06/12/2024 07:46 GMT+7

Tinh gọn bộ máy: Cần bắt đầu từ cải tiến cơ chế làm việc

Bộ máy cơ quan nhà nước cần "tinh, gọn, mạnh" để đảm bảo mang lại "hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả" là một tất yếu lịch sử. Nhiều quốc gia đã và đang tiến hành, nên nước ta cũng không ngoại lệ.

Cần bắt đầu từ cải tiến cơ chế làm việc - Ảnh 1.

Người dân làm thủ tục hành chính ở một xã của huyện Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh minh họa: Q.ĐỊNH

Rất dễ hình dung khi thực hiện tinh giản biên chế, số lượng công chức, viên chức sẽ giảm đáng kể. Những người được tiếp tục công tác có thể phải gánh vác khối lượng công việc gấp đôi, gấp ba trước đó. Sẽ không còn tình trạng làm việc "cầm chừng", đối phó để vừa đủ "lên lương".

Các vị trí của cán bộ ắt bị thay thế nếu không có tinh thần cầu tiến và sự tận tâm.

TP.HCM dự kiến sáp nhập 80 phường, xã, dẫn đến khoảng 1.000 cán bộ thuộc diện dôi dư. Con số này đủ khiến những người được "ở lại" nhận thức rằng mình may mắn hơn, áp lực công việc cũng lớn hơn, vì vậy cần phải nỗ lực hơn trước.

Tinh gọn có tác dụng tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh trong bộ máy. Công chức cũng không còn mang tâm lý an phận thủ thường, "sống lâu lên lão làng".

Thế nên hiện nay ở cấp cơ sở một cán bộ đảm nhận hai nhiệm vụ trở lên là chuyện khá phổ biến. Một mình "đóng" hai vai dĩ nhiên khá vất vả nên luôn phải chạy hết công suất.

Đi đôi với động tác sắp xếp, cắt giảm nhiều vị trí việc làm, rất cần có tinh thần mạnh dạn cải tiến phương pháp làm việc. Công nghệ thông tin đã "gõ cửa" mọi nhà, mọi người, cần tận dụng lợi thế công nghệ để tăng hiệu quả công việc.

Cùng với việc tinh gọn bộ máy, cần cải tiến theo hướng giảm các cuộc họp và các kiểu báo cáo. Tôi cho rằng cùng với tinh gọn bộ máy, cần quyết tâm "đổi mới tư duy", thay đổi cách nghĩ, cách làm. Chúng ta từng nhiều lần hô hào giảm họp, song thực tế giảm rất chậm và gần như không đáng kể.

Tinh gọn bộ máy đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức phải luôn học tập, nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực, phẩm chất.

Công bằng mà nói, khái niệm 8 giờ vàng ngọc, 8 tiếng đồng hồ làm việc theo quy định hiện nay đã khác ngày trước. Với nhiều cán bộ cơ sở, mỗi ngày làm việc 10 tiếng đồng hồ hoặc hơn nữa đã trở thành "chuyện thường ngày".

Mong rằng chiến lược tinh gọn bộ máy sẽ mang đến diện mạo mới và tính hiệu quả trong tương lai gần.

Giảm giờ họp để tăng giờ làm

Khối lượng công việc nhiều cũng không ngại, chỉ ngại phải họp hành quá nhiều. Mật độ các cuộc họp vẫn "dày" chứ chưa có dấu hiệu giảm, mặc dù đã chuyển hóa nhiều lớp tập huấn, buổi họp sang hình thức trực tuyến.

Có những thời điểm cả cấp trưởng và cấp phó "chia nhau", hoặc thay nhau đi họp vẫn không xuể do bị trùng lịch. TP.HCM vừa thực hiện chia tách khu phố, đã có khá nhiều cán bộ phường, xã phải kiêm giữ chức bí thư chi bộ khu phố do thiếu nhân sự.

Đưa khỏi bộ máy những người làm khó người dân

Khác với các công dân tạo nên giá trị xã hội cân đong đo đếm được thì đa phần viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước lại tạo ra giá trị xã hội vô hình, tuy là vô hình nhưng đóng vai trò không thể thiếu trong việc tạo điều kiện cho các ngành nghề sản xuất kinh doanh hàng hóa dịch vụ phát triển, đưa đất nước đi lên.

Vai trò của nhiều cơ quan, đoàn thể nhà nước trong giai đoạn vừa qua là không phủ nhận được. Nhưng đã đến lúc phải mạnh dạn đưa khỏi bộ máy nhà nước những cơ quan cũng như cán bộ viên chức ít tạo ra giá trị cho xã hội. Không những vậy còn lợi dụng chức vụ, chức trách được giao để vơ vét cá nhân, làm khó người dân, doanh nghiệp.

Song song đó cần chấm dứt hoạt động của các tổ chức đoàn thể, hội nhóm… chỉ mang tính hình thức. Nhà nước cần có chế độ bù đắp để những ai phải tinh giản lần này có đủ lực để bước tiếp trên con đường mới.

Tinh giản phù hợp thực tiễn

Tinh gọn bộ máy phải dựa trên cơ sở tính toán khối lượng công việc của các cơ quan từ trung ương đến địa phương đang quản lý. Từ đó đặt ra định mức công việc, xác định biên chế của các cơ quan cụ thể.

Hiện nay một bộ phận công chức, viên chức trong bộ máy cơ quan nhà nước thực hiện công việc rất nhàn nhã. Cơ quan nhà nước trở thành nơi trú ẩn an toàn, có lương cơ bản, để từ đó làm thêm việc khác, có thêm thu nhập.

Tuy nhiên việc tinh gọn bộ máy không thể dựa theo kiểu rút gọn, giảm cơ quan bộ, ngành theo kiểu cơ học, hay gộp các lĩnh vực. Điều này cần dựa trên cơ sở lý luận, thực tiễn và pháp lý.

Mỗi vị trí trong bộ máy phải xác định được số lượng công việc, sau đó mới xác định số lượng nhân sự. Có như vậy việc tinh gọn bộ máy nhà nước mới có thể thực hiện đúng với chủ trương chung.

Đặc biệt cần tránh thực hiện tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy theo ý muốn chủ quan của người lãnh đạo. Vì như vậy sẽ tạo ra sự xáo trộn, ảnh hưởng xấu đến tâm tư nguyện vọng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Trong bộ máy nhà nước cần giảm tối đa các khâu trung gian, có như vậy việc giải quyết công việc hành chính không bị gián đoạn hay ùn ứ. Mỗi lĩnh vực chỉ một cơ quan bộ hoặc ngành quản lý, tránh tình trạng lấn sân nhau, tránh đổ thừa trách nhiệm khi bị phát hiện sai phạm.

Bên cạnh đó, cũng cần xác định những lĩnh vực có tính chất liên ngành, trách nhiệm quản lý nhà nước thuộc nhiều bộ, ngành cùng tham gia giải quyết và phân định rõ trách nhiệm ở từng khâu, từng giai đoạn.

Bạn có hiến kế, đề xuất giải pháp nào về việc tinh gọn bộ máy từ trung ương đến địa phương? Hãy gửi ý kiến của bạn về Tuổi Trẻ qua email [email protected]. Tòa soạn sẽ chọn lọc đăng tải đề xuất của bạn để bạn đọc và cơ quan chức năng tham khảo.

TUỔI TRẺ

Cần bắt đầu từ cải tiến cơ chế làm việc - Ảnh 2.Tinh gọn bộ máy: Khó mấy cũng làm

Ngày 4-12, phát biểu tại hội nghị quán triệt, triển khai sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định tinh gọn bộ máy là việc khó, thậm chí rất khó.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp