Vợ chồng Hà hạnh phúc trong ngày cưới - Ảnh: N.V.
Đối với Trần Văn Hà (khối 1, thị trấn Quỳ Hợp, Nghệ An) - chàng trai khuyết tật 28 tuổi nhưng nặng chưa đến 30kg, chưa được bước đi trên đôi chân của chính mình thì câu trả lời ấy thật đơn giản. Đó là và niềm tin trọn vẹn của một người con gái khỏe mạnh, lành lặn.
Tôi nhìn Hà - chàng trai với đôi chân teo tóp, thân thể nhỏ bé nhưng luôn lạc quan với các dự định của mình, hình ảnh đó khác xa với Hà của trước đây.
Năm năm trước, tôi nhận được bộ hồ sơ với lá đơn kêu cứu loang lổ máu do Hà gửi đến. Cuộc sống của "người con khuyết tật"- cái tên do Hà tự đặt cho mình lúc đó đầy bế tắc và tuyệt vọng.
Tuổi thơ không trọn vẹn
Bản án về việc thay đổi quyền nuôi con đã kể lại một câu chuyện rất buồn: Hà bị bệnh xương thủy tinh, từ nhỏ không thể đi lại như bình thường. Năm 1997, bố mẹ ly hôn và Hà được giao cho bố nuôi dưỡng. Hai năm sau, bố Hà có gia đình mới.
Tại đơn yêu cầu thay đổi quyền nuôi con, Hà nói em bị bố và dì ngược đãi thậm tệ. Đến năm 2007, do không chịu được nên Hà về ở với mẹ. Thế nhưng số tiền hỗ trợ ít ỏi dành cho người khuyết tật theo chính sách Hà lại không nhận được.
Em làm đơn yêu cầu được mẹ nuôi dưỡng, đồng thời nhờ chính quyền địa phương xác nhận xem trong 7 năm về ở với mẹ, số tiền trợ cấp của Hà mà bố đã nhận là bao nhiêu.
Hà về ở với mẹ trong một căn nhà cũ tồi tàn. Thương mẹ sau ly hôn với hai bàn tay trắng trong khi bố được tòa phán quyết cho quyền quản lý gần 20ha đất rừng, Hà mang trong lòng nỗi uất hận đi kêu cứu khắp nơi.
Những ngày mùa đông mưa phùn lạnh lẽo, người ta thấy đứa trẻ khuyết tật nhỏ xíu bám vào chiếc ghế nhựa màu đỏ rồi lết đi khắp các khu chợ để bán tăm và vé số. Vừa bán hàng rong Hà vừa gửi đơn thư thay mẹ.
Đêm về, Hà nằm trên chiếc chiếu hoa đỏ rồi tự lấy dao lam cắt tay lấy máu để viết đơn kêu cứu. Những video cầu cứu được Hà post lên YouTube. Nhưng lời khẩn cầu vẫn rơi vào im lặng.
Những bế tắc tưởng không bao giờ chấm dứt, cho đến khi Hà gặp và quen biết Lô Thị Giang - một cô gái cùng quê.
Giang là chị cả trong một gia đình nghèo, đông con. Những khó khăn, thiếu thốn giúp Giang, Hà dần hiểu và thương nhau nhiều hơn. Lúc đó Hà không có công việc, không nhà cửa, không tiền, không tương lai. Giang xinh xắn, trẻ khỏe và lành lặn.
"Em còn trẻ nhưng không mơ mộng. Em biết rất rõ những khó khăn mình phải đối diện. Không ai có tất cả và cũng không ai mất đi tất cả. Anh ấy có trái tim chân thành, còn em có đôi chân lành lặn. Em nguyện sẽ là một nửa cuộc đời anh, là đôi chân của anh đến suốt cuộc đời. Chỉ cần vợ chồng mình yêu thương bằng trái tim chân thành thì mọi khó khăn sẽ qua"- Giang viết trên trang cá nhân của mình trước ngày lên xe hoa.
Với sự giúp đỡ của vài người quen, vợ chồng Hà được chụp bộ ảnh cưới miễn phí. Ngày cưới, Hà ngồi lọt thỏm trên tay người bạn thân khi được bạn bế để tiến vào hội trường làm lễ.
Giang bước những bước chân e ngại đi bên cạnh. Chú rể khi đứng trao nhẫn cho cô dâu, khi nhận quà của họ hàng đều phải nhờ người bế. Nhưng ánh mắt và nụ cười của Hà luôn tràn đầy sự tự tin.
Anh Trần Văn Hà luôn mong muốn mang đến cho vợ con một cuộc sống tốt nhất - Ảnh: N.V.
Nuôi những ước vọng tương lai
Chàng trai ấy đã không làm cho người bạn đời của mình thất vọng. Sau đám cưới, vợ chồng Hà thuê nhà tại thị trấn Quỳ Hợp để sinh sống và mở cửa hàng mang tên "Cửa hàng cậu chủ nhỏ Hà Giang".
Không được đến trường nhưng Hà có thể làm nhiều việc nhờ bản tính ham mày mò: sửa máy tính, sửa bếp, làm dịch vụ photocopy tại nhà, nhận bảo mật trang cá nhân cho mọi người, đổi gas cho người dân trong thị trấn, nhận làm MC cho chương trình của người khuyết tật...
Bất cứ việc lặt vặt nào vừa sức mà có thể kiếm được vài chục ngàn tiền công Hà đều không e ngại. Hà bảo: "Em phải cố gắng làm người chồng tốt để lo cho vợ con".
Con gái đầu lòng của Hà Giang đã gần 5 tháng tuổi. Sau những ngày vợ mang bầu trong thấp thỏm lo âu, Hà đã có thể thở phào nhẹ nhõm khi con gái sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh. Không thể ẵm con đi dạo nên mỗi đêm Hà giành việc ôm ru con ngủ để vợ được tròn giấc.
"Em tự hào về chồng bởi yêu thương gia đình, sống có trách nhiệm. Anh ấy là động lực để em vượt qua những khó khăn, những thiếu thốn trước mắt" - Giang tâm sự.
Tôi hỏi về những lá đơn kêu cứu năm xưa, Hà bảo cậu đã quên hết những uất ức và thù hận, không muốn nhắc lại chuyện cũ.
"Giờ em chỉ muốn nghĩ cho gia đình hiện tại. Sau này nếu có tiền em sẽ phụ nuôi bố, bởi trước đây dù có làm em tổn thương thì giờ bố cũng gặp nhiều chuyện buồn" - Hà kể.
Không dừng lại ở việc kiếm miếng cơm manh áo, Hà vẫn dùng mạng xã hội để kêu gọi mọi người làm từ thiện. Mỗi bình gas bán được, Hà trích 5.000 đồng giúp người nghèo.
Có hai bạn trẻ khuyết tật xin đến nhà Hà ở để phụ làm việc vặt với mong muốn có chỗ ăn, chỗ ở miễn phí. Hà dạy các em kỹ năng giao tiếp và những gì mình biết.
Hằng ngày, Hà vẫn dùng chiếc xe lăn điện được cho để đi giao gas dù nó đã rất chậm và cũ. Hà uớc có chiếc xe máy 3 bánh để đi giao gas cho nhanh nhưng ước mơ ấy vẫn quá xa vời khi miếng cơm, manh áo với đôi vợ chồng trẻ ngày hôm nay vẫn còn chật vật...
Trần Văn Hà của hiện tại yêu đời, yêu người và lạc quan về tương lai. Ẩn sau cơ thể nhỏ bé ấy là những tính toán để vợ con có cuộc sống tốt đẹp nhất, là những ấp ủ kinh doanh để kiếm việc làm cho người khuyết tật như mình. Nhưng do thiếu vốn, những kế hoạch của Hà vẫn chưa thể thực hiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận