Anh Quang (bìa trái) và chị Thu hướng dẫn cho một nhân viên khiếm thị mới vào nghề - Ảnh: T.B. |
Năm năm nay, trong ngôi nhà nhỏ nằm trên đường Cửa Đại (phường Cẩm Châu), đồng thời là cơ sở hành nghề massage của anh Quang và chị Thu luôn tràn ngập tiếng cười.
Tiếng cười của đôi vợ chồng và đứa con gái bé bỏng mới lên năm tuổi - kết quả từ một tình yêu đẹp của hai con người, hai số phận một thời nghiệt ngã.
Anh - chàng trai bị tước đi đôi mắt vĩnh viễn từ năm sáu tuổi sau vụ nổ mìn trong một lần chăn trâu ngoài đồng. Chị - cô gái rơi vào khoảng không tăm tối sau cơn sốt bại não dẫn đến mù lòa.
Giống như anh, bao năm trời chị sống dựa dẫm vào cha mẹ, lay lắt chống chọi với sự bủa vây của nỗi mặc cảm.
Rồi đến một ngày, khi niềm khao khát vượt lên số phận trỗi dậy, cả hai đã quyết chí tìm đường mưu sinh. Không hẹn mà gặp, tình cờ một ngày năm 2008, anh và chị cùng khăn gói vào Khánh Hòa xin học nghề massage.
Chị Thu kể: “Hồi đó anh và tôi cùng được đào tạo nghề và làm việc tại một cơ sở xoa bóp ở TP Nha Trang. Ra vô chạm “tai” ngày một và sinh hoạt chung trong một mái nhà, tôi và anh thương nhau lúc nào không hay. Có lẽ tình yêu của chúng tôi bắt nguồn từ sự đồng cảm cảnh ngộ. Tròn một năm quen nhau, cả hai tiến tới hôn nhân, bỏ ngoài tai những dị nghị, cấm cản của gia đình và mọi người xung quanh”.
Sau ngày cưới, cả hai gói ghém đồ đạc dắt díu nhau trở về quê nhà lập nghiệp. Họ mò mẫm, lặn lội tìm mặt bằng và mở cơ sở massage để kiếm sống. Anh Quang chia sẻ: “Mọi người bảo chúng tôi đến với nhau chỉ tổ làm khổ nhau thêm.
Nhưng nhờ tình yêu, chúng tôi dìu nhau bước tiếp quãng đời còn lại. Bao nhiêu vốn liếng chắt chiu sau những năm bôn ba xa quê được hai vợ chồng mù này đổ dồn vào việc thành lập cơ sở massage khiếm thị đầu tiên ở phố cổ Hội An vào cuối năm 2010.
Cơ sở mang tên “Bàn tay thay cho ánh mắt” tọa lạc số 412 Cửa Đại do anh Quang, chị Thu làm chủ dần trở thành địa chỉ tẩm quất quen thuộc của người dân địa phương lẫn du khách nước ngoài.
Đặc biệt, ở cơ sở của đôi vợ chồng mù một thời khốn khó này, không ít người đồng cảnh ngộ được anh chị thu nạp, đào tạo nghề miễn phí và cung cấp việc làm, như trường hợp của Trần Duy Vinh (quê Bình Thuận) hay Đỗ Trung Hiếu (quê Quảng Ngãi).
Vinh và Hiếu đều được nhận về học nghề từ những ngày đầu “Bàn tay thay cho ánh mắt” mới đi vào hoạt động. Bây giờ, khi đã thành thạo tay nghề, có nguồn thu nhập ổn định tại cơ sở của anh Quang, chị Thu mà Vinh và Hiếu có tiền gửi về quê chăm lo cho gia đình.
Tình yêu của đôi vợ chồng nay đã đơm hoa kết trái, cơ sở massage cũng làm ăn ổn định nên họ có điều kiện giúp đỡ những mảnh đời mù lòa như họ tìm thấy niềm tin trong cuộc sống và có cái nghề trong tay để không trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận