Đò cập bến, trên bờ thầy cô đã chờ sẵn chở các em đến trường - Ảnh: Minh Đạt |
Đó là một trong những việc làm thường ngày của thầy cô Trường tiểu học và THCS Lâm Hóa, một trường vùng sâu của huyện miền núi Tuyên Hóa, Quảng Bình.
Tấm lòng của các thầy cô đã được học sinh tri ân bằng việc đi học đầy đủ, học hành tiến bộ hơn. Đó là điều mà thầy cô ở đây trông mong nhất.
Thay nhau đưa đón học trò
Một sáng đầu đông ở miền núi Tuyên Hóa sương lạnh bao phủ, thầy Nguyễn Thanh Lương, hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Lâm Hóa, đã đánh thức mọi người: “Phải đi đón các em cho kịp thôi. Giờ này các em cũng đang xuống đò”.
Đoạn đường từ điểm trường trung tâm đến bản Kè dài hơn 4km, nhưng bị ngăn cách bởi một con sông thuộc thượng nguồn sông Gianh rộng khoảng 30m, nước sâu thăm thẳm.
Người lái đò của bản Kè đang chèo đò đưa 15 học sinh bản Kè qua sông.
Bờ bên này, thầy cô đã đứng chờ sẵn và thấp thỏm mong các em qua sông an toàn. Khoảng 10 phút sau đò cập bờ.
Các em học sinh ríu rít trèo lên xe máy của thầy cô chờ sẵn để đến trường. Đến trưa tan trường, lại đến lượt thầy cô khác đưa các em trở lại bến đò. Cứ thế đều đặn ngày nắng cũng như mưa, từ mấy năm nay.
Thầy Hoàng Ngọc Lâm, một giáo viên thường xuyên chở học sinh, tâm sự: “Thấy các em học sinh bản Kè đến trường quá vất vả nên anh chị em quyết định thay nhau đưa đón. Nhờ vậy, các em đến trường đều đặn hơn và học hành càng tiến bộ”.
Thầy Lâm kể Ngày nhà giáo Việt Nam năm nào cũng thế, các em đều lấy hoa rừng kết thành vòng “nguyệt quế” tặng thầy cô như một sự biết ơn.
“Học trò biết nghĩ và làm những việc như thế là vui lắm rồi”, thầy Lâm nói.
Em Hồ Thị Thắng, một học sinh trong bản, thỏ thẻ nói: “Trước đây chúng em tự đi bộ cực lắm, nhiều bữa mưa to phải nghỉ học. Từ ngày có thầy cô đưa đón nên không nghỉ học nữa”.
Sửa xe đạp cho học sinh
Ngoài việc đưa đón, lo cơm nước cho học sinh bản Kè, thầy cô còn góp tiền sửa xe đạp cho học sinh bản Cáo và bản Chuối.
Học sinh ở hai bản này cách trường 4-5km nên phải đi học bằng xe đạp. Đường rừng đi lại khó khăn, xe đạp hỏng thường xuyên nên học sinh thường nghỉ học vì không có tiền sửa xe.
Nhà trường đã liên hệ với các tiệm sửa xe trên địa bàn sửa cho học sinh. Các em mang tờ giấy biên nhận về đưa cho trường, và hằng tháng nhà trường sẽ cử đại diện đến tiệm trả tiền.
Không chỉ đưa đón, lo cơm trưa, sửa xe đạp cho học sinh, các em nghèo khó còn được thầy cô mua quần áo, sách vở, dụng cụ học tập...
Em Cao Văn Đàn, học sinh lớp 8, ở bản Chuối, kể: “Đường lên bản cháu xấu lắm, xe đạp toàn bị hỏng thôi. Nhiều lần xe bị hỏng giữa đường không có tiền sửa nên dắt bộ về nhà rồi nghỉ học luôn. Bây giờ không sợ xe hỏng nữa rồi”.
Đàn là học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ, ở với ông bà, nên cuộc sống rất khó khăn. Nhờ sự chăm lo của nhà trường và thầy cô, Đàn đã đi học đều đặn hơn, việc học hành cũng trở nên tiến bộ.
Thầy hiệu trưởng Nguyễn Thanh Lương nói: “Chúng tôi làm mọi việc để học sinh đến trường đầy đủ, cố gắng học hành, vậy là thành công rồi”.
Hũ gạo tình thương Một số ngày trong tuần, học sinh THCS phải ở lại học buổi chiều, nên các thầy cô lại góp nhau mỗi tháng 15.000 đồng, vài lon gạo để nấu cơm cho các em ăn buổi trưa. Các thầy cô gọi là “hũ gạo tình thương”. Hơn 11g trưa, tiếng trống trường vang lên, học sinh bản Kè chia thành ba nhóm về phòng các giáo viên để chuẩn bị bữa trưa. Em thì nhặt rau, em nấu cơm, em đun nước pha mì gói... Khoảng 30 phút sau, bữa trưa được dọn ra, có cơm, rau rừng luộc, cá kho và một nồi mì gói bốc khói. Đạm bạc mà ấm tình thầy trò! Cô Nguyễn Thị Cẩm Kiều tươi cười trò chuyện: “Cuộc sống của cô trò chúng tôi ở đây là rứa đó. Các em nghèo, được bữa ăn như ri là mừng lắm rồi, miễn no cái bụng là học được thôi”. Căn phòng nhỏ chật chội của cô Kiều bỗng ấm cúng hẳn lên. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận