Theo báo cáo kết quả điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 của Tổng cục Thống kê vừa được công bố cho thấy tại Việt Nam, tình trạng ly hôn là không phổ biến và chiếm tỉ trọng thấp, tuy nhiên có gia tăng so với năm 2019. Năm 2024 tỉ trọng người góa và ly hôn trên toàn quốc tăng khoảng 1,3 điểm phần trăm, tương ứng tăng khoảng 1,3 triệu người.
Theo thống kê, tỉ trọng ly hôn có sự khác biệt theo giới tính, tình trạng "ly hôn" của nữ được tìm thấy luôn cao hơn so với nam cho mọi nhóm tuổi quan sát. Về "ly thân", tình trạng này có tỉ lệ thấp nhất, không phổ biến ở Việt Nam.
Trên phạm vi cả nước, tỉ trọng dân số góa và ly hôn chiếm 9,3% dân số từ 15 tuổi trở lên, trong đó dân số góa chiếm 6,7%; dân số ly hôn chiếm 2,6%.
So sánh giữa khu vực thành thị và nông thôn, tỉ trọng những người từ 15 tuổi trở lên sống trong tình trạng hôn nhân là "độc thân" (chưa vợ/chưa chồng; góa; ly hôn; ly thân) ở khu vực thành thị cao hơn ở khu vực nông thôn, tương ứng là 37,8% và 32,7%.
Theo thống kê, nam giới có tỉ lệ ly hôn cao nhất ở nhóm 40-44 tuổi với 4,2% và nữ 40-49 tuổi chiếm 4,6%.
Thực tế nữ giới thường kết hôn sớm hơn nam giới nhưng khi tuổi càng cao (ngoài độ tuổi 45) thì khả năng kết hôn/tái hôn của họ lại bị hạn chế hơn so với nam giới. Ở độ tuổi dưới 45, tỉ trọng nữ giới "chưa từng kết hôn" luôn thấp hơn nam giới, đồng nghĩa với tỉ trọng nữ giới "đã từng kết hôn" cao hơn so với nam giới.
Ví dụ, ở nhóm tuổi 20-24 tỉ trọng nữ đã từng kết hôn cao hơn gấp 2,5 lần tỉ trọng nam đã kết hôn (31,0% so với 12,6%). Tuy nhiên, từ độ tuổi 45 trở lên hôn nhân của nam phổ biến hơn, thể hiện qua tỉ trọng nam kết hôn tăng cao hơn và tỉ trọng sống độc thân (chưa vợ/ly hôn/ly thân) thấp hơn khá nhiều so với nữ.
Ở nhóm tuổi 45-49, tỉ trọng nam sống độc thân chỉ chiếm 8,4% trong khi tỉ trọng nữ sống độc thân là 9,6%.
Theo thống kê cả nước có khoảng 2.225.000 người ly hôn/ly thân, trong đó hơn 963.000 nam và 1.262.000 nữ.
Tình trạng ly hôn/ly thân ở vùng Đông Nam Bộ cao nhất với gần 560.000 người. Thấp nhất là Tây Nguyên với gần 115.000 người.
Tỉnh có số người ly hôn/ly thân cao nhất là TP.HCM với 263.000 người. Đứng sau là Hà Nội 146.444 người. Đây cũng là hai thành phố lớn đông dân cư nhất cả nước.
Tiếp đến là các tỉnh/thành phố cũng có người ly hôn/ly thân cao như: Bình Dương (91.000 người); Đồng Nai (82.000 người); Tiền Giang (65.000 người); Thanh Hóa (57.000 người); Tây Ninh (55.000 người); Hải Phòng (52.000 người); Nghệ An (45.000 người).
Tỉnh Bắc Kạn có số ly hôn/ly thân thấp nhất là 6.417 người. Đứng sau là Cao Bằng với hơn 7.300 người ly hôn/ly thân.
Tỉ lệ ly hôn/ly thân cũng chênh lệch rõ ở vùng nông thôn và thành thị. Trong khi nông thôn có 1.263.000 người ly hôn/ly thân (nam là 592.000 người và nữ là hơn 671.000 người) thì ly hôn ở thành thị ít hơn với 962.000 người (trong đó nam là 371.000 người và nữ là 590.000 người).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận