02/11/2024 11:33 GMT+7

Tinh gọn bộ máy thế nào?

Tinh gọn bộ máy tiếp tục là "từ khóa" được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh tại diễn đàn Quốc hội.

Tinh gọn bộ máy thế nào? - Ảnh 1.

Công chức TP Thủ Đức sau khi sáp nhập từ các quận 2, 9 và Thủ Đức - Ảnh: TỰ TRUNG

Cách đặt vấn đề của người đứng đầu Đảng về tinh gọn bộ máy, giảm biên chế, giảm chi tiêu thường xuyên để dành nguồn lực đầu tư phát triển là hoàn toàn chính xác.

Vì sao trong nhiều năm, cải cách bộ máy, giảm biên chế, tiết kiệm chi thường xuyên luôn là ưu tiên cao nhưng thực hiện vẫn chưa hiệu quả?

Cần nhận thức đúng rằng "biên chế" - tức vị trí công việc - chỉ là hệ quả của tổ chức bộ máy. Biên chế giảm hay tăng phụ thuộc chức năng và tổ chức bộ máy, tổ chức công việc.

Gốc rễ của vấn đề, do đó, là chức năng của Nhà nước nói chung, chức năng cụ thể của từng tổ chức nhà nước nói riêng.

Xác định đúng chức năng và tổ chức bộ máy hợp lý tự khắc sẽ có vị trí con người - có số lượng biên chế hợp lý. Phải xác định lại: Nhà nước làm gì, thị trường làm gì, các tổ chức xã hội làm gì. Xác định đúng chức năng, từ đó mới đi vào bộ máy.

Đồng thời hãy xác lập nguyên tắc: cái gì thị trường làm tốt, hiệu quả thì để thị trường làm, Nhà nước chỉ can thiệp khi thị trường thất bại. Các tổ chức xã hội cũng đã phát triển và trưởng thành nhiều mặt, các tổ chức xã hội đã làm tốt cái gì thì Nhà nước không làm nữa.

Hệ thống bộ máy nhà nước hiện nay đang được tổ chức với ba khu vực chính: khu vực hành chính, khu vực sự nghiệp công, khu vực đoàn thể.

Cần xác định chức năng cụ thể của từng khu vực để thiết kế từng chiến lược cụ thể. Khi đi sâu vào từng khu vực rồi mới có thể đặt mục tiêu là khu vực nào cắt bao nhiêu biên chế, chứ không áp dụng một chỉ tiêu chung như hiện nay.

Giao dịch hành chính giữa Nhà nước với người dân, doanh nghiệp tăng lên theo quy mô dân số, theo mức độ phức tạp của nền kinh tế, vì vậy sẽ có nơi cần tăng (dĩ nhiên là tăng đi kèm với chuyên nghiệp, hiện đại hóa) chứ không phải là giảm đều ở mọi cơ quan.

Việc tinh gọn biên chế gắn với thay đổi chức năng nên bắt đầu với khu vực dễ nhất trước: khu vực dịch vụ công. Giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học là ba nhóm dịch vụ lớn nhất trong khu vực này. Hiện nay kinh tế tư nhân đã đảm đương được một phần khá lớn các dịch vụ đó.

Hãy sử dụng ngân sách một cách thông minh, áp dụng cơ chế thị trường để tư nhân tham gia cạnh tranh các gói thầu "dịch vụ công ích" do Nhà nước làm "chủ đầu tư".

Như vậy, mục tiêu công bằng xã hội vẫn đạt được mà chất lượng, hiệu quả kinh tế sẽ nâng cao. Tiến trình này sẽ sàng lọc, khiến các đơn vị dịch vụ công thay đổi: đơn vị nào không cạnh tranh được hãy quyết liệt giải thể, chấp nhận đau một lần chứ không làm từng bước nửa vời - "tự chủ", "tự chủ từng bước" như hiện nay.

Với các tổ chức đoàn thể, ngoại trừ cơ quan Đảng và sáu tổ chức chính trị - xã hội cần duy trì ngân sách bao cấp, cũng cần "cắt sữa" ngân sách các tổ chức còn lại. Hãy trả một số hội về đời sống dân sự để nó cạnh tranh với các tổ chức xã hội khác và tự huy động nguồn lực từ xã hội.

Và cuối cùng, cái được lớn nhất của cải cách không đơn thuần là tiết kiệm biên chế và chi thường xuyên cho con người.

Cái được lớn hơn là chất lượng quản trị và điều hành quốc gia, chất lượng hoạch định và thực thi chính sách - những yếu tố chỉ có thể có được khi có triết lý quản trị quốc gia và tổ chức bộ máy tốt, đi cùng là đội ngũ công chức thực sự tinh hoa.

Có như vậy, tầm nhìn và khát vọng "vươn mình" mới có thể được hiện thực hóa.

Tinh gọn bộ máy thế nào? - Ảnh 1.Tổng Bí thư Tô Lâm: Rất bức xúc, một tờ giấy khai sinh thôi cũng phải 5-6 cơ quan tham gia

Nhắc lại chuyện bộ máy nặng nề, một việc nhiều người làm, không ai chịu trách nhiệm chính, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu phải rất rành mạch những chuyện như vậy vì chính quyền phục vụ nhân dân.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp