Trong hoạn nạn, dân bản đùm bọc lấy nhau, người góp gạo, người lại nhận cưu mang những người khác đã bị cơn lũ hiểm cuốn đi mất nhà, mất cả cái ăn.
Cây cầu treo - lối đi duy nhất sang 10 hộ dân ở bên kia suối của bản Lĩnh (xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) - bị lũ giật đi. Ba hộ dân ở bản này bị lũ cuốn mất sạch, chỉ còn bộ quần áo mặc trên người. Nhiều nhà khác mất thóc, mất gà vịt dưới gầm sàn. Ba ngày co ro với nhau trong góc lớp học mầm non chờ nước rút, những người dân chia nhau từng chai nước, nắm cơm.
Gói mì sẻ đôi
Ông Lù Văn Yêu thẫn thờ quay lại nơi từng có ngôi nhà cũ của mình. Chỉ vài hôm trước, nhà ông là một trong những ngôi nhà sàn đẹp nhất bản. Nhà sàn lợp ngói, có nền xi măng, dưới sàn lại có đủ máy xát, máy nghiền, tủ lạnh, nhà vệ sinh có máy nóng lạnh và cả chỗ khô ráo chất 27 bao thóc.
Khoảnh khắc kinh hoàng ấy là đêm 24 rạng ngày 25-7, mưa như trút nước, ông Yêu trằn trọc nằm nghe tiếng con suối chảy về mỗi lúc một gần. Đến nửa đêm, ông sốt ruột đứng dậy soi đèn thì nước đã ào ào dưới gầm sàn, cái cầu thang đã bị lũ cuốn mất.
Bốn người trong nhà hốt hoảng nhảy bừa xuống nước, cố bơi vào bờ. Trời tối om, ông Yêu nghe tiếng cột nhà gãy hòa lẫn tiếng nước gầm gào. Thế là hết! Dân bản í ới gọi nhau, những nhà gần suối chẳng ai kịp mang theo đồ đạc gì, đội mưa chạy về giữa bản.
Chỉ vài phút sau, con nước dâng lên lưng bụi tre, giằng chiếc cầu treo ầm ầm như nổ mìn. Rồi chiếc cầu cũng bị lũ giật mất. Cả đêm ấy, họ thức trắng cùng nhau dưới mái hiên nhà lớp học mầm non giữa bản.
"Mất rồi! Mất hết rồi" - ông Yêu run run, bàn tay gân guốc nắm chặt như muốn bóp nát một đầu cây gậy đang cầm. Cái nhà thành bãi đá rồi, không còn dấu vết gì cả. Cả đồ đạc, cả thóc ăn trong năm…
Sau lũ, con suối vẫn đục ngầu cuồn cuộn chảy, không ai dám lội qua. 10 hộ dân bên suối nấu hết những bát gạo cuối cùng. Hai ngày, hết gạo, hết nước, anh em ở bản khác biết chuyện nấu xôi buộc kín vào túi liều mình lội qua suối đưa từng nắm xôi cho dân bản. Chỉ thương trẻ con, mắt tròn xoe, đòi mẹ mua sữa.
Sau ba ngày con suối đã rút bớt nước, dân bản mới lội sang bên kia xin đồ cứu trợ. Đường đến bản Lĩnh mấy ngày không có xe cộ đến được, chỉ đi bộ. Bộ đội, công an, dân quân vác từng thùng mì đến trường học giữa bản để tiếp tế. Nhà nào bị mất người, mất nhà được ưu tiên, những nhà khác nhận hàng sau.
Nhà ông Yêu được nhận hai thùng mì gói, vừa mang về đến bờ suối, ông Yên gọi mọi người ở nhà khác ra, chia cho mỗi hộ bốn gói. "Nhà mình bị mất nhà, không có cái ăn, nhà khác không mất nhà nhưng cũng bị trôi hết thóc, cũng không có ăn. Mình có cái ăn thì mình chia nhau, người cùng bản mà!", ông Yêu giải thích.
Chẳng được may mắn như ông Yêu, ông Cà Văn Luyến mất cả vợ, cả con trong tích tắc. Nghe tiếng nước chảy to, tiếng đá lăn ùng ục dưới con khe, ông Luyến gọi vợ con dậy chạy lũ. Con khe nhỏ Khuổi Din trước nhà mọi ngày chỉ là ngòi nước nhỏ, đêm ấy bỗng chảy ầm ầm. Xóm ông Luyến có bốn nhà quây quần ở một mỏm đất. Phía sau là đồi cao, ba mặt là suối, nước quá to, chẳng còn đường chạy. Căn nhà ông Luyến là nhà tình nghĩa ông mới được nhận năm ngoái.
Đêm ấy, ông chỉ nghe "ầm!" thì căn nhà đổ sập, đất đá phía sau đồi vùi cao tới bụng. Ông bị xà nhà đè lên chân trái, tấm lợp sập xuống trúng đầu chảy máu. "Lúc ấy chỉ biết kêu khóc! Vợ con ở trong nhà không thoát được…" - ông Luyến run run gạt dòng nước mắt lại chảy trên gò má đen sạm.
Sẻ chia, cưu mang nhau
Nhà bên cạnh của bà Lò Thị Phong cũng nghe "rắc rắc!", cột gãy, một gian nhà tụt xuống dòng suối cuồn cuộn. Phần còn lại bị đất đá sau đồi tràn xuống. Hai vợ chồng bà Phong chạy ra ngoài, quên cả hiểm nguy lần xuống nhà ông Luyến.
"Chú Luyến ơi! Còn ai sống không?" - bà Luyến gào lên trong tiếng mưa, tiếng suối ầm ầm chảy. Rồi vợ chồng bà bẩy cái xà nhà to như bắp đùi lôi ông Luyến ra khỏi đống đổ nát. Ba người run rẩy với nhau trong đêm mưa lũ, ông Luyến lịm đi, trời sáng thì bộ đội đến và đưa cả ba ra ngoài…
Bà Phong, ông Luyến phải sang ở nhà văn hóa bản. Người dân nấu cơm, chia quần áo, giúp họ làm tang người thân, thu dọn những gì cơn lũ chưa kịp cướp đi.
Trận lũ quét kinh hoàng đêm 24 rạng ngày 25-7 khiến ba người chết, bốn người mất tích, hơn 100 căn nhà bị đổ và bị nước cuốn trôi, hàng trăm ngôi nhà khác bị hỏng… tổng thiệt hại ước tính hơn 32 tỉ đồng.
Đáng buồn là những người rơi vào cảnh màn trời chiếu đất cũng bị lũ vùi lấp, xói mòn mất ruộng, không còn kế sinh nhai. Nghe tin bà con thiệt hại vì lũ quét, vợ chồng chị Nguyễn Thị Huyền (ở Bản Phủ, TP Điện Biên Phủ) gác lại công việc hô hào anh em, bạn bè quyên góp mua lương thực, đồ dùng ủng bộ bà con bị lũ. Hai vợ chồng mỗi người một chiếc xe máy chở cả tạ mì gói, gạo… mang vào vùng lũ.
Gạo, mì chị đem đến ủy ban xã nhờ chính quyền chia cho bà con, còn mấy chục thùng nước và sữa, hai vợ chồng lội bùn tiếp tế cho dân quân, bộ đội đang đào bới cứu hộ.
Chị Huyền đã ngoài 50 tuổi, mượn chiếc áo xanh Đoàn thanh niên của con trai mặc để "lấy năng lượng tích cực". Trên đầu trời nắng chang chang, dưới chân bùn ngập lẫn với đá vụn sắc như mảnh kính vỡ, hai vợ chồng khệ nệ vác nước vác sữa chia cho những người đi cứu hộ.
"Mọi người đóng góp, mình bỏ thêm công sức mang vào cho bà con. Vất vả mấy cũng không bằng bộ đội đang đào bùn tìm người bị nạn kia kìa! Mưa lũ nguy hiểm, bà con khốn khổ quá!", chị Huyền xúc động trải lòng.
Bà Lò Thị Hiên có căn nhà sàn giữa bản Mường Pồn 1. Căn nhà trở thành tổ ấm mới cho sáu gia đình bị mất nhà trong cơn lũ kinh hoàng. Chiếc nồi nấu cơm của gia đình không đủ, có người đem đến cho nhà bà một cái nồi 40 (nấu được cho nhiều người ăn). Sáu gia đình với hơn 20 người, buổi trưa trải chiếu kín gầm sàn, buổi tối nằm hết trên sàn nhà. Mỗi bữa ăn xếp đủ sáu mâm.
Bà Hiên mất ba ao cá, toàn bộ ruộng lúa. Chỗ thóc của gia đình bà mới thu hoạch trong vụ chiêm vừa rồi dành cho sáu gia đình ăn cũng chẳng được bao lâu. Bà Hiên tâm sự: "Nhà mình mất ruộng, mất ao nhưng vẫn còn chỗ ở, còn cái ăn. Người khác không có thì mình giúp, dân cùng bản mà!".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận