Vậy làm thế nào để giải quyết "điểm nghẽn"?
"Với tinh thần, quyết tâm của Tổng Bí thư Tô Lâm và với xu thế hiện nay, đòi hỏi cả hệ thống chính trị cần quyết tâm làm và phải làm bằng được. Thậm chí phải coi đây là cuộc "cách mạng" và mỗi cán bộ, đảng viên phải dũng cảm, chấp nhận hy sinh để làm", ông Dĩnh khẳng định.
Phải làm đồng bộ, quyết liệt từ trên xuống
* Quan điểm đưa ra là phải quyết tâm làm nhưng việc triển khai theo ông phải bắt đầu từ đâu và làm thế nào?
- Phải làm đồng bộ, trong cả hệ thống chính trị và làm quyết liệt từ trên xuống dưới. Dĩ nhiên mỗi một giai đoạn, chúng ta đã làm nhưng chưa đồng bộ. Trước đây có rất nhiều bộ ngành, có lúc đến 76 đầu mối, bao gồm bộ, cơ quan ngang bộ và các cơ quan thuộc Chính phủ. Đến nay đã sắp xếp lại thành các bộ đa ngành, đa lĩnh vực (ở Quốc hội khóa XV còn 30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ).
Bên cạnh đó một bước quan trọng là giảm các tổng cục - được ví von là "các bộ trong bộ", giảm một số khâu trung gian. Các tỉnh, TP đang tiếp tục sáp nhập đơn vị cấp xã, huyện giai đoạn 2023 - 2025.
Tuy nhiên so với yêu cầu thực tế, bộ máy vẫn còn cồng kềnh, nhất là chi phí cho chi thường xuyên, trả lương, bộ máy chiếm đến 70%. Do đó yêu cầu đặt ra phải làm mạnh hơn nữa, trong đó tiếp tục sắp xếp lại bộ máy ở trên; cùng với đó phải xác định rất rõ chức năng nhiệm vụ. Và khi phân định rõ thì bộ máy ở trên phải tinh gọn và phải phân cấp, phân quyền mạnh cho cấp dưới.
* Khi nói về tinh giảm bộ máy, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: "Tới đây Trung ương phải gương mẫu, các ban của Đảng phải gương mẫu, Quốc hội gương mẫu, Chính phủ gương mẫu. Không tinh gọn bộ máy không phát triển được". Vậy các cơ quan của Đảng có cần tinh gọn hơn không, thưa ông?
- Ở đây phải nhấn mạnh cả hệ thống chính trị, trước hết là Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội đều phải thực hiện việc tinh gọn. Tại nghị quyết 18 năm 2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn đã nhấn mạnh Đảng phải gương mẫu.
Chúng ta xác định Đảng lãnh đạo thông qua các chủ trương, đường lối nhưng Đảng không làm thay, can thiệp sâu vào hoạt động Nhà nước. Tôi cho rằng tới đây chắc chắn sẽ có nghiên cứu, đánh giá về hoạt động của các cơ quan Đảng, tổ chức chính trị xã hội để có phương án phù hợp, theo hướng tinh gọn và hiệu quả.
Nghiên cứu tinh gọn Chính phủ, các tỉnh
* Chính phủ hiện nay có 30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Trong khi đó, một số nước phát triển chỉ có từ 12 - 15 bộ. Như vậy có phải chúng ta đang quá nhiều bộ?
- Muốn có một Chính phủ gọn gàng, yêu cầu đặt ra phải tinh gọn bộ máy hay hướng tới các bộ đa ngành, đa lĩnh vực. Không chồng chéo nhiệm vụ, quản lý giữa các bộ, ngành, tránh câu chuyện một việc nhiều bộ cùng quản lý...
Tôi cho rằng Chính phủ nên tinh gọn còn khoảng 15 - 16 bộ. Quan trọng hơn phải tiếp tục xây dựng các bộ đa ngành, đa lĩnh vực và xác định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ trong bộ máy Chính phủ. Trong đó phải phân định rõ ràng Thủ tướng làm gì, các thành viên Chính phủ (bộ trưởng, trưởng ngành) làm gì và xác định rõ Thủ tướng không làm thay việc của bộ trưởng.
Với Quốc hội cũng vậy, cần tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả trong các hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Sắp xếp hợp lý các cơ quan thuộc Quốc hội theo nguyên tắc đa ngành, đa lĩnh vực, từ đó tinh gọn bộ máy của Quốc hội...
* Cùng với yêu cầu tinh gọn bộ máy các cơ quan trung ương thì với các tỉnh, TP theo ông cần thực hiện thế nào?
- Đã có thời kỳ chúng ta tiến hành sáp nhập các địa phương nhưng sau đó lại tách ra dẫn đến nhiều địa phương diện tích nhỏ, dân số ít. Như Bắc Thái tách thành Bắc Kạn, Thái Nguyên; Hà Bắc thành Bắc Ninh, Bắc Giang...
Đối chiếu với các tiêu chuẩn được đưa ra, một số tỉnh không đáp ứng được cả hai tiêu chuẩn diện tích và dân số; có tỉnh không đáp ứng tiêu chuẩn về diện tích hoặc dân số... Tuy nhiên sau bảy năm thực hiện việc sắp xếp tổ chức, bộ máy theo nghị quyết 18, đến nay việc sắp xếp đơn vị hành chính mới chỉ thực hiện ở cấp xã, huyện, chưa xem xét đến cấp tỉnh.
Tôi cho rằng cần tính toán giảm một nửa các tỉnh, TP hiện nay. Bởi như Trung Quốc lớn như vậy chỉ có 22 tỉnh, 5 khu tự trị, 4 TP trực thuộc trung ương và 2 đặc khu. Còn chúng ta dù diện tích không phải lớn nhưng có tới 63 tỉnh thành, trong đó nếu TP Huế được Quốc hội thông qua thì có 6 TP trực thuộc trung ương.
Việc tính toán sáp nhập lại sẽ giúp tinh gọn bộ máy ở các địa phương và quan trọng hơn là tạo nguồn lực, nhất là nguồn lực đất đai, con người để phát triển.
Tổng Bí thư: "Quyết liệt thực hiện cách mạng tinh gọn bộ máy"
Hôm qua (19-11), Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".
Theo quyết định của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết nghị quyết 18 được thành lập gồm 29 thành viên. Tổng Bí thư Tô Lâm là trưởng Ban Chỉ đạo.
Tổng Bí thư cho rằng việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo tinh thần nghị quyết 18 là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Hiện tại là thời điểm hội tụ đầy đủ các yếu tố phù hợp để thực hiện quyết liệt cuộc cách mạng nhằm xây dựng hệ thống chính trị thật sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Theo ông, công việc hệ trọng này cần được tiến hành khẩn trương, thận trọng, khoa học và có tính nguyên tắc. Mục tiêu cao nhất là sau khi sắp xếp, bộ máy phải phục vụ tốt nhất sự phát triển đất nước và nhu cầu của nhân dân.
Ông lưu ý trong thực hiện phải đảm bảo nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan không trùng lặp, chồng chéo, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính. Làm tốt công tác tư tưởng tạo sự đồng thuận xã hội cao và có chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức.
Đặc biệt quá trình sắp xếp phải đảm bảo bộ máy hoạt động không bị gián đoạn, không vì sắp xếp mà ảnh hưởng đến tiến độ các công việc và phục vụ người dân, doanh nghiệp.
● Ông Lê Phú Nguyện (phó giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng):
Tránh "quyền anh, quyền tôi"
Ai cũng biết bộ máy hệ thống chính trị của chúng ta rất cồng kềnh, nhưng có thay đổi được hay không theo tôi nằm ở hai vấn đề, đó là có đủ tập trung quyền lực và quyết tâm chính trị để làm hay không.
Đầu tiên là cải cách bộ máy, bộ máy giảm thì biên chế giảm và kế đến là tính hệ thống cần đảm bảo vận hành tốt nhà nước pháp quyền. Bộ máy nhà nước phải tinh gọn lại, giảm đầu mối, giảm trung gian, phân cấp, phân quyền rõ để chia chức năng quản lý giữa các cấp, các ngành để giảm việc, giảm người, giảm cồng kềnh, trùng lắp, quyền anh, quyền tôi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận