Phóng to |
Hoàng Trinh (vai bà Tư) và hai con - Hiếu (Thanh Trung), Thảo (Vy Vân) trong vở Bông hồng cài áo- Ảnh: T.T.D. |
Vở dự kiến ra mắt khán giả vào ngày 4-8 và những suất diễn đầu tiên đã bán gần hết vé.
NSND Kim Cương vốn nổi tiếng là người khó tính trong lĩnh vực của bà: viết kịch bản, dựng vở và diễn xuất trên sân khấu. Một khi đã quyết định rời xa sân khấu vì nhận thấy mình không còn đủ sức khỏe và thanh sắc, thì bà cũng quyết định từ chối thẳng rất nhiều lời đề nghị được dàn dựng lại những tác phẩm ăn khách của kịch Kim Cương.
Bà thấy ngại người ta sẽ không làm đúng tinh thần mà bà và NSND Bảy Nam đã dành bao nhiêu tâm huyết, cũng thấy sợ những tác phẩm của mình sẽ bị biến tướng trong thời buổi khán giả chỉ thích cười.
Bởi vậy những lời đề nghị tái dựng cứ thế rơi vào khoảng lặng suốt hơn 15 năm qua, trở thành niềm mơ ước nghề nghiệp của nhiều đạo diễn trẻ và hoài niệm xa xưa của nhiều khán giả.
Chọn mặt gửi... mẹ
Mãi đến tháng 8 năm ngoái nhân sự kiện được phong tặng danh hiệu NSND, Kim Cương đã thực hiện chương trình Tạ ơn đời để tri ân khán giả và nói lời chào từ biệt sân khấu.
Bà mời đạo diễn Vũ Minh và NSƯT Thành Lộc giúp dàn dựng lại những trích đoạn nổi tiếng như Lá sầu riêng, Trà hoa nữ trong lần cuối cùng mình đứng trên sân khấu.
Tạ ơn đời đã khép lại trong những tràng pháo tay và những giọt nước mắt của khán giả, đồng thời đã mở ra một niềm tin nồng ấm của Kim Cương dành cho êkip trẻ của Vũ Minh, Thành Lộc. Vậy nên bà đã đồng ý giao cho đạo diễn Vũ Minh "mở đường" trong việc dàn dựng lại những tác phẩm kinh điển của kịch Kim Cương, trừ hai kịch bản Lá sầu riêng và Dưới hai màu áo vì đó là kỷ niệm sâu sắc của bà và mẹ.
Vũ Minh chọn kịch bản Bông hồng cài áo để làm, lúc đầu là để dựng vở tốt nghiệp cho những học trò của mình ở khoa diễn viên khóa 35 của Trường Sân khấu - điện ảnh TP.HCM, rồi cách đây ba tuần thì đưa về sàn tập của sân khấu Idecaf để dựng lại ra mắt khán giả.
Phần lớn tác phẩm làm nên tên tuổi của sân khấu Kim Cương đều có đề tài về người mẹ. Văn học kịch Kim Cương cũng được thể hiện rõ nét qua những đối thoại, độc thoại về tình mẫu tử, tạo nên một dòng chảy đôn hậu và riêng biệt.
Cũng đã có hẳn một cuốn sách với tên Mẹ trên sân khấu Kim Cương được xuất bản từ năm ngoái, tập hợp những kịch bản hay của bà về đề tài này. Vậy nên khi Kim Cương quyết định giao quyền dàn dựng cho đạo diễn trẻ, cũng đồng nghĩa việc bà đang gửi gắm những người mẹ của mình vào người khác, nhờ họ chăm sóc và phụng dưỡng.
Việc gửi gắm này đã làm bà suy nghĩ và trăn trở nhiều, rằng "liệu mình có nên túc trực thường xuyên ở đó để xem người ta làm gì với "mẹ" của mình không". Nhưng rồi bà vẫn quyết định tin tưởng hoàn toàn và còn bảo: "Mấy hổm rày tôi cũng không lên xem tập đâu, để vài bữa ra diễn rồi đi xem luôn. Tôi nghĩ các bạn trẻ này sẽ làm hay hơn tôi đó!".
Bông hồng vẫn đỏ thắm
Bản dựng mới của Bông hồng cài áo vẫn bám sát kịch bản gốc về toàn bộ nhân vật, đường dây, tình tiết, lời thoại... Có cảm giác đạo diễn Vũ Minh đã phải "đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên" khi dựng lại vở kịch này, bởi anh đang đứng giữa ranh giới mong manh của việc làm sống lại hoặc... phá hoại một kịch bản đã có đời sống lâu bền.
Tiết tấu là điều anh đã thay đổi để đẩy nhanh vở kịch, giảm bớt chất sướt mướt của ngày xưa, dù rõ ràng nếu đúng kịch Kim Cương thì phải mêlô hơn. Một vài chi tiết hài hước được nhấn đậm để tạo tiếng cười. Một số tình huống được dàn dựng hiện đại để phù hợp với cuộc sống hôm nay. Cảnh trí cũng được tinh giản gọn gàng và mang tính cách điệu chứ không tả thực như xưa.
Vũ Minh cho rằng điều thuận lợi cho mình chính là kịch bản này dù được ra đời gần 30 năm trước, nhưng những câu chuyện về công lao trời biển của cha mẹ và sự hiếu hạnh của con trẻ thì lúc nào cũng thời sự và không có ai là ngoài cuộc. Vậy nên khi dàn dựng, những hơi thở từ cuộc sống hiện đại cứ thế mà tự nhiên lắp đầy vào một câu chuyện tưởng đã quá quen thuộc của bao nhiêu năm trước.
Bông hồng cài áo phiên bản mới có thể sẽ không lấy được nhiều nước mắt như bản dựng nguyên gốc, nhưng vẫn có một sự bảo đảm rằng đó sẽ là một vở kịch tử tế và đáng xem trong mùa Vu lan năm nay. Hình ảnh người mẹ bán chè tần tảo lặng lẽ nhìn con nơi lầu cao và người mẹ đau khổ sống trong trại tâm thần vì mất con là hai biểu tượng điển hình cho những bông hồng thắm đỏ trên ngực áo. Một sự hòa quyện thẳm sâu giữa đạo và đời mà kịch Kim Cương đã dung dị tạo nên từ bao năm trước, nay được kéo dài qua những tiếp nối mới mẻ.
Bản lĩnh và áp lực Về mặt diễn xuất, nếu như Bông hồng cài áo bản gốc với sự tham gia của NSND Bảy Nam, NSND Kim Cương, Thương Tín, Nguyên Hạnh, Ngọc Ðiệp... gây ấn tượng bởi lối diễn chân thật, dung dị mà sâu lắng đúng với phong cách kịch nói Nam bộ lúc đó, thì dàn diễn viên trẻ của Bông hồng cài áo lần này có thể sẽ khiến người xem hơi hụt hẫng nếu không có một dàn bao nhiều tên tuổi như NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu, Hoàng Trinh, Phương Dung, Ðức Thịnh... NSƯT Thành Lộc vào vai người cha dượng dấm dẳng nhưng tội nghiệp. Khả năng diễn xuất của Thành Lộc vẫn luôn là điểm sáng của bất kỳ vở kịch nào anh tham gia. NSƯT Hữu Châu trong vai người cha của Bình hám tiền và hợm hĩnh. 28 năm trước Hữu Châu từng được tham gia một vai quần chúng không có tên, không có thoại trong vở Bông hồng cài áo của đoàn Kim Cương, nên giờ được đóng một vai đàng hoàng anh thấy vui và nhớ lắm. Ðặc biệt, nghệ sĩ Hoàng Trinh đảm nhiệm vai bà Tư bán chè với rất nhiều áp lực bởi lần đầu tiên được đóng vai người mẹ trong kịch của Kim Cương, cũng là vai mà NSND Kim Cương đã đóng dấu tên tuổi. Các diễn viên trẻ vừa tốt nghiệp như Vy Vân, Thành Trung, Quỳnh Trâm, Ngọc Xuyên, Hồng Ân đã nỗ lực hết mình dưới sự hướng dẫn và phân tích tâm lý nhân vật kỹ càng của đạo diễn và các anh chị diễn viên lớn, dù biết còn khá lâu nữa với bao nhiêu trải nghiệm nữa các bạn trẻ này mới thật sự diễn được bằng nội tâm sâu sắc chứ không chỉ đơn thuần là những kỹ thuật hay ngoại hình. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận