Người lính chiến trường K năm xưa và người lính trẻ hôm nay cùng say sưa hát tại chương trình - Ảnh: MAI NHIỆM
Đâu có ai làm khởi nghiệp một mình được, phải là một đội ngũ chứ. Đâu có thứ tình đồng đội nào lớn hơn tình đồng đội ở chiến trường, đùm bọc nhau để cùng đi tới một mục tiêu chung
Nhà thơ LÊ MINH QUỐC
Chương trình giao lưu giữa bộ đội tình nguyện Campuchia và cộng đồng còn chưa kịp bắt đầu mà...
Khởi nghiệp cùng đồng đội
Tối muộn, Trung sĩ Huỳnh Kim Tước, cựu trinh sát sư đoàn 307 mặt trận 579, ngồi với ông Phạm Sỹ Sáu - người dành 14 năm tuổi trẻ ở chiến trường K và ông Lê Minh Quốc. Họ ngồi, nói với nhau một câu chuyện kỳ lạ: Làm thế nào để nối kết tinh thần của chiến binh chiến trường K ngày nào và tinh thần chiến binh của khởi nghiệp ngày hôm nay.
Ông Sáu - người đã viết những câu thơ bất hủ: "Mày về ra nông trường, vào xưởng máy hay cơ quan/ Hãy làm việc bằng tinh thần người lính/ Cái thiếu ở chiến trường mày đâu cần làm sổ tính/ Hãy làm thật nhiều sản phẩm giúp tụi tao" - cho rằng nên nói về một thời "trẻ tuổi", không phải là "tuổi trẻ". Bởi chỉ có trẻ tuổi, người ta mới háo hức lao vào một cuộc chiến mà không biết ở đó điều gì đang chờ đợi mình... Chỉ có trẻ tuổi, người ta mới dồn hết sức, làm đến quên mình, vì cái gì đó cao hơn bản thân.
Tôi nhớ, trong tập thơ nổi tiếng nhất về bộ đội tình nguyện Việt Nam - Campuchia, ông Sáu có ghi lời bạt: "Tặng em, người đã chờ anh!". Lời đề tặng này dành cho cô gái mới 16 tuổi, tên Nguyễn Thị Mai.
Mai ở Sài Gòn, tiểu thư, đội trưởng đội văn nghệ. Phạm Sỹ Sáu là trai nhà quê, đi làm cán bộ Đoàn. Họ yêu nhau, và hứa chờ nhau 3 năm nghĩa vụ. Không ngờ, ông Sáu đi biền biệt 14 năm. Chị Mai vẫn đợi. Giờ, anh 64 tuổi, em 60 tuổi, họ vẫn mặn nồng như ngày nào.
Phạm Sỹ Sáu ngồi đó, hiền lành như ngày xưa, và nói: "Cuộc chiến chinh mà mình lao vào khác gì câu chuyện khởi nghiệp của các bạn trẻ ngày nay? Không có đồng đội, lấy gì mà sống, không có đồng đội, làm sao mà khởi nghiệp một mình?".
Lê Minh Quốc, một thời vác súng trên những mặt trận Campuchia, "ỷ" vào việc mình 60 tuổi mới có con gái đầu lòng, máu lửa hơn hẳn: "Tôi chưa bao giờ nhắc lại ký ức đau thương và hào hùng này, nếu không vì việc có thể truyền chút lửa cho các bạn trẻ khởi nghiệp.
Có điều gì đó mà người trẻ bây giờ nên học được, thì đó phải là tinh thần đồng đội của lính: sống cùng nhau, chiến đấu cùng nhau, và có thể chết vì nhau. Đâu có ai làm khởi nghiệp một mình được, phải là một đội ngũ chứ. Đâu có thứ tình đồng đội nào lớn hơn tình đồng đội ở chiến trường, đùm bọc nhau để cùng đi tới một mục tiêu chung...".
40 năm kỷ niệm ngày ra quân tình nguyện của bộ đội Việt Nam tại Campuchia, hóa ra có chút ngẫu nhiên với câu chuyện những người khởi nghiệp ở một thế hệ được gọi tên là 4.0.
Ba người lính nói về cuộc chiến, luôn tự hào, mạnh mẽ. Nhưng khi nhắc đến đồng đội, họ rớt nước mắt.
Và tinh thần chiến binh
Hội trường của Saigon Innovation Hub hôm 21-12 được chuẩn bị khác với thường ngày: nhiều ghế hơn và không có vị trí danh dự. Bất kỳ người cựu chiến binh nào đến cũng có được sự tôn trọng của cộng đồng khởi nghiệp như nhau. Những người lính già, tóc bạc trắng, huân chương đầy ngực, ngồi chen lẫn với những người khởi nghiệp tóc nhuộm đủ màu, tạo ra một bức tranh kỳ lạ mà lý thú: họ vẫn tụm vào nhau trò chuyện, cùng khóc, cùng cười với những câu chuyện đời lính ngày xưa.
Ông Huỳnh Kim Tước kể câu chuyện của mình, cũng là chuyện đi xuyên qua hai thế hệ: "Tôi lên đường, 18 tuổi, biết gì đâu. Balô trĩu nặng sách vở để ôn bài thi đại học, dăm ba lá thư tình của người yêu thời trẻ tuổi... Cái thôi thúc: phải sống, phải trở về để vào đại học lớn lắm. Chàng thư sinh được đồng đội tiếp hơi men để quên đi nỗi nhớ nhà, nhưng trong đầu vẫn lẩm nhẩm: "Axit clohydric gặp axit sunfuric thì ra cái này... Mình phải vô đại học, phải vô đại học... Giấc mơ của tôi ngày đó chỉ có vậy, vô đại học, không có to lớn với hoài bão khởi nghiệp như các bạn bây giờ. Nhưng để đạt được mục tiêu đó là tất cả những gì gian khó nhất. Nhưng phải vượt qua!".
Những ngày hành quân thiếu ăn, thiếu nước đến máu cũng đặc lại, khác gì cảnh khởi nghiệp rơi vào túng quẫn. Những đêm lửa binh thức trắng đêm canh vọng gác, khác gì ngày mở bán sản phẩm đầu tiên... Tất cả đều mong manh, như mạng sống của người lính K, như rủi ro của con đường khởi nghiệp.
Thứ mà những người cựu binh này có, và muốn truyền lại, là thứ máu lửa, thứ khát khao và thứ can trường vượt lên tất cả. Khởi nghiệp, phải chăng chính là cần tinh thần đồng đội và thứ "chiến binh kỳ" như thế?
Mỗi ngày, bà Kim Thư nói vẫn cố gắng vượt qua những thách thức của cuộc sống. “Kinh doanh và khởi nghiệp không phải là thứ mà cô biết, nhưng cô tin rằng không có gì dễ dàng trên đời. Ông bà mình dạy, chân cứng thì đá mềm, tụi con cần phải bền chí và kiên trì với cuộc chiến chinh của thương trường, nghe không” - bà chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận