13/01/2009 07:30 GMT+7

Tinh hoàn ẩn: nên mổ sớm khi trẻ được một tuổi

Bác sĩ CKI  PHẠM NAM VIỆT
Bác sĩ CKI  PHẠM NAM VIỆT

TTO - Tôi có một bé trai 5 tuổi. Từ lúc mới sinh cháu chỉ có một tinh hoàn trong bìu. Tôi có cho cháu đi khám và siêu âm, bác sĩ nói cháu bị một tinh hoàn ẩn còn nằm ở trong bụng, khi cháu lớn lên phải mổ.

1jO7pX5c.jpgPhóng to
Các vị trí của tinh hoàn ẩn và lạc chỗ
TTO - Tôi có một bé trai 5 tuổi. Từ lúc mới sinh cháu chỉ có một tinh hoàn trong bìu. Tôi có cho cháu đi khám và siêu âm, bác sĩ nói cháu bị một tinh hoàn ẩn còn nằm ở trong bụng, khi cháu lớn lên phải mổ.

Hiện giờ dù đã 5 tuổi nhưng cháu rất gầy, sờ ở bìu thì cũng chỉ có một tinh hoàn như lúc mới sinh. Tôi muốn chờ cháu lớn thêm khỏe mạnh hơn nữa rồi mới đi mổ. Bác sĩ cho hỏi khoảng mấy tuổi là mổ tốt nhất? Có thể dùng thuốc gì mà không phải mổ không? Có thể cứ để vậy không cần mổ được không?

Trần Thị Thu Nga (Đà Lạt)

- Trả lời của Phòng mạch Online:

Chào chị,

Tinh hoàn là cơ quan rất quan trọng đối với nam giới. Tinh hoàn là cơ quan nội tiết, tiết ra nội tiết tố sinh dục nam (testosterone) giúp hình thành, phát triển và duy trì các đặc tính nam giới. Tinh hoàn còn là cơ quan sản xuất ra tinh trùng giúp duy trì nòi giống. Có thể nói tinh hoàn chính là “bửu bối” của nam giới.

Tinh hoàn ẩn không phải chỉ là một bất thường về mặt phẫu thuật (tinh hoàn nằm ẩn ở vị trí khác không xuống bìu) mà nó có thể gây ra nhiều rối loạn về nội tiết, tâm sinh lý. Có thể bị biến chứng xoắn hoặc gây ung thư và vô sinh!

Nhiều cha mẹ cũng có suy nghĩ chưa đúng như chị. Ngoài ra, một số bé trai bị tinh hoàn ẩn mà cha mẹ không quan tâm nên không biết. Một số gia đình vì lý do kinh tế, quá bận rộn với cuộc mưu sinh mà sau đó quên luôn là con trai mình bị tinh hoàn ẩn, để rồi sau đó khi xảy ra biến chứng, hoặc khi người con trai lớn lên tự biết bệnh đi chữa thì đã muộn.

Đối với bé trai bị tinh hoàn ẩn, có những điều cần lưu ý mà chúng tôi nêu ra dưới đây, trong đó trả lời những ý của chị hỏi.

1. Nên mổ khi trẻ được một tuổi

Điều rất quan trọng cần ghi nhớ đó là độ tuổi lý tưởng nên mổ cho bé trai bị tinh hoàn ẩn là một tuổi. Mổ để đưa tinh hoàn xuống nằm ở bìu và cố định ở đó. Nhiều bậc cha mẹ cũng suy nghĩ như chị là cần chờ cho bé lớn hơn nữa, đủ khỏe mạnh rồi mới đưa đến bệnh viện để mổ, điều này hoàn toàn sai lầm.

Cháu bé của chị đã 5 tuổi là đã tương đối trễ, chị không nên chờ đợi nữa mà nên cho cháu đi khám và mổ càng sớm càng tốt.

Những trường hợp bé trai có tinh hoàn ẩn kèm với thoát vị bẹn thì cần mổ sớm hơn nữa chứ không chờ tới một tuổi.

2. Tinh hoàn ẩn là gì?

Ở các bé trai lúc còn nằm trong bụng mẹ (thai nhi), tinh hoàn còn nằm trong ổ bụng của bé. Qua quá trình phát triển lớn dần của thai nhi, tinh hoàn di chuyển dần xuống và nằm ở bìu. Khi sinh ra, bình thường bé trai có đủ hai tinh hoàn trong bìu. Tinh hoàn ẩn là tinh hoàn nằm trên đường đi của nó (bụng, ống bẹn) mà không xuống ở bìu, vì vậy không sờ thấy tinh hoàn trong bìu. Bé trai sau sinh cần được kiểm tra có đủ hai tinh hoàn trong bìu không.

Tinh hoàn ẩn gặp trong khoảng 30% trường hợp sinh non và khoảng 3% ở trẻ sinh đủ tháng. Tinh hoàn ẩn có thể sờ chạm được nếu nằm ở bẹn, những trường hợp nằm ở trong bụng thì không sờ chạm được.

3. Tinh hoàn ẩn đi kèm với nguy cơ xoắn tinh hoàn, ung thư tinh hoàn và vô sinh

Tinh hoàn muốn hoạt động bình thường thì phải nằm ở bìu, nơi có nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ cơ thể khoảng 1-2 độ C. Tinh hoàn ẩn không nằm trong bìu mà nằm ở trong bụng hoặc bẹn, không phát triển bình thường được, mất dần chức năng và teo đi. Tinh hoàn ẩn có thể có những biến chứng sau:

+ Xoắn tinh hoàn: tinh hoàn có nguy cơ bị xoắn cao hơn gấp nhiều lần tinh hoàn bình thường. Một bệnh nhân có tinh hoàn ẩn bị đau bụng cần nghĩ tới xoắn tinh hoàn.

+ Hóa ác (biến thành ung thư): nguy cơ hóa ác của tinh hoàn ẩn gấp 40 lần tinh hoàn bình thường.

+ Vô sinh: Tinh hoàn ẩn bị teo đi, mất dần các tế bào mầm sinh tinh. Ở người bị tinh hoàn ẩn 2 bên nếu không điều trị thì rất khó có con. Trường hợp tinh hoàn ẩn một bên không điều tri, tinh hoàn bên đối diện cũng bị ảnh hưởng tới 40% khả năng sinh tinh.

4. Vì sao nên mổ sớm khi trẻ được một tuổi?

Có hai lý do chính để nên mổ khi trẻ được một tuổi mà không nên để trễ hơn:

+ Ở những trẻ có tinh hoàn ẩn, trước một tuổi, hai phần ba các trường hợp tinh hoàn có thể tự di chuyển dần xuống bìu ở những tháng đầu sau sinh. Đến khi trẻ được một tuổi, tỉ lệ trẻ trai bị tinh hoàn ẩn giảm từ 3% xuống còn 1%. Sau một tuổi, khả năng tinh hoàn ẩn di chuyển xuống bìu rất ít, gần như không đáng kể nên tỉ lệ tinh hoàn ẩn ở trẻ một tuổi tương đương người lớn là 1%. Như vậy, trước một tuổi còn có khả năng tinh hoàn ẩn di chuyển tự nhiên xuống bìu nên có thể chờ đợi mà chưa cần mổ. Nhưng sau một tuổi khả năng tinh hoàn ẩn tự đi xuống bìu không còn nữa.

+ Trước một tuổi, tinh hoàn ẩn chưa bị ảnh hưởng gì đáng kể. Nhưng sau một tuổi, tinh hoàn ẩn bắt đầu có sự thay đổi về cấu trúc và chức năng theo hướng xấu đi, bắt đầu teo đi và xuất hiện các biến chứng như đã nêu ở trên.

Vì vậy, để giữ được tinh hoàn cho trẻ, tránh các biến chứng xảy ra cho tinh hoàn ẩn và tinh hoàn đối bên, không nên chờ đợi thêm nữa mà cần mổ cho trẻ khi trẻ được một tuổi.

5. Có thể điều trị bằng thuốc?

Ở trẻ dưới một tuổi bị tinh hoàn ẩn có thể thử điều trị bằng tiêm thuốc nội tiết HCG, kích thích cho tinh hoàn ẩn đi xuống bìu. Hiệu quả của thuốc khoảng 20%. Thuốc không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp trường hợp tinh hoàn ẩn ở cao trong bụng. Sau một tuổi, hiệu quả của thuốc thấp và nguy cơ tinh hoàn bị ảnh hưởng xấu cao.

Ở trẻ bị tinh hoàn ẩn đến khám muộn sau một tuổi, nhưng chưa tới tuổi dậy thì phẫu thuật đưa tinh hoàn xuống cố định ở bìu, nhưng thường là tinh hoàn đã bị ảnh hưởng ít nhiều rồi, sau phẫu thuật cần theo dõi sự phát triển của tinh hoàn.

Đối với những trường hợp tinh hoàn ẩn để muộn tới sau tuổi dậy thì, thường gặp là tinh hoàn teo nhỏ, nằm cao trong bụng, nên cắt tinh hoàn vì tinh hoàn đã mất chức năng và để ngừa nguy cơ hóa ác, sau đó đặt tinh hoàn nhân tạo. Nếu tinh hoàn còn tương đối lớn và thấp ở bẹn, gần bìu, có thể giữ lại tinh hoàn bằng phẫu thuật đưa tinh hoàn xuống bìu, tuy nhiên sau đó cần theo dõi kỹ vì nguy cơ ung thư hóa.

Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Phòng mạch Online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến địa chỉ email: [email protected].

Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode). Chân thành cảm ơn.

B.CHÂU thực hiện

Bác sĩ CKI  PHẠM NAM VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp