Theo báo cáo Khảo sát chính phủ điện tử 2024 của Liên Hiệp Quốc phác họa toàn cảnh công cuộc theo đuổi chính phủ số của các nước trên thế giới, Việt Nam đã tăng 15 bậc là một tín hiệu tích cực.
Hiệu quả công việc sẽ cao hơn nếu thúc đẩy chuyển đổi số cùng với tinh gọn bộ máy, cải cách để khuyến khích tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp
Một khi đã xác định chuyển đổi số là ưu tiên, cấp thiết để tạo ra động lực mới nên sớm có khung chiến lược, bộ tiêu chí để triển khai và đo lường hiệu quả thực tế. Cần có thêm quy định về xử lý thông tin, dữ liệu cá nhân và bảo vệ quyền riêng tư.
Trong các dự án đầu tư, mua sắm công khuyến khích chọn thiết bị theo hướng chuyển đổi số nhằm đặt ra yêu cầu có chi phí cố định hằng năm cho các dịch vụ chuyển đổi số vừa tận dụng lợi thế doanh nghiệp nội địa vừa thúc đẩy triển khai công việc trong thực tế.
Mở rộng thị trường phát triển hạ tầng số, hoạt động kinh doanh các dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ các trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây.
Đây còn là phương thức kết nối, liên thông an toàn và hiệu quả giúp chính quyền nâng cao năng suất, tinh gọn bộ máy, sử dụng cho cổng thông tin điện tử. Các tổ chức, cá nhân cũng sẽ dễ dàng tiếp cận nhanh chóng.
Kèm theo đó là chính sách khuyến khích các thành phần tham gia. Tùy trường hợp cụ thể, miễn tiền thuê đất, thuế tài sản trong toàn bộ thời gian hoạt động cho các cơ sở được sử dụng nghiên cứu phục vụ chuyển đổi số.
Nên có quy trình quản lý dữ liệu dùng tín hiệu số cùng sự liên kết với các cơ quan, đơn vị đảm bảo 100% hạ tầng công nghệ thông tin được nâng cấp liên thông kết nối từ các bộ ngành, tỉnh thành đến cấp huyện và phường, xã, thị trấn cùng chia sẻ dữ liệu.
Xây dựng cách thức, văn hóa giải quyết thủ tục hành chính, tiếp nhận hồ sơ thay vì yêu cầu có bản sao y, chủ động sử dụng dữ liệu dân cư để cập nhật, giảm bớt bản giấy.
Doanh nghiệp, người dân dù ở bất kỳ nơi đâu cũng có thể tiếp cận tra cứu và sử dụng các dịch vụ công bằng máy vi tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh. Thanh toán qua chuyển khoản, cà thẻ, quét mã QR thì người dân, doanh nghiệp chỉ cần ngồi một chỗ nộp lệ phí trực tuyến.
Buộc mỗi cơ quan, đơn vị, nơi tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính đều phải có đề án chuyển đổi số phù hợp, hiệu quả thiết thực.
Tất cả đều ứng dụng công nghệ, minh bạch thông tin trên nền tảng hoạt động điện tử. Việc này sẽ tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Doanh nghiệp và công dân số
Cần sự đổi mới đồng bộ trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ thương mại. Quyết liệt triển khai hóa đơn điện tử trong thu thuế đối với các hoạt động kinh doanh ăn uống, nhà hàng, khách sạn, du lịch và kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội.
Tổ chức nhận các "đơn đặt hàng" hiến kế giúp chính quyền áp dụng chuyển đổi số giải quyết các vấn đề nan giải tại đô thị như kẹt xe, ngập nước. Đồng thời áp dụng chuyển đổi số theo chuẩn quốc tế để tránh chồng chéo, kéo dài thời gian hỏi ý kiến giữa các cơ quan, đơn vị nhà nước.
Cần những lập trình phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính sao cho tránh tình trạng ôm đồm quá tải, cấp trên không có thời giờ làm việc còn cấp dưới không có việc để làm hoặc việc chậm đi vì nhân viên chờ xin ý kiến chỉ đạo cấp trên.
Khuyến khích tổ chức, cá nhân nâng cao năng suất làm việc và hiệu quả kinh doanh thông qua ứng dụng chuyển đổi số với các công cụ, phần mềm phù hợp.
Việc này cũng mở đường cho doanh nghiệp tái cấu trúc, sắp xếp các bộ phận cạnh tranh lành mạnh làm chủ chuyển đổi số, mang lại lợi ích lớn trong chuỗi cung ứng, giảm chi phí hoạt động về lâu dài.
Chuyển đổi số sẽ thúc đẩy các giao dịch và hỗ trợ doanh nghiệp, người dân có thêm kỹ năng số hóa. Điều này tác động hình thành cách thức ứng xử trên môi trường số, mua bán trực tuyến, giao dịch từ xa, thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường tự động hóa sản xuất.
Hiện nay mọi người tham gia mạng xã hội không chỉ để nghe và đọc thông tin hoặc giải trí, đây còn là nơi liên lạc, mua bán, giải quyết công việc. Chính nhu cầu này đã làm thay đổi các hình thức truyền thống trong nhiều lĩnh vực. Cơ quan nhà nước và doanh nghiệp đều cần thúc đẩy chuyển đổi số sẽ phải tương tác trên mạng với số đông.
Cần công chức, viên chức làm được 2-3 việc
Sáp nhập cơ quan không có nghĩa chỉ đổi tên gọi, rồi việc ai nấy làm, trụ sở ai nấy ở mà còn tinh gọn bộ máy làm việc, giảm người trong mỗi cơ quan.
Để việc sáp nhập, tinh gọn bộ máy thuận lợi, lãnh đạo cơ quan nên chú trọng những công chức, viên chức có khả năng đảm đương nhiều việc khác nhau trong đơn vị; đồng thời đào tạo tại chỗ cán bộ 2-3 trong 1 (một người có thể làm được 2-3 việc). Việc chọn lựa nhân sự này sẽ giúp bộ máy mới có những công chức, viên chức đa năng hơn, quán xuyến hơn.
Bạn có hiến kế, đề xuất giải pháp nào về việc tinh gọn bộ máy từ Trung ương đến địa phương? Hãy gửi ý kiến của bạn về Tuổi Trẻ qua email [email protected]. Tòa soạn sẽ chọn lọc đăng tải đề xuất của bạn để bạn đọc và cơ quan chức năng tham khảo.
TUỔI TRẺ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận