03/06/2020 20:35 GMT+7

Tính phương án nghỉ hè kích cầu du lịch nội địa

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Các địa phương cần hỗ trợ, đồng hành cùng du lịch để có chính sách giảm giá các khoản thu phí, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến và tính toán việc nghỉ hè để kích cầu du lịch.

Tính phương án nghỉ hè kích cầu du lịch nội địa - Ảnh 1.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp về tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch - Ảnh: Chính phủ

Chiều 3-6, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với lãnh đạo một số bộ ngành, hiệp hội, các doanh nghiệp du lịch trong bối cảnh ngành du lịch chịu ảnh hưởng rất nặng nề do đại dịch COVID-19.

Nhấn mạnh du lịch nội địa được xem là cứu cánh, nên sau thời điểm nới lỏng giãn cách xã hội, Chương trình "Người Việt Nam du lịch Việt Nam" được phát động đã có 15 địa phương ở các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch đồng loạt hưởng ứng kế hoạch kích cầu.

Đến nay, với việc mở lại các đường bay, tần suất bay và công suất chuyên chở đã tăng trở lại gần bằng mức trước dịch COVID-19.

Kích cầu du lịch nội địa làm cứu cánh

Đại diện Tập đoàn Sun Group cho biết đã lựa chọn những điểm đến, địa phương hoặc chuỗi điểm đến trọng điểm, có tính lan toả và phù hợp với nhu cầu của du khách trong vùng. 

Tuy nhiên, các chương trình kích cầu không đơn thuần là giảm giá mà doanh nghiệp phải cam kết tăng chất lượng dịch vụ, làm mới chính những sản phẩm đang có; đầu tư sản phẩm mới và đón đầu xu thế du lịch an toàn - sức khoẻ, không bỏ qua bất kỳ đối tượng du khách nào.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - tổng giám đốc Công ty Vietravel - đề nghị phải có những động thái mạnh mẽ từ cả doanh nghiệp và nhà nước, tạo động lực từ vùng du lịch trọng điểm, xây dựng sản phẩm du lịch theo chuỗi có sự kết nối cao giữa lữ hành - hàng không - dịch vụ.

Doanh nghiệp kiến nghị cần có chính sách đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương, tạo điều kiện cho người dân đi du lịch như kéo dài một số kỳ nghỉ lễ; miễn, giảm các khoản thu, phí tham quan; tăng cường truyền thông quảng bá, xúc tiến du lịch…

Mặc dù vậy, ông Vũ Thế Bình - phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam - cho rằng không được bỏ quên rất nhiều doanh nghiệp du lịch nhỏ, cơ sở du lịch cộng đồng, người làm homestay tại các điểm du lịch ở vùng sâu, vùng xa đang vô cùng khó khăn. Nếu mất đi những "rễ nhỏ" này, chúng ta sẽ phải mất nhiều thời gian để gây dựng lại.

Do đó, các địa phương đồng hành hơn nữa với du lịch. "Sức khoẻ" các doanh nghiệp đang xấu mà vẫn phải giảm giá, kích cầu để tồn tại nhưng một số địa phương vẫn đang "vô cảm", chưa thực sự đồng hành, hỗ trợ thực sự cho DN trong việc miễn, giảm các khoản thu, lệ phí tại điểm du lịch…

Khẳng định Chính phủ nhận thức rõ du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh việc các doanh nghiệp dù hoàn toàn không có doanh thu nhưng cố giữ tất cả hoặc một phần nhân viên là đáng quý. Vì vậy, tinh thần là sẽ tiếp thêm sức cho các doanh nghiệp du lịch.

Có chính sách hỗ trợ du lịch giảm giá

Bên cạnh các kiến nghị về thuế, thị thực nhập cảnh, giá điện… ngành du lịch phải chuẩn bị tâm thế tình hình dịch bệnh trên thế giới còn diễn biến phức tạp, kéo dài. Tinh thần "bao đê chặt, ngăn chặn bên ngoài để phát triển bên trong".

Vì vậy, cần phải tận dụng tối đa các điều kiện thúc đẩy du lịch nội địa để các doanh nghiệp không bị giải thể, phá sản; các cơ sở kinh doanh du lịch nhỏ, du lịch cộng đồng không phải dừng hoạt động, chuyển mục đích sử dụng do quá khó khăn.

"Cơ sở du lịch cộng đồng, homestay không giúp thu ngân sách nhưng góp phần xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống, xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh ở vùng sâu, vùng xa", Phó thủ tướng nói.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành và địa phương cần phải hỗ trợ, đồng hành đưa du lịch đi vào thực chất. Đặc biệt, địa phương phải xem xét các doanh nghiệp du lịch giảm giá như thế nào thì các khoản thu, phí du lịch cũng phải giảm ít nhất ở mức độ tương đương, có phương án thời gian các kỳ nghỉ lễ, nghỉ hè để tạo điều kiện kích cầu du lịch.

Gắn với đó, cần tập trung thúc đẩy hoạt động xúc tiến, quảng bá, kích cầu theo điểm đến trọng điểm theo khu vực như Tây Bắc, Đông Bắc, Duyên hải miền Trung… không để cho DN phải tự làm riêng lẻ. 

Đối với du lịch quốc tế, Phó thủ tướng nhấn mạnh chuẩn bị sẵn sàng nhưng chỉ mở ra khi thực sự an toàn. Theo đó, cần theo dõi sát tình hình phòng, chống dịch ở các thị trường lớn, bàn bạc, thống nhất, khi điều kiện cho phép sẽ chọn những địa bàn, thị trường thực sự an toàn; chọn trước một số điểm đến ở Việt Nam; có quy trình chặt chẽ từ cho phép nhập cảnh, vận chuyển đưa dón, quản lý du khách quốc tế theo tour; gắn với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch với thông điệp "Việt Nam an toàn".

Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, 5 tháng đầu năm 2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,7 triệu lượt, giảm 50% so với cùng kỳ năm 2019. Lượng khách nội địa đạt 16 triệu lượt, giảm 58,5%. Tổng thu du lịch đạt 150.300 tỉ đồng, giảm 47,4%.

Đáng chú ý có tới 95% các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế trên cả nước đã dừng hoạt động. 137 DN lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ. Doanh nghiệp chỉ bố trí khoảng 30% nhân sự trực tại công ty, nhân viên nghỉ không hưởng lương hoặc giảm đến 80% lương. Công suất phòng trung bình của các cơ sở lưu trú chỉ đạt khoảng 20% so với tỷ lệ 52% của năm trước.

Dự báo khách du lịch nội địa năm 2020 sẽ đạt khoảng 60-65 triệu lượt. Khách quốc tế nếu có thể đón khách vào đầu quý III-2020 thì sẽ đạt khoảng 6-8 triệu lượt; nếu đón khách vào đầu quý IV-2020 có thể đạt khoảng 4,5-5 triệu lượt.

Nhiều sự kiện du lịch diễn ra từ nay đến cuối năm tại TP.HCM Nhiều sự kiện du lịch diễn ra từ nay đến cuối năm tại TP.HCM

TTO - UBND TP.HCM vừa có chỉ đạo liên quan đến việc tổ chức các sự kiện du lịch tại TP từ nay đến cuối năm 2020.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp