30/10/2016 11:58 GMT+7

Tình mẹ và tình người nơi bệnh viện

TRẦN MINH HỢP
TRẦN MINH HỢP

TTO - “Mẹ đi thành phố, Bệnh viện Hòa Hảo, mẹ bị bệnh nặng. Sáng Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Tìm bệnh. Tìm bệnh. Tìm bệnh. Không ra bệnh. Xét nghiệm máu, đàm hai lần. Nội soi phổi. Lấy sinh thiết. Cho mẹ về nhà nghỉ một tuần. Sau đó mẹ chuẩn bị phẫu thuật “mổ u phổi”.

Tình mẹ - Ảnh minh họa


“Mẹ mổ 9g sáng ngày 16-6-2016” - Út trong quê gửi Zalo bức ảnh chụp những lời má viết kể lại quãng thời gian trị bệnh dài và cực nhất từ trước đến giờ.

Dòng chữ quen thuộc làm tôi nhớ lại cuộc tìm bệnh, tìm nguyên nhân cái u trong phổi trái của má. Mấy má con cứ lang thang suốt ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch mấy ngày liền, từ thử máu, thử đàm, X-quang, rồi tới nội soi khí quản...

Mỗi công đoạn đều mong có kết quả rõ ràng để kết thúc sớm chặng đường xét nghiệm cho má bớt mệt và mong sẽ là bệnh nhẹ. Tiến xa hơn một bước tìm bệnh là một bước tiến triển nặng trong lá phổi của má.

Những ngày lo lắng, mệt mỏi khi dãi sức, rong ruổi bệnh viện và không biết lá phổi của má có phải bị ung thư không, tôi ám ảnh cảnh ngồi dưới gốc cây khu khạc đàm, nhìn dáng má ốm yếu ráng ịn tay mạnh vào cổ để ho khạc từng giọt đàm xét nghiệm.

Rồi nhìn cảnh những lá phổi đang đau bệnh, những cơn ho khò khè khắp bệnh viện, thấy đời người càng nhỏ bé, đối chọi với lằn ranh yếu ớt của sinh mệnh. Thấp thỏm và đợi chờ. Một cục u lành là giấc mơ từng giờ phút bấy giờ...

Liệu trình xét nghiệm hôm ấy đã tới lúc buộc má phải nội soi phế quản vì thử đàm và máu đều âm tính bệnh lao. Nghĩ tới cảnh một ống nội soi được đút vào lỗ mũi của má mà sao thấy cứa đau thịt da mình. Sao má chịu nổi đây?

Đã gần trưa và gần hết số bệnh nhân được nội soi ca sáng. Má lả người vì nhịn đói. Người nhận bệnh là một nam điều dưỡng trẻ tên Hoàng, tướng nhỏ, lanh lẹ. Từ khi sáng, ngồi ở hàng ghế đợi, được nghe giọng Hoàng ai cũng bớt nhiều căng thẳng.

Chất giọng Nam pha Bắc rõ trong, thân thiện ra tiếp bệnh nhân. Trong tiếng nói có sự thanh thản như âm thanh tiếng cười, tỏa ra những điều dễ chịu nơi bệnh viện nhọc nhằn.

Hoàng dõng dạc giọng rồi tay nhẹ nhàng mời dắt bệnh nhân, vui vẻ xin (chứ không phải đòi) những hồ sơ xét nghiệm, phim X-quang mà mỗi người cầm lỉnh kỉnh trên tay.

Lúc nội soi xong, Hoàng lại lễ phép mời người nhà lại, nói sơ kết quả, chỉ dẫn những thủ tục lấy lại tiền đặt cọc, nộp kết quả về khoa khám bệnh và hẹn ngày tái khám. Cuối cùng, Hoàng chào để đi vào trong.

Tôi an tâm, vơi nhẹ đi nhiều những lo lắng khi tới phiên má vì tin có một bàn tay khác, hơi ấm khác đang chăm sóc má, xoa dịu những cơn đau từ ca nội soi đau đớn.

Có lẽ, nơi phòng nội soi này, tôi và má không phải chịu cảnh ngán ngẩm chờ đợi, cảnh cuống quýt với những hối thúc của bác sĩ, những câu hỏi vội vàng về bệnh tình.

Cánh cửa mở ra, má ngồi lặng lẽ đó, bình an, không than đau nhiều, Hoàng đã gọi sẵn chị hộ lý để đẩy má lên phòng nằm nghỉ.

Trước khi về, Hoàng còn chọc vui: “Cô còn muốn nội soi lần nữa đó!”. Má kể Hoàng hay nói chuyện, hỏi han, thậm chí chọc cười bệnh nhân để mọi người vui vẻ, tạm thời rứt suy nghĩ ra khỏi cơn đau thấu nơi thành mũi mỏng manh khi nội soi. Có lẽ là một thủ thuật nghề nghiệp nhưng chắc phải có cái tình mong mỏi cơn đau đi qua cho bệnh nhân...

Chút hơi ấm y đức của người điều dưỡng trẻ ấy như một liều thuốc bình yên, một bài học làm nghề và làm người khi chính mình còn ầm ĩ, cáu giận vì những vụn vặt.

TRẦN MINH HỢP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp