26/08/2021 09:55 GMT+7

Tình người nơi tuyến đầu phòng chống dịch: Gian bếp nhỏ nấu ngàn phần ăn

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Là bếp trưởng, từng quản lý bộ phận thực phẩm và nước uống của nhiều tập đoàn khách sạn lớn, tranh thủ nghỉ dịch COVID-19, anh Trịnh Minh Huy đã biến căn bếp của gia đình thành nhà bếp nấu cơm mỗi ngày cho y bác sĩ tại hai bệnh viện ở TP.HCM.

Tình người nơi tuyến đầu phòng chống dịch: Gian bếp nhỏ nấu ngàn phần ăn - Ảnh 1.

Đầu bếp Trịnh Minh Huy chuẩn bị nấu ăn ủng hộ Bệnh viện dã chiến số 10 - Ảnh: NGUYỄN THÙY DUNG

"Có ngày tôi phải chặt 20kg sườn, khiêng hàng chục ký rau củ, nguyên liệu. Thật ra thì rất mệt vì tôi làm vị trí quản lý mười mấy năm rồi, công việc chỉ là nêm nếm thôi. Từ ngày 29-7 đến nay, tôi tự tay làm mọi việc, từ sơ chế đến nấu, nướng. Với tôi, vào bếp lúc nào cùng là niềm vui nên dịp này coi như luyện lại "đao pháp", tập luyện cơ bắp", anh Huy hóm hỉnh tâm sự.

"Tôi có nấu được cũng nhờ có gia đình và bạn bè, nhà hảo tâm hỗ trợ. Anh rể tôi dậy sớm, chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà. Vợ và chị vợ tôi chia thức ăn vào hộp theo khẩu phần. Sau đó cháu tôi và anh rể giúp đưa cơm đến hai bệnh viện.

Trịnh Minh Huy

Nhiều người đồng hành

Anh Trịnh Minh Huy nấu cố định 50 phần mỗi hai ngày một lần cho Bệnh viện dã chiến số 10 từ ngày 29-7 đến hết tháng 8-2021. Được các nhà hảo tâm tin tưởng, anh Huy nhận nấu thêm 10 - 30 phần/ngày cho các y bác sĩ tại Bệnh viện Gia Định, Tai mũi họng, Trung tâm Y tế quận 5 (khoa cấp cứu). Tính riêng phần hỗ trợ gửi đến Bệnh viện dã chiến số 10, tổng cộng khoảng 1.800 phần ăn từ số tiền 46.750.000 đồng huy động anh em bạn bè thân quen sau một ngày kêu gọi.

Anh Huy tính mỗi phần ăn chỉ 30.000 đồng để mọi người dễ hình dung và đóng góp nhưng phía sau, gia đình anh bù vào phần còn thiếu và cả các chi phí gas, gia vị, điện nước, bao bì... và giao hàng đến bệnh viện để các y bác sĩ có bữa ăn ngon và no bụng.

Biết các bệnh viện được cung cấp phần ăn từ các bếp khác nhau, anh Huy soạn thực đơn theo tiêu chí dễ ăn, lạ miệng và dễ tiêu hóa nhưng vẫn đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho các y bác sĩ và bệnh nhân bằng chuyên môn của một đầu bếp chuyên nghiệp. Thay vì thường xuyên nấu cơm, anh đổi món với mì Ý, món hầm ăn với bánh mì tự làm, cơm gà Hải Nam, cháo sườn, xúp bắp gà nấm ăn cùng bánh chà bông.

"Tôi có nấu được cũng nhờ có gia đình và bạn bè, nhà hảo tâm hỗ trợ. Anh rể tôi dậy sớm, chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà. Vợ và chị vợ tôi chia thức ăn vào hộp theo khẩu phần. Sau đó cháu tôi và anh rể giúp đưa cơm đến hai bệnh viện", anh Huy chia sẻ.

Cả nhà vào bếp

Ngày nấu ít cũng như ngày nấu nhiều, bốn người lớn trong nhà dậy từ 6h30 để chuẩn bị.

Chẳng hạn ngày 10-8, bếp phục vụ cơm sườn nướng thì chiều hôm trước phải nhận sườn nguyên tảng lớn từ nhà phân phối, chặt nhỏ sườn, ướp gia vị và bảo quản tủ lạnh để sáng hôm sau nấu. Rồi làm nước mắm, đồ chua ăn kèm. Buổi chiều thì tất bật nhận và chuẩn bị nguyên liệu cho hôm sau. Thực đơn ngày 11-8 là món bò lúc lắc nên phải cắt bò, ướp, soạn rau củ như ớt chuông, hành tây...

Từng tung hoành ở không biết bao nhiêu căn bếp công nghiệp với đầy đủ dụng cụ, nay không gian của anh thu gọn lại trong căn bếp gia đình - bếp nhỏ đến nỗi "khi tôi đứng nấu thì không còn chỗ cho ai ra vào".

Các thiết bị cũng rất thiếu. Nồi chiên không dầu nấu 1 bữa cơm cho 6 người trong gia đình thì không sao nhưng cũng chiếc nồi đó nấu cho 80 người thì phải nướng cả buổi sáng.

Mới đây anh Huy được một người bạn bán cơm văn phòng cho mượn một cái nồi cơm điện lớn, nấu một lần đủ cho 30 - 40 phần nên đỡ cực hơn. Trước đó, cả nhà xoay vần với nồi cơm điện gia đình, mỗi lần nấu được khoảng 10 phần cơm nên có khi phải nấu đến 8 lần trong một buổi sáng.

Để cùng chính quyền chống dịch, cả gia đình anh Huy đều ở nhà nhưng không tránh khỏi sự tù túng. Thay vì than thở, cả nhà cùng vào bếp để "vui chân, vui tay" và góp sức cùng anh.

Anh Huy cho biết cũng nhờ nấu ăn cho hai bệnh viện mà anh tập lại cuộc sống điều độ hơn, đi ngủ sớm, thức dậy sớm. Trước đây, có khi 1-2 giờ sáng anh mới ngủ, những dịp cuối tuần nấu tiệc ở nhà hàng nơi anh làm việc thì còn sướng hơn vì được ngủ tới khi nào anh chủ khách sạn ghé qua đón. Hiện nay, tuy nấu không có ngày nghỉ nhưng anh vẫn vui.

Anh Trịnh Minh Huy cùng với hai người mở hai nhà hàng chay nhưng do dịch COVID-19, một nhà hàng phải đóng cửa sau hơn một năm hoạt động. Bếp của nhà hàng cũng từng nấu cơm cho y bác sĩ nhưng vì muốn nấu lâu dài nên anh Huy có kêu gọi bạn bè giúp sức.

Anh Huy yêu bếp và có lúc nấu ăn để quên đi những căng thẳng và nỗi buồn riêng. Ngày 8-8, chú ruột của Huy qua đời, nhưng việc cung cấp bữa ăn của anh không hề gián đoạn.

Tình người nơi tuyến đầu phòng chống dịch: Gian bếp nhỏ nấu ngàn phần ăn - Ảnh 3.
Tình người nơi tuyến đầu phòng chống dịch: Đêm trực COVID đầu tiên Tình người nơi tuyến đầu phòng chống dịch: Đêm trực COVID đầu tiên

TTO - Sau khi chuyển xong những bệnh nhân cuối cùng đến các bệnh viện khác để chạy thận, khoa tái bố trí phòng ốc và chuẩn bị vật tư, thiết bị để sẵn sàng nhận bệnh nhân thận nhân tạo COVID.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp