Học sinh Trường Nhân Việt đóng góp cho chương trình “Vì Trường Sa thân yêu” - Ảnh: H.HG. |
Với hình thức “phát thanh học đường”, trường đã thông tin đến học sinh về những diễn biến mới của việc Trung Quốc đưa máy bay trái phép ra đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Bên cạnh những phân tích về sự bành trướng của Trung Quốc, hoạt cảnh Đảo của chúng mình do các học sinh Trường Nhân Việt biểu diễn như một sự khẳng định về chủ quyền lãnh thổ của nước nhà.
Với việc phát động chương trình “Vì Trường Sa thân yêu”, trường quyên góp được 9.340.000 đồng và nhờ báo Tuổi Trẻ chuyển đến các chiến sĩ ở Trường Sa làm quà tết.
Ở Trường THPT Nhân Việt, học sinh mặc đồng phục lấy ý tưởng kiểu áo của lính hải quân (nam mặc quần tây, áo trắng, cổ áo màu xanh, viền trắng như áo của lính hải quân, cổ áo dài của nữ sinh cũng vậy).
Mỗi lớp học được đặt tên theo một hòn đảo của Việt Nam: lớp 10 Song Tử Tây, lớp 10 Đá Chữ Thập, lớp 10 Gạc Ma, lớp 11 Cô Tô, lớp 11 Sơn Ca, lớp 11 Lưỡi Liềm...
Theo ban giám hiệu Trường Nhân Việt, việc đặt tên lớp học theo tên các hòn đảo nhằm gợi lên tình cảm tha thiết của học sinh về biển đảo nước nhà, góp phần giáo dục ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc cho học sinh.
Mỗi lớp sẽ tìm hiểu tất cả thông tin về hòn đảo mà lớp mình mang tên để trang trí lớp học (bằng tranh, ảnh, hình vẽ... về đặc điểm, vị trí địa lý, đặc sản, tiềm năng kinh tế, lịch sử... của hòn đảo) và thuyết trình về đảo ấy (thông qua hình thức diễn kịch, ca hát, thuyết trình...) vào những buổi chào cờ đầu tuần.
Theo học sinh Nguyễn Thị Ngọc Bích, lớp 10 Gạc Ma: “Sau khi tìm hiểu về trận hải chiến năm 1988 với 64 chiến sĩ của ta hi sinh ở Gạc Ma, lớp chúng tôi quyết định tái diễn hoạt cảnh về trận chiến này trong buổi thuyết trình về hòn đảo. Bữa đó thật sự rất xúc động, trong tôi dâng lên một nỗi niềm khó tả và tôi nhận ra: tình yêu Tổ quốc không thể chỉ nói bằng lời. Chúng tôi là lớp trẻ, cần phải có hành động cụ thể để thể hiện tình yêu ấy”.
Phải đòi lại Hoàng Sa * Đỗ Việt Cường (nghiên cứu sinh tiến sĩ luật quốc tế tại Viện Sau đại học Geneva, Thụy Sĩ): Các thế hệ người Việt phải giành lại chủ quyền Cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, các quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam trên các vùng biển, đảo là một công việc thiêng liêng, trọng đại nhưng phức tạp và dài lâu. Đó là nhiệm vụ của toàn dân tộc, chúng ta phải nuôi dưỡng ý chí giành lại chủ quyền qua các thế hệ người Việt Nam. Là một nghiên cứu sinh ngành luật quốc tế, tôi mong muốn được trau dồi những kiến thức pháp lý, được kết nối với những học giả Việt Nam trong và ngoài nước cũng như các bạn bè quốc tế, để từ đó chúng ta có thể tranh biện về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa trên các diễn đàn học thuật, truyền thông quốc tế và hi vọng trước một tòa án quốc tế. * Bùi Thị Nhung (nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành khoa học chính trị tại Đại học Princeton, Mỹ): Bài học đau đớn không thể để lặp lại Là một người Việt Nam, việc Trung Quốc năm 1974 dùng vũ lực chiếm quần đảo Hoàng Sa, gây ra thương vong cho rất nhiều binh sĩ Việt Nam, tất nhiên khiến tôi cũng như mọi người Việt đều rất bức xúc. Tôi rất tán thành việc những năm gần đây sự kiện này được nhắc đến và tưởng nhớ nhiều hơn. Đây là một tổn thất lớn và là bài học đau đớn đối với Việt Nam, chúng ta không thể để nó lặp lại. Theo nhận xét riêng của tôi, chúng ta phải kiên quyết đối với các tranh chấp chủ quyền, tuy nhiên cũng nên tránh trường hợp để sự căm phẫn phát triển thành chủ nghĩa dân tộc mù quáng hay lan rộng ra các vấn đề khác. Đi kèm việc hiện đại hóa quân đội, cần tăng cường hợp tác với ASEAN và các nước, chúng ta cần các biện pháp ngoại giao linh động nhằm thuyết phục Trung Quốc hợp tác và tôn trọng các yêu cầu của chúng ta. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận