Cảnh sát đứng bên trong tòa nhà Hội đồng lập pháp bị người biểu tình đập phá ngày 1-7 - Ảnh: South China Morning Post
Đối với đa số người Hong Kong, đặc biệt là người trẻ, thể chế thiếu minh bạch của Trung Quốc đại lục không thể nào được sao y, áp đặt lên các định chế dân chủ và độc lập tư pháp của Hong Kong khi thời hạn 50 năm kể từ ngày trao trả năm 1997 vẫn chưa hết.
Tính lùi một bước để xả "xú páp", nhưng chính quyền đặc khu chỉ làm tăng thêm quyết tâm của những người phản đối đòi bãi bỏ hoàn toàn dự luật này.
Cuộc tuần hành thường niên vào ngày 1-7 hằng năm do các nhóm hội đoàn ở Hong Kong tổ chức thường nhằm kêu gọi người dân Hương Cảng quan tâm hơn tới các vấn đề dân chủ, bầu cử tự do phổ thông đầu phiếu và nhân ngày Hong Kong trao trả về Trung Quốc đã biến thành cuộc xung đột với cảnh sát khi những người biểu tình quá khích, đa số là giới trẻ, muốn chiếm giữ tòa nhà lập pháp.
Máu đã đổ, nhiều người biểu tình đã bị bắt. Nhưng vấn đề nằm xa hơn dự luật dẫn độ hay ngày trao trả Hong Kong 1-7.
Chính quyền Hong Kong đang đau đầu với giới trẻ mà bà đặc khu trưởng Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) gọi là tương lai của Hong Kong, nhưng họ ngày càng bất mãn với chính quyền của bà.
Cuộc sống ngày càng khó khăn hơn đối với những người mới tốt nghiệp đại học. Thị trường địa ốc Hong Kong thuộc loại đắt đỏ nhất thế giới, khi nó bị lũng đoạn giá bán bởi một vài tỉ phú đôla như Lý Gia Thành và Lý Triệu Cơ. Công ăn việc làm cho dân bản địa ngày càng trở nên khó kiếm cũng như phúc lợi xã hội giảm sút và chịu nhiều cạnh tranh hơn khi có sự đổ xô dòng nhập cư từ Trung Hoa lục địa.
Mâu thuẫn xã hội giữa giới trẻ với giới đại tư bản Hong Kong thân Trung Hoa đại lục, cũng như giữa giới trẻ với chính quyền thân Bắc Kinh ngày càng được khoét sâu, chỉ chờ cơ hội bùng nổ khi một trong những niềm tự hào cuối cùng về độc lập tư pháp của Hong Kong bị xói mòn và có nguy cơ bị xóa bỏ.
Tuy nhiên, không phải người Hong Kong nào cũng đồng ý với một thế hệ trẻ giận dữ.
Thị trường chứng khoán Hong Kong đã sụt giảm trong những ngày qua. Một số nhà đầu tư nước ngoài đang có ý định chuyển hướng sang Singapore, nếu biểu tình vẫn tiếp tục và cơn giận dữ có khả năng tăng cấp độ.
Giới trung niên ở Hong Kong cũng không lấy làm vui thích với chính quyền hiện nay, nhưng họ chọn giải pháp bày tỏ chính kiến nhẹ nhàng hơn.
Chính trị Hong Kong trong vòng 30 năm sắp tới sẽ được định hình bởi những người trẻ đang nổi giận hiện nay.
Hong Kong hỗn loạn trong ngày kỷ niệm trao trả về Trung Quốc
Mặc dù đã được dự báo trước, song diễn biến biểu tình trên thực tế tại Hong Kong ngày 1-7, ngày kỷ niệm 22 năm Anh trao trả Hong Kong về Trung Quốc đại lục, vẫn rất căng thẳng.
Sáng 1-7, lần đầu tiên trong tuần qua, người ta mới lại thấy bà trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam xuất hiện trước công chúng trong dáng vẻ có phần mệt mỏi.
Bà cùng chồng và các lãnh đạo đặc khu tham dự lễ thượng cờ kỷ niệm ngày Hong Kong trở về Trung Quốc và có bài phát biểu trước công chúng nhân sự kiện này. Năm nay, lần đầu tiên trong 22 năm, tại một buổi lễ kỷ niệm thường niên như thế, các yếu nhân trong hệ thống chính quyền đã phải di chuyển vào bên trong tòa nhà để làm lễ, mặc dù lấy lý do trời mưa chứ không phải vì người biểu tình.
Phát biểu trước công chúng, bà Carrie Lam một lần nữa nhắc lại những bất ổn liên quan tới dự luật dẫn độ tội phạm cũng như phong trào biểu tình phản đối của người dân thời gian qua: "Điều này khiến tôi thực sự nhận ra là chính trị gia, tôi luôn phải tự nhắc nhở mình phải hiểu chính xác cảm xúc của người dân".
Bà cũng nói: "Mặc dù chính quyền phải đảm bảo việc quản trị hiệu quả, nhưng vẫn cần kiên nhẫn lắng nghe".
Trong khi đó, ở bên ngoài khu vực tổ chức lễ kỷ niệm, dòng người biểu tình nổ ra xung đột với cảnh sát. Lực lượng an ninh Hong Kong đã dùng hơi cay và dùi cui để trấn áp người biểu tình. Theo Hãng tin Reuters, hàng ngàn người đã tập trung tại công viên Victoria trong cái nóng 33 độ C và phong tỏa nhiều tuyến đường chính bằng các vật cản gỗ và kim loại.
Căng thẳng tăng cao khi cảnh sát giương cao một banner màu đỏ, cảnh báo người biểu tình không được dấn thêm, nếu không họ sẽ dùng vũ lực. Đến tối 1-7, đám đông đã phá cửa vào tòa nhà, đập phá đồ đạc và tuyên bố cố thủ đến sáng.
Trước đó ngày 30-6, hàng ngàn người đã xuống đường tuần hành ủng hộ cảnh sát Hong Kong. Mặc đồ trắng, xanh và vẫy cờ Trung Quốc, những người ủng hộ cảnh sát chỉ trích làn sóng phản đối luật dẫn độ với Trung Quốc đã "đi quá xa" và là những kẻ gây rối. "Cứ như họ đã phát điên… Tôi thấy việc này thật vô nghĩa" - AFP dẫn lời một người họ Wong nói.
D.KIM THOA
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận