Ông nói: “Các số liệu thống kê cho thấy tình hình kinh tế - xã hội nước ta tương đối tốt. Các mục tiêu của kinh tế - xã hội trong thời kỳ khủng hoảng là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng ở mức hợp lý”.
Theo vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp Phạm Đình Thúy, trong sáu tháng đầu năm, tăng trưởng công nghiệp vẫn đạt 5,2%, tuy thấp so với nhiều năm gần đây nhưng vẫn là khá tốt vì kinh tế thế giới và VN vẫn khủng hoảng, suy giảm và chưa có dấu hiệu phục hồi rõ rệt. Một số yếu tố tích cực là số doanh nghiệp đăng ký mới tăng và FDI cũng tăng 16% so với cùng kỳ sau một thời gian dài giảm từ năm 2008-2012. Mức tồn kho giảm mạnh xuống dưới hai con số (từ 21,5% vào tháng 1-2013 xuống 9,7% tháng 6-2013), nhưng vẫn cao hơn chỉ số sản xuất.
Vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia Hà Quang Tuyến cho rằng để đạt tốc độ tăng trưởng 5,5% của cả năm thì sáu tháng cuối năm GDP phải đạt xấp xỉ 6%. Theo ông, mức này khó đạt bởi sản xuất kinh doanh vẫn khó khăn, nhiều doanh nghiệp tiếp tục phá sản, tồn kho có giảm nhưng còn cao.
Một trong các tín hiệu tốt của điều hành kinh tế vĩ mô là trong sáu tháng đầu năm, lạm phát tương đối ổn định. Theo ông Tuyến, các yếu tố có thể tác động đến lạm phát đều được cải thiện. Vụ trưởng Vụ Giá Nguyễn Đức Thắng cho rằng các yếu tố có thể ảnh hưởng đến lạm phát từ nay đến cuối năm gồm viện phí, học phí, giá điện... Cụ thể, nếu Hà Nội và TP.HCM tăng viện phí trong năm nay thì sẽ góp 0,7% vào chỉ số giá. Ông Thắng cho biết học phí trường phổ thông công lập ở TP.HCM - sau một thời gian dài giữ mức rất thấp - sẽ tăng gấp 5-6 lần vào đầu năm học mới (tháng 9-2013).
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 6-2013, có 36.000 hộ thiếu đói, tăng hơn 1/5 so với cùng kỳ năm trước, tương đương 153.000 nhân khẩu thiếu đói; tai nạn giao thông 912 vụ, chết 775 người (đều tăng so với cùng kỳ 2012). Tỉ lệ thất nghiệp 2,28%, trong đó thành thị là 3,85% và nông thôn là 1,57%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận