Cấp cứu một người bị thương sau vụ xả súng tại đền thờ Al Noor tại Christchurch - Ảnh: REUTERS
Bạn tôi sống cách khu nhà thờ Hồi giáo chỉ vài trăm mét, chính xác là hơn 300m. Khoảng gần 14h, cô ấy gọi cho tôi thông báo là có tiếng súng nổ ở gần nhà.
Trong lúc nói chuyện trấn an cô ấy, tôi nghe thấy tiếng còi xe cảnh sát chạy qua nhà mình (cách hiện trường khoảng 1,5km).
New Zealand nổi tiếng thanh bình và không có bạo động nên tôi không nghĩ sự việc nghiêm trọng mà có thể là xung đột cá nhân.
Sau khi động viên bạn, tôi đi bộ ra siêu thị và thấy người ta bắt đầu chặn đường. Lúc từ siêu thị trở về, cả thành phố như đã đóng cửa.
Trong 20 phút ấy, tôi chỉ thấy 1 - 2 chiếc xe chạy trên đường, còn lại chỉ có một mình tôi. Toàn bộ thành phố, cơ quan, trường học, cửa tiệm đều đóng cửa. Tất cả đều vắng lặng. Một cảm giác chưa từng có.
Lúc này, tôi khá hoang mang và lo sợ. Trở về nhà và cập nhật tin tức, tôi mới biết lúc đó cảnh sát chạy ngoài đường để truy lùng tay khủng bố còn lẩn trốn.
Chính quyền New Zealand đã đảm bảo liên lạc rất tốt và đưa ra lời khuyên rõ ràng cho người dân: hãy ở trong nhà cho đến khi có lệnh mới.
Facebook nhanh chóng có thông báo an toàn, kết nối những người cần sự giúp đỡ và có thể giúp đỡ trong cộng đồng với nhau.
Các kênh báo đài đều chỉ nói về vụ xả súng vừa diễn ra. Nhóm du học sinh Việt Nam của chúng tôi và các sinh viên trong lớp tôi cũng nhắn tin trong group chat để cập nhật tình hình và hỏi thăm nhau.
Nhiều bạn bè đang ở trường học vào lúc đó cho biết theo hướng dẫn an toàn, tất cả các tòa nhà đều bị đóng cửa, người bên trong không được ra, người bên ngoài cũng không được vào. Họ ở đó đến tận 18h.
Không chỉ trường đại học, trường học các cấp và cơ quan công sở cũng được lệnh đóng cửa chờ hướng dẫn mới của cảnh sát.
Mọi người được cập nhật thông tin liên tục và cố gắng ở trong nhà nên dù sốc và lo lắng nhưng vẫn giữ được bình tĩnh, không hoảng loạn. Ngoài tivi, báo đài, Facebook, ai làm ở cơ quan, trường học còn được cập nhật qua email.
Vụ việc đẫm máu này là điều bất ngờ gây choáng váng với tất cả mọi người sống ở đây, dù là người bản địa hay người nước ngoài.
Christchurch nhỏ bé, chỉ khoảng 400.000 dân, như một quận ở Hà Nội hoặc TP.HCM. Thành phố nói riêng và cả New Zealand nói chung đều rất bình yên.
Nhà tôi sống ở đây hầu như chẳng bao giờ khóa cửa khi đi ngủ vì hoàn toàn yên tâm về vấn đề an ninh, an toàn.
Ban ngày, rất ít khi thấy cảnh sát. Họ có mặt vào buổi tối để đi tuần tra mà chủ yếu là kiểm tra uống rượu bia và đảm bảo mọi người không gây tai nạn giao thông.
Đến khoảng 18h, dù vẫn còn cảnh báo an ninh nhưng chính quyền đã thông báo mọi người có thể về nhà.
Lúc này, do mọi người đều hoặc về nhà hoặc đi đón người thân nên đường phố đầy xe cộ. Một đoạn đường ngắn 5 - 6km nhưng phải mất cả giờ mới đến nơi.
Cô bạn tôi, người gọi điện thoại báo tin cho tôi, sau này kể lại bạn và những người cùng phòng rất căng thẳng.
Tất cả đều ngồi trong nhà, đóng cửa và không dám ra nhưng do quá gần hiện trường, họ nghe tiếng còi cảnh sát rõ mồn một.
Theo lời cô ấy, lúc xảy ra vụ việc, trước nhà bạn có một phụ nữ ngồi trong ôtô. Chị này run rẩy và khóc ngay trong xe vì quá sợ hãi. Bạn tôi và những người trong nhà đã chạy ra mời chị ấy vào trong để tạm lánh và trấn tĩnh lại.
Bạn bè là người các nước lẫn người Kiwi mà tôi biết đều bất ngờ không hiểu tại sao một người Úc còn rất trẻ lại có thể cực đoan và ghét người nhập cư đến mức có thể hành động dã man và lạnh lùng đến thế. Nhưng dã man và lạnh lùng dường như không đủ để diễn tả những gì đã xảy ra.
Có nhiều người Kiwi đã bật khóc vì sốc, hoảng sợ và không thể tin điều kinh hoàng như thế đã xảy ra.
Máu đã đổ ở Christchurch vì thù hận nhưng tôi tin tình yêu sẽ đoàn kết người Kiwi và tất cả những ai đang sống ở New Zealand vượt qua thời điểm khó khăn này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận