18/01/2016 13:18 GMT+7

Tình người phương Nam

TẤN ĐỨC
TẤN ĐỨC

TT - Nhà văn, nhà báo Phan Trung Nghĩa (Bạc Liêu) nói: “Bây giờ nơi nào có cảnh vật, tình người như trong Đất rừng phương Nam thì làm du lịch sẽ rất hút khách”.

 

Chim con đang chờ mồi ở Vườn quốc gia Tràm Chim - Ảnh: Tấn Đức

Mà thực vậy, vài năm gần đây, những điểm du lịch sinh thái ở vùng đất phương Nam đã gây được ấn tượng đẹp trong lòng du khách. Người ta đến một lần rồi vẫn muốn quay lại thêm nhiều lần nữa, bởi cái tình với người phương Nam...

Làm “nhà” cho chim

Đất rừng phương Nam có một chương nói về chợ chim ở ngã ba vàm sông có tên là kênh Mặt Trời. Trong chợ người ta bày bán đủ các loại chim (và dường như có cả “đám sếu đen, sếu xám mào đỏ”), từ trứng chim, thịt chim đến lông chim. Cách chợ chim không xa là sân chim.

Ở sân chim đó, chim đậu chen nhau trắng xóa trên những đầu cây mắm, cây chà là, cây vẹt rụng trụi gần hết lá. Cồng cộc đứng trong tổ vươn cánh như tượng những người vũ nữ bằng đồng đen đang vươn tay múa.

Chim già đẫy đầu hói như những ông thầy tu mặc áo xám, trầm tư rụt cổ nhìn xuống chân. Nhiều con chim rất lạ, to như con ngỗng đậu đến quằn nhánh cây... Chim ở đâu tập trung về nơi đây, nhiều không thể nói được.

Ở đây còn có nhiều chim lạ, chúng đậu thấp lắm, đứng ở gốc cây có thể thò tay lên tổ nhặt trứng một cách dễ dàng.

Trong các loài động vật được kể trong Đất rừng phương Nam thì có lẽ chim là động vật bị săn bắt nhiều nhất, nhưng may mắn là đến giờ vẫn còn duy trì với số lượng lớn.

Hiện khắp các tỉnh Tây Nam bộ, hầu như nơi nào cũng có sân chim, vườn chim, nhưng có lẽ tập trung nhiều nhất ở địa bàn hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau.

Nơi đây, ngoài các sân chim do cơ quan chuyên môn quản lý, nhiều hộ dân cũng tự nghĩ ra cách trồng cây, lập vườn “dẫn dụ” chim về trú ngụ.

Hơn chục vườn chim tư nhân đã ra đời từ cách làm này, trong đó vườn chim của lão nông Nguyễn Văn Thiệt (Sáu Thiệt) ở ấp Bình Hổ, xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long (Bạc Liêu) thuộc hàng lớn nhất.

“Chừng 20 năm trước một số loài chim cò bắt đầu rủ nhau về đậu trên mảnh vườn hoang phía sau nhà. Thấy vậy, mấy cha con tui tiếp tục đào đất ruộng, lên liếp trồng thêm trúc, tràm, bình bát - là những loại cây chim hay làm tổ” - ông Sáu Thiệt kể.

Gần đây ông còn dành dụm tiền mua thêm mấy thửa đất liền kề để mở rộng vườn chim. Từ diện tích ban đầu chưa tới nửa hecta, bây giờ “mái nhà” cho chim do ông Sáu Thiệt tạo lập đã lên tới 15ha.

Nhiều loài chim lớn như bồ nông, điêng điểng, vạc, diệc, rồi cò đỏ, cò trắng, cò ngà, cò quắm... với tổng đàn ước tính lên tới hàng chục ngàn con đã về trú ngụ nơi đây và đang có dấu hiệu gia tăng qua từng mùa sinh sản trong năm.

Có mặt tại vườn chim của ông Sáu Thiệt vào buổi hoàng hôn, chúng tôi đã chứng kiến khung cảnh vùng quê thật yên bình.

Trên nền trời nhạt nắng, từng đàn chim cấp tập bay về từ mọi hướng. Có đàn xếp hình mũi tên, đàn lại bay theo hình cánh cung trông thật đẹp. Khi con lộ bêtông chạy ngang qua nhà làm xong, khách du lịch các nơi rủ nhau tìm về tham quan vườn chim của ông Sáu Thiệt ngày thêm đông.

Rừng đước Cà Mau - Ảnh: Tấn Đức

Rộng cửa đón khách

Giữa trưa, đoàn khách đi trên hai chiếc canô ghé lại bến sông trước cửa nhà ông Nguyễn Ngọc Nhuần, ở ấp Cồn Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) - một hộ dân tham gia dự án phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng.

Nghe tiếng máy, ông Nhuần vội ra bến sông đón khách. Trên nhà, vợ và hai con ông Nhuần cũng mở rộng cửa chờ sẵn. Căn nhà gỗ cất trên mặt ao sạch sẽ, tinh tươm. Cạnh chái bếp, mớ tôm cá và mấy con lươn vàng ươm mà gia chủ vừa đặt lọp đêm qua rọng trong chiếc thùng thiếc.

Sau khi xem qua một lượt, mấy chị phụ nữ trong đoàn khách lựa chọn thực đơn, cân tại chỗ, rồi xắn tay áo lên cùng vào bếp với mẹ con chủ nhà. Vừa làm, khách và chủ vừa chuyện trò tíu tít như quen nhau thuở nào.

“Góp một tay cho nhanh, với lại tiện thể nhờ bà chủ đây chỉ dạy luôn cách chế biến món đặc sản cá thòi lòi tươi nướng muối ớt” - chị Hoàng Dung, một du khách đến từ TP Cần Thơ, khoe.

Gia đình chủ nhà có bốn người, tất cả đều là “tay ngang” tham gia làm du lịch.

Chưa ai học qua trường lớp các kỹ năng nghiệp vụ về nấu ăn, giao tiếp... nhưng bù lại họ đều sinh ra và lớn lên ở vùng đất này, nên có thể “thuyết minh” rõ ràng, tường tận những câu hỏi của khách, như:

Ở vùng rừng đước Cà Mau này có bao nhiêu loài cá, bao nhiêu loài chim, chúng sinh đẻ vào thời điểm nào trong năm; làm thế nào phân biệt giữa rắn hổ đất với hổ mây, nhận biết loài nào có độc, bị nó cắn phải làm sao...

Chuyện trò huyên thuyên, tới lúc dọn cơm ra mới thấy đói hung, đụng đũa vô món nào cũng xuýt xoa khen ngon. Xong bữa, khách trải chiếu ra sàn nhà gỗ cất trên mặt ao đánh giấc. Vài thanh niên xắn quần mượn cái nôm, cây chĩa của chủ nhà đi bắt cá thòi lòi, con ba khía.

Chiều muộn, khách bày tỏ ý muốn nghỉ lại qua đêm để được trải nghiệm không khí đất rừng phương Nam một cách trọn vẹn hơn. Rất nhanh chóng, những chiếc mùng mền tươm tất được mang ra.

Mô hình phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng ở xã Đất Mũi được triển khai từ ba năm nay, với sự hỗ trợ của Vườn quốc gia Mũi Cà Mau. Hai mươi hộ tham gia đều được cấp đất, kết hợp trồng, bảo vệ rừng với khai thác môi trường sinh thái phục vụ du lịch.

“Đến đây một lần rồi, tôi lại muốn tới thêm nhiều lần nữa vì cảm thấy yên tâm, không bị tính giá cao, thức ăn vừa miệng. Ấn tượng nhất là người dân quê ở đây rất hiền lành, tốt bụng và hiếu khách” - anh Nguyễn Tuấn Hiên, du khách đến từ Kiên Giang, cho biết.

Đất rừng phương Nam bây giờ đã đổi thay nhiều. Có những đổi thay tạo động lực phát triển, cũng có cái khiến người ta ngậm ngùi tiếc nuối.

Nhưng điều chắc chắn là bản tính bộc trực, thẳng thắn, hào phóng, hiếu khách, trọng nhân nghĩa... của phần đông người dân phương Nam mà nhà văn Đoàn Giỏi đã khắc họa qua tác phẩm để đời không dễ gì thay đổi.

Nói như nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiệp (An Giang), “vùng đất phương Nam trước khi có sự khai phá của những người dân đến từ miền Trung, miền Bắc chỉ là một vùng rừng rậm hoang vu, có thú dữ tràn đầy.

Chính vì luôn lo sợ trước điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt này, người ta thấy rằng phải nương tựa vào nhau để sống, tất cả mọi người đều hết lòng vì việc nghĩa và đi liền với đó là tính hiếu khách và hào hiệp...”.

_________

Kỳ trước:

>> Kỳ 1: 

>> Kỳ 2: 

ĐÓN ĐỌC SỐ TỚI:

Đại hội VI - bước ngoặt lịch sử 30 năm trước

“Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986 đã đưa ra câu trả lời lịch sử của mình, trước thời khắc nguy nan của đất nước.

TẤN ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp