Nguồn lây nhiễm chủ yếu được cho là từ thuốc cam chữa tưa lưỡi, sơn có nhiễm chì và từ các làng nghề tái chế chì.
Theo thống kê của Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) trong hai năm từ 2011 đến 2012, bệnh viện này đã tiếp nhận 2.550 người đến khám do có những biểu hiện ngộ độc kim loại chì, trong đó có 750 trẻ có lượng chì trong máu ở mức 10 mcg/dL.
Theo các chuyên gia y tế, nếu nồng độ chì trong máu ở mức 5 mcg/dL là trẻ đã bị nhiễm độc chì, từ 7 mcg/dL trở lên sẽ xảy ra những thay đổi hoạt động thần kinh của trẻ, làm giảm sút trí tuệ.
Từ năm 2013 đến nay, số bệnh nhân đến khám ngộ độc chì tại Bệnh viện Bạch Mai vẫn ở mức báo động. Cụ thể, trong số 797 bệnh nhân có biểu hiện ngộ độc chì đến khám thì có 179 trẻ em có hàm lượng chì trong máu cao hơn mức cho phép. Những con số trên mới chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm” do đến nay chưa có nghiên cứu đầy đủ nào về số người bị ngộ độc chì trong cả nước.
Theo một số nghiên cứu của các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, trẻ em bị ngộ độc chì chủ yếu do sử dụng thuốc cam của thầy lang trong cộng đồng để chữa tưa lưỡi, qua xét nghiệm một số mẫu thuốc cam do bệnh nhân mang đến, có mẫu thuốc chứa tới 80% hàm lượng là chì, các mẫu còn lại trung bình từ 20-30% là chì; trong khi đó, người trưởng thành mắc bệnh đa phần do môi trường lao động.
Đối với bệnh nhân là người lớn, sơn là nguồn gây ngộ độc chì thường gặp nhất và đang được các nước phát triển tăng cường kiểm soát. Theo thống kê, tỷ lệ sơn có chứa hàm lượng chì cao tại Trung Quốc là 78%, Ấn Độ là 72%, Malaysia là 56%, Singapore là 9%. Trong khi đó, Việt Nam chưa có con số thống kê cụ thể và việc quản lý lây nhiễm kim loại chì từ nguồn này vẫn đang bị bỏ ngỏ. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng khó có thể biết loại sơn nào có chứa kim loại chì ở mức cao.
Một nguồn lây nhiễm chì nữa là tại những làng nghề tái chế chì bằng biện pháp thủ công như làng Đông Mai, xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Tại đây, hầu hết người lớn và trẻ em trong làng được xét nghiệm đều có lượng chì trong máu cao hơn mức cho phép.
Trong khi đó, theo báo cáo của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), năm 2010 có khoảng 40.000 tấn ắc quy chứa kim loại chì đã được thải ra môi trường. Dự báo năm 2015, con số này sẽ là gần 70.000 tấn. Đây là nguồn lây nhiễm chì rất lớn cho con người.
Để phòng chống ngộ độc chì, các bác sĩ khuyến cáo các bậc cha mẹ không nên cho con uống thuốc không rõ nguồn gốc từ các thầy lang. Nếu muốn thì nên tìm đến các hiệu thuốc có đăng ký rõ ràng hoặc sử dụng những bài thuốc được cấp phép.
Không nên sử dụng các vật dụng liên quan đến chì như ắc quy chì thải loại, sơn có chì, đồ chơi có chứa chì. Khi chọn sơn nhà, người tiêu dùng cần tìm hiểu mua những loại sơn không chứa chì.
Bên cạnh đó, các hoạt động liên quan đến chì cần phải được thực hiện ở khu công nghiệp riêng biệt. Nếu cha mẹ làm việc trong môi trường có chì, trước khi tiếp xúc với trẻ cần phải tắm, gội, thay quần áo sạch để tránh lây nhiễm chì cho trẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận