Gia đình nhỏ của tình nguyện viên Trần Ngọc Bảo Trâm kết hoa tham gia ngày hội - Ảnh: NAM TRẦN
Câu chuyện về nghị lực phi thường của "đóa hướng dương" Lê Thanh Thúy cùng nghĩa cử cao đẹp của cô với những người đồng cảnh đã khởi nguồn chương trình "Ước mơ của Thúy". Tròn 10 năm ngày Thúy ra đi, những mong ước dang dở của cô ngày nào được hàng ngàn tình nguyện viên tiếp nối.
Hôm nay, tại Hà Nội và TP.HCM, Ngày hội hoa hướng dương lần 10 chính thức khai hội, chủ đề "Hành trình viết tiếp ước mơ" - một hành trình chở nặng ân tình của cộng đồng với bệnh nhi ung thư...
Những trái tim tình nguyện
Không lâu sau khi Thúy mất, Trần Ngọc Bảo Trâm tìm đến chương trình "Ước mơ của Thúy", với tâm niệm mang tình yêu thương xoa dịu nỗi đau của các em. Ngày đầu tiên đặt chân đến bệnh viện, Trâm chỉ mới 19 tuổi, giờ đã là 29, tức 1/3 số tuổi của Trâm gắn với chương trình.
Cứ thứ tư và thứ sáu hằng tuần, Trâm lại đến bệnh viện, tổ chức những hoạt động vui chơi, an ủi các bệnh nhi bớt cô quạnh. Riết rồi thành thân quen, những căn phòng dành cho bệnh nhi ở bệnh viện Ung bướu, Nhi Đồng cứ thôi thúc Trâm tới lui mỗi tuần.
Bởi ở đó, những cô bé, cậu bé với mái đầu trọc, tay truyền dịch sống trong đớn đau đã trở thành những đứa em quý mến của Trâm tự lúc nào.
Cứ đến tháng 11, Trâm lại xắn tay cùng nhiều tình nguyện viên sốt sắng "chạy" chương trình. Và năm nào cũng vậy, bên cạnh Trâm luôn có một "tình nguyện viên chồng" đồng hành là anh Lê Ngọc Nghĩa (35 tuổi).
Nhờ "Ước mơ của Thúy", cả hai đã gặp nhau, cùng chung niềm hạnh phúc khi san sẻ với bệnh nhi ung thư.
57 tuổi, tuy chỉ mới tham gia chương trình vài năm gần đây nhưng ông Lư Chủ Bình lại là một tình nguyện viên năng nổ, không khác gì các cô cậu sinh viên.
Năm 2013, ông đã bỏ ra hơn 2 triệu đồng để mua một bức tranh của bệnh nhi tại ngày hội. Từ bức tranh này, ông biết rõ hơn về chương trình và tham gia sinh hoạt cùng với bệnh nhi ung thư. Hằng tháng ông chắt chiu khoản tiền nhỏ gửi đến chương trình, để duy trì các hoạt động giúp đỡ các em.
Từng có lúc mọi người nghĩ ung thư không có ở trẻ em. Từ khi chương trình "Ước mơ của Thúy" ra đời, thông tin về bệnh ung thư ở trẻ em nhiều hơn, từ đó thu hút được các nguồn lực trong việc chăm sóc và hỗ trợ các cháu. Ở nước ta, tỉ lệ chữa khỏi bệnh ung thư chỉ khoảng 40%. Theo thống kê thì ung thư ở trẻ em có tỉ lệ chữa khỏi cao hơn người lớn.
Ông Trần Văn Thuấn (GĐ Bệnh viện K, GĐ điều hành Quỹ Ngày mai tươi sáng)
Lớp học chữ đầy yêu thương
Trong số các bệnh viện có bệnh nhi ung thư khắp ba miền, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM là nơi chương trình tổ chức, duy trì lớp học ngay trong bệnh viện.
Dù gián đoạn việc trường lớp nhưng các bệnh nhi vẫn có một không gian để học tập, dưới sự dìu dắt của những cô giáo: Phạm Thị Tốt, Minh Nguyệt, Bình Minh (hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Trực, Q.8), Mộng Liên, Phương Loan, Kim Xoàn, Thanh Thủy (giáo viên Trường tiểu học Kết Đoàn, Q.1), cô Kim Phấn và các tình nguyện viên...
Đến hết ngày 26-11, mỗi bông hoa hướng dương được đăng trên Facebook của bạn, tag mời 3 người bạn tham gia, cùng hashtag #ngayhoihoahuongduonglan10, #10namuocmocuathuy, nhãn hàng JEX max - Công ty CP dược phẩm Eco sẽ ủng hộ 30.000 đồng thực hiện ước nguyện của bệnh nhi.
Ngày đầu đến lớp, cô Phấn bảo nhìn em nào cũng mái đầu trọc, tay truyền dịch khiến cô có cảm giác "lạnh sống lưng". Cô không dám chạm vào các em bởi thấy các bé mong manh như ngọn đèn trước gió.
Nhưng các cô đã vượt qua điều ấy để trở thành giáo viên của các em, giúp các em học tập, vui chơi, bớt những cơn đau đớn về thể xác. Từ lớp học này, nhiều em đã khỏi bệnh, về quê tiếp tục học tập và đó cũng là động lực để chương trình duy trì lớp học cả 9 năm nay.
Cũng như các cô giáo, 10 năm qua, anh Nguyễn Văn Hải với vai trò là chú hề Siđô luôn mang nụ cười đến cho các bé. Nhìn các em vui tươi, có lúc lòng anh quặn thắt, bởi biết đâu đó có em hôm nay cười vui nhưng vài hôm sau đã "trở về nhà"...
Bằng trái tim của mình, mỗi tình nguyện viên đã rực rỡ như một đóa hướng dương, tiếp thêm sự lạc quan, mạnh mẽ cho các em, vượt qua định mệnh cuộc đời.
Tình nguyện viên Trần Thành Luân thăm các bệnh nhi ở Viện Huyết học - truyền máu trung ương tối 24-11 - Ảnh: H.THANH
Chuyện của những người đồng hành
23h ngày 24-11, hai ngày trước ngày hội, Trần Thành Luân, phó chủ nhiệm CLB Niềm tin và hi vọng, một CLB tình nguyện đã gắn với "Ước mơ của Thúy" suốt 6 năm qua, thông qua các hoạt động hỗ trợ bệnh nhi Viện Huyết học - truyền máu trung ương (Hà Nội), mới rời bệnh viện.
Chỉ còn hơn một ngày nữa để "chạy" nên cả tuần nay Luân và các bạn đều lên viện mỗi ngày để tập hát, dàn dựng chương trình. Hằng tuần, các tình nguyện viên đều đến đọc sách, cùng vẽ tranh, tổ chức sinh nhật cho các em.
Họ cần mẫn với một tấm lòng mà người bình thường thật khó hiểu được, khó làm được, dù ai cũng yêu quý các em.
"Tôi nhớ từng bạn nhỏ và luôn day dứt mỗi khi một em bé - bệnh nhi nữa ra đi, dù biết ở thế giới mới các em sẽ gặp lại những bạn bè vốn cùng điều trị ở viện, sẽ không còn đớn đau vì những ngày dằng dặc phải truyền thuốc, phải cấp cứu, nhưng vẫn rất đau xót" - Luân kể.
Sáu năm trước, Niềm tin và hi vọng ra đời từ mơ ước của Vũ Trường An, một bệnh nhân ung thư. Cùng với hai tình nguyện viên khác là Hồng Luân và Phương Thảo, CLB ra đời và tổ chức hoạt động đầu tiên là sinh nhật cho các cháu vào tháng 5-2011.
Ba tháng sau, Trường An mất. Ý nguyện của bạn đã được Hồng Luân, Thành Luân, Minh Khuê và nhiều bạn nữa san sẻ.
Hôm nay, ở Ngày hội hoa hướng dương tại Hà Nội, các bệnh nhi sẽ hát vang ca khúc Em ước mong sao. Ca khúc này gắn bó với một bệnh nhi ung thư, nay bé đã qua đời. Lời bài hát có đoạn: Em ước mong sao, cũng như bạn em đấy thôi; Lên lớp vui ca, hát vang mùa xuân trẻ thơ...
Các em chỉ ước mơ đơn giản như bao bạn bè trang lứa của mình thôi...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận