14/10/2012 04:33 GMT+7

Tình phí "cưa" đôi!

NHÓM PV NST
NHÓM PV NST

TT - Dù là ăn đĩa mì, uống ly nước, xem một bộ phim... một số đôi yêu nhau cũng quyết định “cưa” đôi số tiền trên hóa đơn thanh toán để thể hiện trách nhiệm của cả hai trong mối quan hệ.

0xUqYIWp.jpgPhóng to

Tuy nhiên, có người trề môi: “Yêu mà rạch ròi quá, chẳng lãng mạn chút nào”.

“Cưa“ đôi còn gì là tình!

Đang trong giai đoạn tìm hiểu, C.Toàn (20 tuổi, sinh viên) đưa Kim G. đi xem phim rồi ăn tối dưới ánh nến lung linh ở một quán cà phê lãng mạn. Mọi thứ đều trôi chảy cho đến khi đưa nàng về nhà, chàng thẳng thắn đề nghị nàng trả 50% tổng chi phí của đêm hẹn yêu. Nàng lúng túng móc ví, chàng nhét tiền vào túi rồi chào cười tạm biệt, rồ máy xe phi về nhà. Nhiều lần hẹn sau chàng vẫn áp dụng cách chia 5/5 sòng phẳng đó.

Qua câu chuyện phiếm C.Toàn kể, mọi người trong gia đình chàng tỏ ra rất ngạc nhiên vì cách hành xử hơi khiếm nhã đó. Lúc này, đến lượt C.Toàn tròn mắt: “Chuyện đó bình thường mà! Đừng tạo cơ hội cho người ta lợi dụng mình từ lúc mới tìm hiểu chứ. Khi nào chính thức yêu hẵng tính” - C.Toàn nói. Vào những ngày lễ, C.Toàn đi mua quà tặng Kim G., gói và cột nơ cẩn thận nhưng cũng không quên nhắn nhủ nàng như một gợi ý nhẹ nhàng: “Anh tò mò quá, không biết em sẽ tặng gì cho anh...”.

Vài tháng sau, Kim G. lẳng lặng kéo dài khoảng cách của cả hai bằng lý do bận học, không khỏe trong người... Đến lúc thấy Kim G. nắm tay bạn trai mới dung dăng dung dẻ trước mặt, C.Toàn vẫn không hiểu vì sao mình bị hạ nốc ao trước một anh chàng chẳng hơn mình về học thức lại kém hơn hẳn về ngoại hình.

“Khi chàng người yêu Bỉ đề nghị tôi cùng góp tình phí thì tôi choáng váng vì sốc. Dù chàng sẵn lòng chi hơn chục triệu, gấp mấy lần số tiền “yêu” tôi phải bỏ ra hằng tháng nhưng tôi vẫn thấy... bất thường. Những người yêu thuần Việt của tôi trước đó chẳng ai hành xử kiểu sòng phẳng như chàng cả” - Nguyễn Khánh Vân (29 tuổi, quản lý một nhà hàng Q.1, TP.HCM) nhớ lại.

Chia sẻ điều này với hội bạn thân, cả nhóm tròn mắt ngạc nhiên, bình phẩm cái tính chi li và hạ bậc nam tính của chàng làm Khánh Vân thêm ngượng ngùng. Từ đó, Khánh Vân lẳng lặng móc ví mà chẳng than thở với ai nữa. “Không biết đến ngày cưới, nếu có, chàng có bắt mình chia tiền tổ chức tiệc không nữa” - Khánh Vân thở dài.

Rạch ròi để tình bền

Với L.N.T.S., một biên dịch viên, chuyện tình phí hết sức linh động. Thường thì S. đảm nhận nhưng thỉnh thoảng vẫn để người yêu trả. Ví như khi anh mua đồ ăn sáng thì người yêu sẽ “lo” cà phê. S. cho rằng con gái cũng thích cảm giác được chi trả cho người yêu. “Lâu lâu cô ấy nói em mua cái này, cái kia cho anh nhé thì mình tùy trường hợp mà đồng ý vì cô ấy vẫn còn là sinh viên” - S. nói. S. quan niệm chuyện tiền nong nên để con trai lo, thỉnh thoảng con gái phụ trợ thêm thì ổn nhất. “Trừ khi con trai tính toán quá, còn con gái ỷ lại quá thì hết ổn” - S. nói. S. nhấn mạnh không nên nghĩ thiệt hơn trong chuyện này, bởi con trai có thể tốn tiền hơn nhưng nhận được niềm vui tinh thần và thỏa mãn sở thích che chở, bảo bọc của mình.

Quang Hân (Q.9, TP.HCM) là phó giám đốc doanh nghiệp tư nhân với thu nhập hằng tháng không dưới 2.000 USD vẫn giữ thói quen cùng Hồng Y (23 tuổi, nhân viên kế toán) “cưa” đôi tình phí. Nàng là người quản lý quỹ chung, tự góp bốn phần, còn chàng sáu phần. Mỗi lần đi ăn uống, xem phim, thậm chí du lịch, Hồng Y luôn là người móc ví. “Không ít lần tôi bắt gặp ánh mắt ngỡ ngàng của mọi người. Nhưng tôi nghĩ sự rạch ròi sẽ khiến cả hai nhẹ nhàng nếu sau này lỡ chia tay vì chí ít chẳng ai nợ ai về tiền bạc” - Quang Hân chia sẻ.

Khi người ta đang yêu nhau, tiền bạc đôi khi là “gót chân Achilles”. Có người e ngại phân chia rạch ròi sẽ lột sạch sự lãng mạn khiến tình yêu trở nên thực dụng. Mặt khác, có người cho rằng đó là cách họ thể hiện trách nhiệm với nhau, hơn nữa là thể hiện một tình yêu trong sáng, không vụ lợi.

Còn bạn, bạn nghĩ gì về việc “cưa” đôi tình phí? Mọi ý kiến xin gửi về địa chỉ [email protected].

OKUNO YUJIRO (20 tuổi, quận Meguro, Tokyo, Nhật Bản)

Chia sẻ chứ không phải sòng phẳng

Tôi luôn là người chủ động chi trả các khoản tình phí khi đi chơi hay ăn uống với người ấy, đa số bạn bè tôi cũng vậy, đó là cách ứng xử thông thường của phái mạnh khi yêu. Nhưng đôi lúc người yêu tôi cũng giành trả. Tôi dẫn người yêu đi xem phim, mua sắm và cô ấy cũng hay tặng quà bất ngờ cho tôi. Đó vừa là cách để “trả”, vừa giúp cả hai không cảm thấy nợ nần nhau, tạo cảm giác thích thú, dễ chịu cho cả hai chứ không quá rạch ròi kiểu tiền tôi - tiền nàng. Chi trả tình phí như thế nào cũng nên linh hoạt dựa trên nhiều yếu tố như tính cách, mức thu nhập, tình cảm... từ hai phía. Chia hay không chia, tỉ lệ bao nhiêu, chia trong hoàn cảnh nào...tóm lại là phải tùy cơ ứng biến, miễn sao tạo cảm giác chia sẻ chứ không phải chia chác.

JUSTIN CRUZ (26 tuổi, người Mỹ)

Tại sao không chia khi ai cũng có thu nhập?

Tôi thấy thật vô lý khi hai người yêu nhau mà người nam phải “gồng gánh” tình phí cho người nữ. Tôi từng cặp với vài bạn gái và hầu hết chúng tôi đều tự hiểu bản thân phải tự chi trả những khoản phí phát sinh khi đi cùng nhau. Việc chia tiền sòng phẳng chính là cách thể hiện sự quan tâm, trân trọng cảm xúc người kia nhất. Hầu hết chúng ta khi yêu đều muốn kết thúc bằng một đám cưới và san sẻ mọi thứ cho nhau, vậy thì tiếc gì việc cùng đỡ vai gồng gánh từ đầu, nhất là trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay.

Nếu con gái Việt quá coi trọng việc đàn ông phải là “tay chi” thì tôi thấy tội cho các đấng mày râu quá!

NHÓM PV NST
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp