11/01/2014 06:01 GMT+7

Tình yêu không giới hạn

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TT - Hạnh phúc của hai câu chuyện sau là minh chứng cho một điều: tình yêu thương đích thực sẽ không có giới hạn...

Rg9JLtcW.jpgPhóng to
Chị Hà Thanh Thủy hạnh phúc bên chồng con - Ảnh: N.V.

Cái tin anh Nguyễn Văn Hùng (37 tuổi) cưới chị Hà Thanh Thủy (nhà 135, ngõ 97, Thái Thịnh, Hà Nội) làm nhiều bạn bè của cả hai người ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng vì Hùng là nhiếp ảnh gia lãng tử, suốt ngày phiêu dạt theo những vùng đất mới, còn Thủy là người khuyết tật.

Chuyện của Hùng - Thủy

Năm 1 tuổi, sau trận ốm đôi chân của Thủy cứ ngày càng yếu, đi không vững và khập khiễng. Hùng quen Thủy khi làm chung trong một công ty thiết kế. Mến cô bạn làm cùng nhỏ nhắn, hiền lành, Hùng thường kiếm cớ để dạy kèm Thủy làm đồ họa, rồi cả hai yêu nhau lúc nào không biết. Năm 2007 khi Hùng đưa Thủy ra mắt gia đình thì mẹ anh nhất định phản đối, nhưng Hùng vẫn kiên định với tình yêu của mình. Năm 2011, Hùng và Thủy tổ chức đám cưới nhỏ ở Hà Nội.

"Hạnh phúc có được thì khó, giữ được nó càng khó hơn”

Nguyễn Hồng Oanh

Anh là họa sĩ thiết kế kiêm nhiếp ảnh. Bạn bè mách ở đâu có cảnh đẹp, anh đều đi chụp. Anh rong ruổi trên nhiều con đường, tiền làm ra không đủ cho các chuyến đi. Thấy gia đình khó khăn, chị nghỉ làm ở công ty rồi thuê sạp ngoài chợ bán quần áo. Thương vợ vất vả, anh cằn nhằn thì chị chỉ cười bảo “phi thương bất phú”. Việc buôn bán của chị đã thuận lợi nên gia đình đỡ khó khăn. Anh bảo: “Nhờ vợ đấy. Việc nhà, cơm nước, con cái, tay hòm chìa khóa, hương khói gia đình vợ đều lo tất để tôi yên tâm đi sáng tác”.

Đầu năm 2013, chị sinh con thứ hai khi con trai đầu lòng mới một tuổi rưỡi. Biết chân vợ yếu, một mình không thể xoay xở chăm hai đứa con, anh xin nghỉ làm hẳn để ở nhà phụ chị, bởi theo anh “công việc làm cả đời, giờ điều gì quan trọng hơn thì mình làm”.

Hỏi sao ngày ấy gia đình cấm đoán như thế mà anh vẫn quyết tâm lấy chị, anh Hùng chỉ cười hiền: “Vì lỡ thương rồi. Tất cả do mình quyết cả thôi. Không bố mẹ nào bỏ được con, cũng không con cái nào bỏ được bố mẹ. Mình cứ sống tốt, không làm gì sai thì bố mẹ sẽ suy nghĩ lại”. Bây giờ mẹ anh không còn phản đối chuyện của con nữa. “Bà thương vợ tôi lắm, cái gì cũng để dành con dâu cả” - anh cười rổn rảng khoe.

Cổ tích của Oanh

Nhìn bà Nguyễn Hồng Oanh (giám đốc Ban hành động vì sự phát triển hòa nhập, IDEA) trẻ trung tươi tắn, khó ai ngờ năm nay bà đã bước sang tuổi 56. Bà Oanh nói cuộc đời mình như một câu chuyện cổ tích, mà phép mầu là tình yêu thương của chồng bà - ông Nguyễn Duy Thuần.

Hai tuổi, bà Oanh bị sốt nặng. Sau trận ốm, đôi chân của bà bị teo dần rồi liệt hẳn. Mặc cảm mình là người khuyết tật, bà Oanh nghỉ học sớm. Rồi nghe lời mẹ, bà Oanh đi học may và mở tiệm may tại nhà. Bạn bè thương bà thiệt thòi, thường rủ nhau đến nhà chơi cho Oanh đỡ buồn. Trong đám bạn đó có Nguyễn Duy Thuần là sinh viên của Đại học Dược Hà Nội. Vừa gặp, Thuần đã mến ngay cô bạn ngồi trên xe lăn nhưng luôn tươi cười. Vốn là sinh viên trường dược, ông Thuần luôn ấp ủ mong muốn chữa trị đôi chân của bà Oanh. Nghe ai mách ở đâu có bài thuốc hay, ông Thuần đều đạp xe đưa bà tới, bốc thuốc uống, xoa bóp cả đông y lẫn tây y. Nhưng mọi nỗ lực của hai người đều không có kết quả.

Năm 1979, ông Thuần tốt nghiệp và được giữ lại làm giảng viên của trường cũng là lúc ông tỏ tình với bà Oanh. “Tôi không dám tin đó là sự thật. Ngồi trên chiếc xe lăn, tôi chưa bao giờ nghĩ có thể lấy chồng, có thể sinh con. Anh là giảng viên đại học, tương lai rộng mở. Còn tôi chỉ là cô gái thợ may tật nguyền, suốt ngày quanh quẩn với bốn bức tường” - bà Oanh bồi hồi nhớ lại.

Khi bà nhận lời yêu ông cũng là lúc họ phải đối diện với sự cấm cản của gia đình, và những lời xì xào từ đồng nghiệp của ông. Song, ông vẫn quyết tâm lấy bà. Năm 1985 họ cưới nhau.

Ông được cử đi học ở Liên Xô sáu năm. Nhiều người nghĩ chưa chắc ông Thuần sẽ trở về với cô vợ tật nguyền. Sáu năm ông đi vắng, mỗi chiều bà đều ôm con ra trước cửa ngóng ông về. Bà may, học đan lát, học tiếng Anh, kỹ năng sống, kế toán, công tác xã hội, tham gia các nhóm tự lập cho người khuyết tật để khỏa lấp nỗi trống trải và để nghĩ mình không thua kém chồng.

Rồi ông trở về với bà chứ không “bay đi luôn” như mọi người vẫn đoán. Sự thiếu thốn về kinh tế của hai vợ chồng trẻ rồi cũng qua. Bây giờ ông là phó giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam. Bà là giám đốc của một trung tâm vì quyền người khuyết tật. Vốn kiệm lời, ông ít thể hiện tình cảm bằng lời nói, nhưng lại luôn âm thầm làm những gì tốt nhất cho cuộc sống của bà. Gia đình hạnh phúc, thành đạt của bà bây giờ là niềm mong ước của nhiều người.

Ở các buổi sinh hoạt dành cho người khuyết tật, mọi người thường kể câu chuyện của người phụ nữ khuyết tật, ngồi trên xe lăn mà có ông chồng là tiến sĩ, là phó giám đốc của một học viện lớn. Nghe thế bà chỉ cười. “Hạnh phúc có được thì khó, giữ được nó càng khó hơn” - bà bảo thế. Hạnh phúc của bà là kết tinh của tình yêu thương, sự hi sinh và nỗ lực không ngừng của cả ông và bà dành cho nhau. Bây giờ con trai họ mới là sinh viên năm thứ tư nhưng đã là giám đốc công nghệ của một tập đoàn lớn. Còn bà thì tích cực tham gia các hoạt động và đấu tranh vì quyền của người khuyết tật, mà bà nói “như một món quà trả ơn đời”.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp