theo kế hoạch, cảng Kê Gà khởi công xây dựng vào tháng 9-2009 nhưng sau nhiều lần trì hoãn, dự án này vẫn không khởi công.
Mãi đến ngày 18-2-2013, tại buổi làm việc với sự tham dự của các cán bộ chủ chốt tỉnh Bình Thuận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định dự án xây dựng cảng Kê Gà không hiệu quả, yêu cầu ngừng xây dựng cảng và giao các bộ liên quan phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận giải quyết hậu quả thiệt hại của các nhà đầu tư du lịch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận