02/02/2025 12:19 GMT+7

Tình trạng 'một nhà hát karaoke, cả xóm nghe' năm nay đã giảm?

TRÚC QUYÊN
và 1 tác giả khác

Tết năm nay có nơi thùng loa đem 'cất tủ' sau khi người lớn tuổi nghỉ ngơi không được nên tới tận sân khấu karaoke phản ánh. Tuy vậy cũng còn nhiều điểm hát tới tận khuya tra tấn hàng xóm.

Tình trạng 'một nhà hát karaoke, cả xóm nghe' năm nay đã giảm? - Ảnh 1.

Mùa xuân về nghe lùng bùng màng nhĩ - Tranh: Bùi Thanh Tâm

Văn nghệ, hát hò dù mang lại niềm vui, sự gắn kết giữa mọi người với nhau nhưng việc karaoke cả ngày lẫn đêm vào dịp lễ, Tết bằng loa kéo đinh tai nhức óc thời gian qua khiến không ít người thở dài, phản ứng gay gắt.

Tuy nhiên ở một số nơi cho thấy có sự chuyển biến tích cực hơn, hát hò vừa đủ nghe, thậm chí có nơi giảm hẳn.

Còn karaoke nhưng đã giảm "tra tấn"

Anh Phạm Ngọc Thanh (42 tuổi, quê Bạc Liêu) từ lâu chẳng còn xa lạ gì với việc ở quê anh người người sắm loa thùng, loa kéo, thậm chí thuê cả dàn nhạc sống về nhà "biểu diễn văn nghệ" mỗi dịp nhà có lễ, tiệc, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán.

Tuy nhiên Tết năm nay anh Thanh cho biết "ô nhiễm tiếng ồn" do karaoke ở quê anh đã giảm nhiều.

Thay vì hát karaoke ầm ĩ, "đã sai lời, lệch tông lại còn max volume (âm lượng tối đa - PV)" như những năm trước thì năm nay bà con quê anh Thanh đã tiết chế âm lượng vừa đủ nghe.

"Tôi từng bị karaoke miền quê ám ảnh từ giao thừa đến tận rằm tháng giêng. Nhưng năm nay hàng xóm nhà tôi chỉ mở nhạc xuân vui tươi vào đêm giao thừa, mấy ngày mùng có tiệc tùng thì nhạc lớn chút nhưng không còn quá ồn ào như mọi năm nữa", anh Thanh chia sẻ.

Khu anh Thanh ở không thuộc nội thành nhưng nhà cửa sát vách nhau, nên việc karaoke bằng loa thùng, loa kéo ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sinh hoạt, nghỉ ngơi của hầu hết bà con quanh xóm.

Anh Thanh cho biết: "Nhà tôi muốn mở nhạc cũng coi giờ, đặc biệt là những khung giờ quá sớm hoặc quá khuya mà mở nhạc to ảnh hưởng đến bà con hàng xóm, gây sứt mẻ tình cảm vào đầu năm mới thì không hay".

"Năm nay xóm tôi ăn Tết yên tĩnh, nói không với karaoke loa kẹo kéo rồi", chị Trần Yến Linh (26 tuổi, quê An Giang) cười khoe.

Chị Linh kể nhà chị từng là "nạn nhân" của tiếng ồn từ những màn khoe giọng hát karaoke của hàng xóm, bất kể dịp lễ Tết hay ngày thường. Những âm thanh quá đà từ tứ phía dội thẳng vào nhà chị, có khi kéo dài đến 22-23 giờ trong khi ở quê ngủ rất sớm.

Tết năm ngoái ở xóm chị Linh, nhà nhà đua nhau sắm loa thùng, 3-4 cái micro để hát karaoke. Chiều 30 Tết có 3-4 gia đình còn thuê dàn nhạc sống đến tận nhà để chơi từ giao thừa đến mùng 3 Tết.

"Trẻ con và người lớn tuổi ngủ, nghỉ không được, chịu hết nổi nên tới tận sân khấu mắng vốn nên năm nay yên bình. Thùng, loa, micro gì bà con cất tủ hết rồi", chị Linh nói.

Cả xóm tập trung một chỗ cùng tất niên, hát hò

"Niềm vui của mình nhưng đừng ảnh hưởng đến người khác. Nhiều người về quê ăn Tết chỉ muốn nghỉ ngơi, thư giãn mà nhà bên cạnh hát karaoke từ trưa đến khuya thì thật là cực hình,  phải đóng cửa trong nhà chịu trận", chị Nguyễn Thanh Nga (37 tuổi, quê Đồng Tháp) bức xức.

Năm ngoái xóm chị giật nhạc sống đùng đùng liên tục từ sáng đến đêm, nhậu nhẹt, rồi ca hát ồn ào khiến nhiều người không chịu nổi phải báo cơ quan chức năng.

Năm nay chị Nga cho biết nhà chị có một cái Tết khá yên tĩnh, không bị gây khó chịu nhiều bởi tiếng ồn karaoke từ hàng xóm, có ca hát nhưng âm lượng đã nhỏ hơn nhiều so với trước đây.

Còn xóm nhỏ của anh Trương Chí (45 tuổi, Bình Thuận) thì cùng nhau bàn bạc kế hoạch ăn Tết của từng nhà để thống nhất ngày liên hoan văn nghệ tất niên và mừng năm mới cùng nhau.

Tình trạng 'một nhà hát karaoke, cả xóm nghe' năm nay đã giảm? - Ảnh 3.

Karaoke gia đình bằng thùng, loa kéo là "nỗi ám ảnh" của nhiều người vào dịp lễ, Tết bởi tiếng ồn và sự phiền toái - Ảnh: TRÚC QUYÊN

Những ngày khác sẽ giữ "trật tự" để không ảnh hưởng đến niềm vui của từng gia đình, đặc biệt là những cụ già và trẻ em trong xóm.

"Đêm tất niên xóm tôi hát hò cùng nhau thoải mái, đến tầm 21 giờ hơn thì ai về nhà nấy chuẩn bị đón giao thừa. Trưa mùng 2 cả xóm lại họp mặt thêm một ngày, ăn uống, ai muốn ca hát thì cứ xả láng, vậy là vui vẻ, không mích lòng ai", anh Chí nói.

Anh Chí cũng tâm sự, để có được sự thống nhất "dĩ hòa vi quý" này thì những năm trước nhiều gia đình trong xóm anh cũng đã trải qua lời qua tiếng lại, thậm chí mâu thuẫn, cãi vã nhau vì cảnh "một nhà hát, cả xóm phải nghe, chịu trận…".

Dành thời gian chúc Tết, quây quần bên gia đình

Tại tỉnh Bình Phước, có nơi xuân năm nay khác lạ hơn các năm trước khi không còn karaoke vang vọng khắp xóm làng. Thay tiếng nhạc sôi động là những cuộc trò chuyện quây quần, những chuyến thăm hỏi và những khoảnh khắc sum vầy gia đình.

Như anh Minh Thắng (32 tuổi) quyết định về quê xa đón Tết năm nay. Năm ngoái, khi ăn Tết tại Bình Phước, anh thường mời bạn bè về nhà tổ chức ăn uống rồi sau đó là tiết mục văn nghệ bên chiếc loa kẹo kéo của mình.

Anh Thắng nói uống mấy ly rượu xuân đầu năm mà không có âm nhạc cảm giác sẽ thiếu thiếu. Đa phần ở khu vực anh Thắng sống nhà nào cũng có riêng chiếc loa kẹo kéo công suất lớn, ngày thường sẽ dùng mở nhạc nghe, riêng ngày Tết chiếc loa phải hoạt động liên tục.

Những "ca sĩ miệt vườn" chếnh choáng trong hơi men năm nay đã giảm hẳn, theo lý giải của anh Thắng là do mọi người đều về quê sau khoảng thời gian làm ăn khó khăn mấy năm trước. "Tôi về hôm 28 Tết, bữa đó thấy mấy nhà xung quanh cũng thu xếp về quê rồi, vắng mấy người trẻ, thanh niên như chúng tôi Tết năm nay vắng nhạc cũng dễ hiểu", anh Thắng cười nói.

Vì thời gian nghỉ Tết năm nay khá ngắn, nhiều người quyết định giảm tiệc, tập trung cho những hoạt động thân mật với gia đình.

Anh Phan Hữu Nghĩa (34 tuổi, ngụ Bình Phước) chia sẻ rằng năm nay lịch trình chúc Tết của gia đình anh kín đặc. "Năm nào cũng vài buổi karaoke, nhưng năm nay không kịp hát hò gì hết. Toàn bộ tập trung chúc Tết, thăm hỏi bà con", anh Nghĩa nói.

Theo anh Nghĩa, việc giảm bớt karaoke giúp không khí xóm làng bình yên hơn, người lớn tuổi cũng thích thú khi không bị ồn ào.

"Tôi thấy việc chúc Tết, thăm bà con như thế này có ý nghĩa hơn việc ngồi cầm mic hát suốt ngày. Chưa kể, càng lớn tôi càng không thích sự ồn ào, những buổi tiệc xuân đầu năm ngồi tâm tình với nhau vậy mà vui. Nhậu là để tâm sự chuyện vui buồn trong cuộc sống, chứ không phải nhậu để tra tấn nhau và tra tấn hàng xóm" - anh Nghĩa chia sẻ thêm.

Anh Nghĩa nhận thấy trong xóm mình năm nay việc nhậu nhẹt, "1, 2, 3… dô" inh ỏi tới khuya cũng đã giảm hẳn.

"Tôi không biết do năm nay Tết ngắn, mọi người muốn quây quần bên gia đình hay sao chứ nhậu giảm thật. Như tôi cũng chỉ uống với hàng xóm vào giao thừa và mùng 1, còn mấy ngày khác toàn đi chùa, đi chơi với gia đình", anh Nghĩa cho biết.

Tình trạng 'một nhà hát karaoke, cả xóm nghe' năm nay đã giảm? - Ảnh 4.Nhiều lần bán nhà, chuyển chỗ ở vì gặp hàng xóm 'trời ơi'

Nhiều người phải bán nhà, chuyển chỗ ở vì gặp phải hàng xóm 'trời ơi': nuôi chó, hát karaoke, để rác qua nhà hàng xóm...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp