Họ chấp nhận thiệt thòi nhằm tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức tinh gọn, hiệu quả hơn.
Cán bộ phải gương mẫu đi trước
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại biểu Bùi Hoài Sơn - ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - cho rằng trong một cuộc cách mạng lớn tinh gọn bộ máy, rất cần sự gương mẫu của cán bộ, lãnh đạo.
"Khi những người đứng đầu thể hiện được sự gương mẫu, tiên phong trong hành động thì không chỉ tạo dựng lòng tin mà còn truyền cảm hứng cho cấp dưới; giúp mọi người nhận thức được tầm quan trọng của công việc, sự quyết tâm trong quá trình thực hiện.
Hành động này không chỉ nằm ở việc đưa ra quyết định mà còn ở khả năng thể hiện cam kết, tự giác làm gương, vượt qua những khó khăn, thách thức. Nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, nếu lãnh đạo không đi đầu, không làm trước, rất dễ tạo ra sự trì trệ và thiếu niềm tin", ông Sơn nói.
Ông Sơn cũng chỉ rõ thực tế vai trò của người đứng đầu cũng đóng góp vào việc xây dựng một nền văn hóa chính trị mạnh mẽ, nơi mà sự liêm chính, trách nhiệm và cam kết được thể hiện rõ nét.
Trong đó yếu tố gương mẫu không chỉ là lời nói mà phải đi đôi với hành động cụ thể như việc giảm biên chế, cải tiến công tác tổ chức, nâng cao hiệu quả công việc phải bắt đầu từ chính những người lãnh đạo cao nhất.
Khi những người này làm gương, các cấp dưới sẽ dễ dàng nhận thức được rằng cải cách không phải là "chỉ trên giấy" mà là một phần của công việc thực tế hằng ngày.
Người có năng lực "không sợ ế"
Bà Phạm Chi Lan, nguyên phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cũng khẳng định thời điểm hiện nay cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy là vô cùng cần thiết với sự phát triển đất nước.
Tuy vậy, theo bà Lan, quá trình sắp xếp và hợp nhất các bộ, cơ quan ngang bộ không hề dễ dàng. Do đó đòi hỏi sự quyết liệt, mạnh mẽ, không vì cả nể mà trì hoãn. Trong đó yếu tố con người là quan trọng nhất. Với những người giữ lại, tiếp tục công việc ở cơ quan mới phải có chọn lọc, đáp ứng đủ tiêu chuẩn. Đồng thời nên tránh giữ lại "vì con ông này, cháu bà kia".
Bà Lan cũng chỉ rõ cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy hiện nay đòi hỏi cán bộ, đảng viên, công chức ở các vị trí khác nhau phải sẵn sàng tinh thần nêu gương, hy sinh vì sự phát triển chung của đất nước.
Bà nhắc lại câu chuyện năm 1995, theo yêu cầu mới đã thành lập bộ đa ngành đa lĩnh vực là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên cơ sở hợp nhất Bộ Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Bộ Thủy lợi.
Khi đó bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp dù là người giỏi về chuyên môn lâm nghiệp nhưng đã bước xuống rất nhẹ nhàng làm thứ trưởng và vẫn làm việc. Không riêng vị này mà thời đó còn một số vị khác cũng vui vẻ, lùi lại vì cái chung. Đó là các tấm gương sáng mà chúng ta nên xem xét để học tập trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy.
Bà Lan nói thêm khi tiến hành sắp xếp lại, vào bối cảnh lúc này hay trước đây cũng sẽ có những người chỉ còn một vài năm nữa đến tuổi nghỉ hưu.
Với những người này ngoài việc hiện Chính phủ đã có nghị định 178/2024 quy định về chính sách hỗ trợ cụ thể thì bản thân nên xem xét, sẵn sàng lui lại, nhường bước cho người khác trẻ trung, có năng lực hơn ở lại làm việc.
Đồng thời cũng nên xem đây là việc bình thường để mang lại lợi ích chung trong sắp xếp, bố trí cán bộ được tốt hơn. Việc này sẽ giúp hình thành được bộ máy trẻ trung, năng động, đáp ứng được tốt hơn các yêu cầu phát triển.
Bà Lan cho rằng hiện không thiếu việc làm cho những người thực sự có năng lực, kỹ năng, chuyên môn, chịu khó làm việc, chịu khó học hỏi. Với những người thực sự có năng lực sẽ "không sợ ế" và ra khỏi bộ máy nhà nước vẫn có thể có những nơi làm việc.
"Ở vị trí nào có thể làm việc để đóng góp cho đất nước đều quý cả, chứ không nhất thiết phải ở mãi trong bộ máy nhà nước hay giữ vị trí gì cao sang", bà Lan nói thêm.
Nhiều cán bộ chủ chốt địa phương xin nghỉ trước tuổi
Ở Thanh Hóa, bà Bùi Thị Mười, phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, là cán bộ đầu tiên của tỉnh này xin nghỉ hưu trước tuổi (bà còn gần 2 năm công tác). 27 công chức, viên chức, người lao động của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thanh Hóa cũng xin nghỉ trước tuổi.
Ở Thái Nguyên, bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương - giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh - xin nghỉ chế độ trước tuổi hơn 3 năm. Trước đó, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Phạm Thái Hanh cũng tự nguyện xin nghỉ chế độ trước tuổi hơn 1 năm.
Ở Quảng Ninh, bà Nguyễn Thị Vinh, bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh, xin nghỉ hưu trước tuổi, dù còn 3 năm công tác.
Ở Đồng Tháp, trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy và trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng xin nghỉ hưu trước tuổi để sắp xếp bộ máy.
Ở Đắk Lắk, bà H'Kim Hoa Bya, trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Lắk và bà H'Lim Niê, trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk (đều 55 tuổi), đã có đơn xin nghỉ hưu trước tuổi.
* Nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục LÊ NHƯ TIẾN:
Có chế độ, chính sách vượt trội cho cán bộ nêu gương
Trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy có không ít cán bộ lãnh đạo có thể không giữ được chức cũ. Như 2 bộ hợp nhất thì từ 2 bộ trưởng sẽ còn 1, hay nhập 2-3 vụ lại chỉ còn 1 vụ trưởng hay 2 ban lại chỉ còn 1 trưởng ban... Như vậy sẽ có những người từ cấp trưởng xuống làm cấp phó hoặc nghỉ sớm. Việc này sẽ tạo điều kiện cho sự nghiệp tinh gọn bộ máy thành công, từ đó giúp đất nước phát triển, cất cánh.
Để làm được việc này, phải tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động, xác định vai trò nêu gương của cán bộ, nhất là người đứng đầu là hết sức quan trọng. Khi người đứng đầu có nêu gương thì cấp dưới, xã hội mới nhìn vào, noi theo, tạo thành sự thúc đẩy cuộc cách mạng này.
Bên cạnh sự tuyên truyền, vận động, nhấn mạnh tinh thần nêu gương thì phải đi kèm với các chế độ, chính sách vượt trội như nghị định của Chính phủ đã ban hành. Khi trách nhiệm, sự nêu gương và quyền lợi gặp được nhau thì sẽ dễ dàng thực hiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận