
Bộ máy thanh tra sẽ được tinh gọn còn hai cấp: trung ương và địa phương. Trong ảnh: trụ sở Thanh tra Chính phủ tại Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
Cùng với đó, tại dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi, Thanh tra Chính phủ đề xuất lược bỏ hoàn toàn nhiều quy định về thanh tra các cấp; lược bỏ hoàn toàn các quy định về người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, trình tự và thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành, tổ chức và hoạt động thanh tra nội bộ...
Sẽ giảm 696 thanh tra huyện, cả ngàn thanh tra sở, bộ...
Theo đó, tại kết luận 134, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đồng ý sẽ kết thúc hoạt động của thanh tra các bộ để sắp xếp, tổ chức lại thành các cục thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo lĩnh vực thuộc Thanh tra Chính phủ.
Riêng Thanh tra Bộ Quốc phòng, Thanh tra Bộ Công an, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Cơ yếu, Thanh tra Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Thanh tra Cục Hàng hải Việt Nam, Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán nhà nước tiếp tục duy trì tổ chức và hoạt động.
Cục Bổ trợ tư pháp, Kho bạc Nhà nước, Cục Dự trữ nhà nước, Cục Thống kê kết thúc hoạt động của cơ quan thanh tra; không thành lập cơ quan thanh tra Cục Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên.
Các cục trên thực hiện chức năng kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật. Với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, kết luận nêu rõ không tổ chức thanh tra chuyên ngành, mà thực hiện chức năng kiểm tra chuyên ngành và chức năng khác theo quy định của pháp luật.
Ở địa phương sẽ kết thúc hoạt động của thanh tra huyện, thanh tra sở và tổ chức lại thành các tổ chức thuộc thanh tra tỉnh. Đảng bộ thanh tra tỉnh là đảng bộ cơ sở trực thuộc Đảng ủy UBND tỉnh, thành phố. Cũng theo kết luận, sau khi sắp xếp, các cơ quan không còn tổ chức thanh tra thì thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm tra trong phạm vi quản lý nhà nước.

Trụ sở tiếp công dân trung ương (Thanh tra Chính phủ) tại TP.HCM - Ảnh: THANH HIỆP
Hoàn thiện khái niệm "thanh tra"
Còn tại dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi, Thanh tra Chính phủ đề xuất lược bỏ hoàn toàn nhiều quy định về thanh tra các cấp; lược bỏ hoàn toàn các quy định về người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, trình tự và thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành, tổ chức và hoạt động thanh tra nội bộ...
Thanh tra Chính phủ cũng đề xuất hoàn thiện quy định về các cơ quan thanh tra. Cụ thể, đề xuất gồm: Thanh tra Chính phủ; Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Cơ quan thanh tra trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thanh tra Cơ yếu; cơ quan thanh tra được thành lập theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (Thanh tra Cục An toàn bức xạ và hạt nhân; Thanh tra Cục Hàng hải Việt Nam; Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam; Thanh tra Ủy ban Chứng khoán nhà nước).
Dự luật cũng sửa đổi, hoàn thiện khái niệm "thanh tra" theo hướng không phân biệt thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành mà chỉ là thanh tra. Phân định rõ hoạt động thanh tra với kiểm tra chuyên ngành về chủ thể, phạm vi, đối tượng, quy trình, trình tự, thủ tục.
Đáng chú ý, dự luật không quy định về thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.
Theo đó, dự luật quy định: "Thanh tra là hoạt động xem xét, đánh giá, kết luận, kiến nghị xử lý của cơ quan thanh tra đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định".
Ngoài ra, dự thảo bổ sung nhiệm vụ cho các cơ quan thanh tra trong công tác phòng chống lãng phí: Các cơ quan thanh tra thực hiện nhiệm vụ phòng chống lãng phí theo quy định của pháp luật. Đồng thời quy định bổ sung mục đích hoạt động của các cơ quan thanh tra "góp phần kiểm soát quyền lực".
Về phân cấp phân quyền, dự thảo luật nêu rõ, phân cấp cho Thanh tra Chính phủ và thanh tra tỉnh chủ động trong việc thanh tra công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp sau khi báo cáo thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp.
Hiện nay, Thanh tra Chính phủ và thanh tra tỉnh chỉ thực hiện khi được thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp giao, làm mất đi tính chủ động của công tác thanh tra. Phân cấp cho chánh thanh tra tỉnh ban hành kế hoạch thanh tra sau khi chủ UBND tỉnh đồng ý về chủ trương.
Chính phủ quy định về việc quản lý, sử dụng kinh phí trích cho cơ quan thanh tra và chế độ đối với người làm việc trong cơ quan thanh tra; trang phục, chế độ cấp trang phục thanh tra cho thanh tra viên.
Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành quy định về hoạt động kiểm tra trong ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của mình trong trường hợp chưa được luật chuyên ngành và Chính phủ quy định.

Trụ sở Thanh tra Sở Giao thông công chánh TP.HCM nằm trên đường Lê Hồng Phong, quận 5 - Ảnh: T.T.D.
Sẽ hạn chế chồng chéo, "thanh tra hóa"
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Đinh Văn Minh, nguyên vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ), cho rằng kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả là một sự thay đổi rất lớn.
Kết luận này thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong tổ chức và hoạt động thanh tra đã kéo dài từ nhiều năm nay.
Sau khi được sắp xếp, tổ chức lại, bộ máy cơ quan thanh tra sẽ tinh gọn hơn rất nhiều, hạn chế tình trạng chồng chéo, trùng lặp gây lãng phí nguồn lực, ngân sách nhà nước và gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Nhưng không vì thế mà bỏ sót chức năng, nhiệm vụ của hoạt động thanh tra, kiểm tra.

Trụ sở Thanh tra quận Phú Nhuận nằm trên đường Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: THANH HIỆP
Ông Minh nêu rõ trong nhiều năm có sự lẫn lộn giữa thanh tra và kiểm tra của cơ quan quản lý. Thêm vào đó là xu hướng giao "chức năng thanh tra chuyên ngành" tràn lan cũng đã gây ra tình trạng "thanh tra hóa".
Để thuận lợi trong hoạt động của mình và để có thêm quyền hạn, chủ yếu là quyền xử lý vi phạm hành chính, rất nhiều hoạt động của cơ quan quản lý thực chất là hoạt động kiểm tra thường xuyên nhưng lại được "khoác áo" thanh tra.
Ông dẫn chứng điều này thể hiện rõ nhất trong báo cáo hằng năm của hầu hết các cơ quan quản lý đã không thể phân biệt giữa hoạt động và kết quả của thanh tra với kiểm tra chuyên ngành.
Theo ông Minh, với kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và theo dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi, điều này sẽ được khắc phục triệt để.
Cụ thể, cả kết luận và dự luật nhấn mạnh trách nhiệm tổ chức và thực hiện kiểm tra chuyên ngành của các cơ quan quản lý.
Như vậy nhiều hoạt động "thanh tra chuyên ngành" trước kia không hề bị mất đi mà vẫn tiếp tục duy trì với đúng tên gọi, bản chất và đảm bảo hiệu quả của nó. Về việc không tồn tại cơ quan thanh tra bộ và sở, ông Minh nhấn mạnh khi đó cũng không hề ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý khi các cơ quan quản lý tăng cường hoạt động kiểm tra chuyên ngành.
Còn các cơ quan quản lý cần đề cao, tăng cường hoạt động kiểm tra thường xuyên việc chấp hành pháp luật, kiểm tra đôn đốc nhắc nhở hoặc hướng dẫn cho mọi người thực hiện cho đúng, cho tốt. Kiểm tra cũng nhằm phát hiện, xử lý kịp thời những vấn đề bất cập để điều chỉnh cho phù hợp.
Trường hợp có vi phạm rõ ràng thì tiến hành xử lý ngay để giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật. Nếu vụ việc phức tạp hoặc vi phạm lớn, người kiểm tra không đủ thẩm quyền hay điều kiện để làm rõ và xử lý thì có thể đề nghị tiến hành thanh tra", ông Minh nói thêm.
Trong khi đó, TS Lê Xuân Thân, ủy viên Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Quốc hội, nhận định chủ trương sắp xếp hệ thống thanh tra tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của Đảng là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết để tinh gọn hệ thống cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương.
Điều quan trọng là tinh gọn bộ máy các cơ quan thanh tra, nhưng các cơ quan quản lý nhà nước, người đứng đầu phải có trách nhiệm tăng cường một cách thường xuyên và có hiệu quả việc tổ chức nhiệm vụ kiểm tra, kiểm tra chuyên ngành, bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo đúng quy định của pháp luật.
Lược bỏ 52 điều của Luật Thanh tra năm 2022, góp phần cắt giảm trên 40% các thủ tục hành chính trong hoạt động thanh tra như:
- Cắt giảm các thủ tục của 12 thanh tra bộ.
- 5 thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ, thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
- 696 thanh tra huyện.
- 1.001 thanh tra sở.
- 53 cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thực hiện.
- Một số thủ tục hành chính trong hoạt động thanh tra như trong ban hành kế hoạch thanh tra, điều chỉnh kế hoạch thanh tra; xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra...

Tổng hợp: THÀNH CHUNG - Trình bày: TUẤN ANH
Đề xuất kết thúc 12 thanh tra bộ, chuyển về Thanh tra Chính phủ trước 30-5
Thanh tra Chính phủ đã có dự thảo kế hoạch trình Thủ tướng về việc thực hiện kết luận 134 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Theo đó, cơ quan này dự kiến sắp xếp tổ chức, bộ máy, nhân sự mới dựa trên cơ sở kết thúc hoạt động 12 thanh tra bộ và 5 đơn vị cấp vụ thuộc Thanh tra Chính phủ. Đồng thời đề xuất hợp nhất Trường Cán bộ thanh tra và Viện Chiến lược khoa học thanh tra.
Việc sắp xếp lại thanh tra ở trung ương sẽ do Thanh tra Chính phủ chủ trì, ở địa phương sẽ do UBND các tỉnh chủ trì với sự phối hợp của Thanh tra Chính phủ. Quy trình tiếp nhận và điều chuyển công chức, bàn giao nhiệm vụ, hồ sơ và tài liệu có liên quan dự kiến hoàn thành trước ngày 30-5-2025.
Tại địa phương, Thanh tra Chính phủ đề xuất sắp xếp tổ chức, bộ máy, nhân sự trên cơ sở kết thúc hoạt động thanh tra cấp huyện, thanh tra sở và thanh tra tỉnh hiện tại.
Theo đó, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì xây dựng và triển khai phương án sắp xếp, bố trí nhân sự theo hướng bàn giao và tiếp nhận nhiệm vụ, hồ sơ tài liệu có liên quan từ thanh tra cấp huyện và thanh tra sở về thanh tra tỉnh.
Thời hạn sắp xếp bộ máy thanh tra địa phương phải hoàn thành đồng bộ với việc thực hiện chủ trương sắp xếp cấp tỉnh.
Thanh tra Chính phủ sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động thanh tra.
Theo đó, Thanh tra Chính phủ sẽ trình Chính phủ ban hành nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Về việc bố trí trụ sở, cơ sở vật chất, kế hoạch đề xuất sắp xếp theo nguyên tắc tận dụng tối đa trụ sở, cơ sở vật chất hiện có của Thanh tra Chính phủ.
Đồng thời bố trí trụ sở của cơ quan nhà nước dôi dư sau khi sáp nhập đảm bảo tiết kiệm và tránh lãng phí. Trong trường hợp chưa sắp xếp được ngay thì có thể thuê trụ sở làm việc để đảm bảo công việc liên tục, không gián đoạn.
Thanh tra là lá chắn, không phải bắt lỗi

Ông Nguyễn Đình Tuệ - giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM - cho rằng chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống cơ quan thanh tra theo 2 cấp ở trung ương, địa phương và kết thúc hoạt động thanh tra các bộ, sở, huyện được cộng đồng doanh nghiệp đồng tình ủng hộ, đón nhận vui mừng.
Lâu nay doanh nghiệp phản ánh nhiều tình trạng họ rất khổ sở với các cơ quan thanh tra chồng chéo, nhiều lần trong một năm.
Đáng nói, kết quả thanh tra của cơ quan thanh tra chuyên ngành này nhiều khi không được cơ quan thanh tra chuyên ngành khác chấp nhận. Các tổ chức thanh tra chuyên ngành được tổ chức ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt thanh tra về môi trường, phòng cháy chữa cháy, khá vất vả với doanh nghiệp.
Đoàn thanh tra này vừa xong, vừa kết luận, doanh nghiệp chưa kịp thực hiện thì đã có đoàn thanh tra khác đến.
Theo ông Tuệ, ở nhiều nước, doanh nghiệp xem cơ quan thanh tra kiểm tra như một lá chắn quan trọng nhằm hướng dẫn cho doanh nghiệp biết được các hoạt động của họ đúng hay sai và chấn chỉnh để tránh những nguy cơ vi phạm, sai phạm.
Tuy nhiên với hệ thống thanh tra chằng chịt, chồng chéo ở nước ta hiện nay, có cảm giác các cơ quan thanh tra cố bắt lỗi và đã thanh tra là phải ra các vi phạm, sai phạm. Ví dụ lâu nay hệ thống thanh tra, kiểm tra về thuế cứ kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nào hầu như doanh nghiệp đó vi phạm.
Tương tự trong lĩnh vực xây dựng cũng vậy, cơ quan thanh tra sẽ tìm ra những vấn đề nhỏ nhất để bắt lỗi. Có những vấn đề có thể không phải vi phạm mà do quan điểm nhìn nhận của các cơ quan thanh tra và cách hiểu quy định pháp luật.
Ông Tuệ kỳ vọng việc tổ chức lại hệ thống thanh tra 2 cấp, kết thúc hoạt động thanh tra các bộ, sở, huyện phải đặt mục tiêu để hệ thống thanh tra hoạt động hiệu quả, hạn chế việc thanh tra chồng chéo và trùng lặp gây khó cho doanh nghiệp.
Đội ngũ thanh tra sẽ thanh tra tổng hợp nhiều vấn đề (trừ những thanh tra đặc thù) thuộc hoạt động doanh nghiệp để kiểm tra làm sao kiểm soát được những hiện tượng vi phạm pháp luật, kịp thời xử lý hoặc hướng dẫn doanh nghiệp khắc phục, chấn chỉnh tránh việc vi phạm, sai phạm.
Muốn như vậy ngoài việc tinh gọn, giảm bớt cấp thanh tra, đội ngũ thanh tra trung ương và cấp tỉnh cần được bố trí, sắp xếp lại đủ mạnh và đủ trình độ chuyên môn để thực hiện đúng chức năng thanh tra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận