30/07/2016 11:37 GMT+7

Tình yêu nước của một linh mục

PHẠM VŨ - MAI HƯƠNG
PHẠM VŨ - MAI HƯƠNG

TTO - Mấy ngày này, giáo xứ Thị Nghè (TP.HCM) ngập đầy hoa trắng, ngập đầy niềm thương tiếc linh mục Phero Nguyễn Công Danh, vị cha sở đã dành 22 năm đời mình thay đổi hoàn toàn giáo xứ.

Người dân và các đoàn thể viếng tang cha Nguyễn Công Danh tại nhà thờ Thị Nghè - Ảnh: TỰ TRUNG
Người dân và các đoàn thể viếng tang cha Nguyễn Công Danh tại nhà thờ Thị Nghè - Ảnh: TỰ TRUNG

81 năm ở trên đời, 53 năm làm linh mục, ngoài hành trình mục vụ hết sức tốt đẹp mà ngài để lại, những người đồng sự, giáo dân, những người từng được làm việc với cha trong nhiều vai trò khác nhau đều thống nhất một điều: ấn tượng nhất ở linh mục Phero Nguyễn Công Danh là lòng yêu nước.

Từ Lên đàng đến linh mục

Trong tập Hồi ký mục vụ của mình, cha Danh kể về cách mà tình yêu nước thấm vào lòng mình: “Tuổi thơ của tôi chứng kiến mảnh đất quê hương Lương Hòa Hạ bị gót giày quân Pháp giẫm đạp, nông dân phải làm nô dịch, sưu cao, thuế nặng. Tôi lên 10 tuổi vào năm 1945, bầu không khí nông thôn sục sôi với phong trào Thanh niên tiền phong.

Tôi lẽo đẽo theo các anh chị xem luyện võ, tập hát, những bài Lên đàng, Bạch Đằng giang, Nam bộ kháng chiến... Chính anh hai tôi tập cho các anh chị trong làng. Anh vò đầu hỏi: “Danh, em thích tập võ, tập hát không? Lớn lên em thích làm gì?”.

Tôi trả lời: “Em thích như các anh chị, biết võ, biết hát”. Kháng chiến bắt đầu, gia đình tôi chuyển lên Sài Gòn. Anh hai tôi đi tu, theo con đường của Chúa. Rồi anh bảo tôi: “Em đi tu để em được như anh, giúp giáo hội và quê hương, Tổ quốc”. Trong lòng tôi, câu nói này là bất tử...”.

Từ đó, từ ngày bước vào Tiểu chủng viện năm 12 tuổi, Nguyễn Công Danh thề trong lòng: Kiên vững phục vụ giáo hội và Tổ quốc đến hơi thở cuối cùng. 53 năm chịu chức linh mục, lần lượt nhậm chức cha sở ở các giáo xứ Mẫu Tâm, Xóm Chiếu, Thị Nghè.

Nhà thờ, chủng viện cũng phải cùng với đất nước trải qua bao biến động lịch sử, cha Danh điềm tĩnh kể về những ngày ấy: “Trước sự kiện 30-4-1975, tôi đọc báo, nghe đài về tình hình chiến sự và kêu gọi giáo dân cầu nguyện cho đất nước mau lập lại hòa bình, chấm dứt chiến tranh.

Từ tháng 3 đến đầu tháng 4, tình hình chiến sự cao điểm, tôi lại tham gia đoàn hành hương Năm Thánh qua Do Thái - Pháp - Ý.

Đoàn chúng tôi có năm người ở lại Pháp vì những tin đồn “cộng sản tắm máu, cấm đạo”, tôi vẫn quyết định về Việt Nam vì còn trách nhiệm với giáo xứ Mẫu Tâm.

Nhiều giáo dân lo lắng, xôn xao, tôi nói với họ: “Chúng ta cứ bình tĩnh hoạt động tôn giáo. Chính sách 10 điểm của Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam đã tuyên bố đảm bảo sinh hoạt bình thường của nhân dân”.

Nhờ cha sở yên tâm mà giáo dân không xáo trộn. Đến khi được chính quyền mời tham gia Mặt trận Tổ quốc, đức cố tổng giám mục Phaolo Nguyễn Văn Bình nói với cha: “Cách mạng tín nhiệm cha, cha cố gắng nhận đi và làm tốt vai trò công dân, làm cầu nối giữa đạo và đời”.

Từ đó đồng thời với vai trò cha sở, cha Danh tham gia đại biểu Hội đồng nhân dân, Ủy ban đoàn kết Công giáo, Mặt trận Tổ quốc...

Hết lòng với mục vụ thì con đường cũng không thể trơn tru. Một số giáo dân thủ cựu xì xầm “ông cha quốc doanh” khi chứng kiến cha Danh tham gia các tổ chức nhà nước.

Cha Danh tự nói với lòng mình: “Chúa thấu suốt mọi sự. Khen, chê, búa rìu dư luận không biến đổi thực chất một con người, trái lại tôi luyện họ có niềm tin cậy vững chắc hơn”.

Cha chỉ được “minh oan” khi đức hồng y Phạm Minh Mẫn lên tiếng: “Linh mục là tài sản của giáo hội, là sở hữu của đức cha giáo phận. Không có linh mục nào là quốc doanh cả”.

Đổi thay ở giáo xứ Thị Nghè

Ông Nguyễn Đình Trúc - nguyên chủ tịch Hội đồng giáo xứ Thị Nghè, người đã gắn bó suốt mười mấy năm bên cha Danh - xúc động kể: “Cha Danh làm cha sở ở xứ chúng tôi 22 năm, giáo xứ chúng tôi lột xác. Lúc cha mới về đây, tình hình an ninh rất rối ren, những người vô gia cư, tệ nạn xã hội nằm đầy khuôn viên nhà thờ, nhân tâm giáo dân ly tán, nhiều lối suy nghĩ phức tạp.

Đêm đầu tiên ngủ lại, cha đã phải rơi nước mắt. Thế rồi sau đó cha lao vào cuộc ổn định tình hình, xây dựng lại tình đoàn kết trong giáo xứ”.

Mất hơn một năm để cha đi thăm viếng mục vụ hơn 1.500 hộ giáo dân và 10 năm sau đó để xứ Thị Nghè “lột xác”...

Trong kỷ yếu của giáo xứ Thị Nghè ghi nhận rất nhiều thay đổi thời kỳ này: thay đổi số lượng giáo dân, thay đổi thành phần xã hội trong giáo dân, nâng cao mặt bằng văn hóa, cải thiện môi trường đời sống...

Ông Trúc nhắc lại những lời căn dặn của cha Danh: “Sống đúng tinh thần phúc âm, dấn thân vào các hoạt động xã hội, làm công dân tốt của đất nước”.

Cha tổ chức chăm lo cho người nghèo, trẻ em nghèo trong giáo xứ; vận động giáo dân đóng góp, tham gia những hoạt động thiện nguyện của Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo ở vùng sâu vùng xa. Đến ngày 27-7, cha lại tổ chức họp mặt, thăm nom những gia đình giáo dân có thương binh, liệt sĩ...

Không chỉ dừng ở giáo xứ mà mình chịu trách nhiệm, trên các diễn đàn, tổ chức mà mình tham gia, cha Danh luôn giải thích rõ quan điểm: “Bất cứ đạo chính đáng nào muốn được hưởng hạnh phúc cực lạc đời sau thì phải có một đời sống đạo hành, hướng dẫn bởi một nền tâm linh đạo hành. Một đời sống đạo hành là chung sức, chung lòng cùng dân tộc xây dựng một cuộc sống hạnh phúc, tốt đẹp ngay trên trần thế”.

Đến họp với Mặt trận Tổ quốc, Hội đồng nhân dân, cha Danh mạnh mẽ kiến nghị: “Nếu xem những người có tín ngưỡng tôn giáo là những bông hoa thơm đẹp thì xin hãy đem trưng bày, đem vun trồng bên khuôn viên nhà thờ, nhà chùa, thánh thất để nhân rộng cách sống đẹp đời trong xã hội”...

Để lại phía sau “những bông hoa thơm đẹp” ấy, hôm nay linh mục Phero Nguyễn Công Danh đã thanh thản về với thế giới tình thương của Thiên Chúa.

53 năm linh mục

Linh mục Nguyễn Công Danh
Linh mục Nguyễn Công Danh

Linh mục Phero Nguyễn Công Danh sinh ngày 13-9-1935 tại xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An; thụ phong linh mục ngày 23-4-1963 tại Sài Gòn.

Ông từng giữ các chức vụ: phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chủ tịch Ủy ban đoàn kết Công giáo Việt Nam, phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM, chủ tịch Ủy ban đoàn kết Công giáo Việt Nam TP.HCM.

Ông nguyên là đại biểu HĐND TP.HCM khóa V (1995-1999), khóa VI (1999-2004), nguyên đại biểu HĐND huyện Nhà Bè, Q.4, Q.Bình Thạnh.

Ông được nhận Huân chương Độc lập hạng nhì, Huân chương Đại đoàn kết dân tộc và nhiều bằng khen của trung ương, TP.HCM.

Linh mục Phero Nguyễn Công Danh đã từ trần lúc 21g15 ngày 27-7-2016 tại Bệnh viện Thống Nhất, hưởng thọ 81 tuổi với 53 năm linh mục.

Lúc 8g ngày 1-8-2016 sẽ tiến hành lễ tri ân. Thánh lễ an táng cử hành lúc 8g30 cùng ngày tại nhà thờ giáo xứ Thị Nghè. Sau lễ tri ân và thánh lễ an táng sẽ di quan về an táng tại quê nhà xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

Ghi nhớ những đóng góp đạo - đời

Ngày 29-7, đại diện lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ TP.HCM, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải đã đến viếng, gửi vòng hoa chia buồn.

Trong sổ tang, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang viết: “Tất cả những đóng góp của linh mục cho đạo, cho đời được nhân dân cả nước ghi nhớ”.

PHẠM VŨ - MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp