07/03/2019 11:19 GMT+7

Tinh giản... tổ dân phố

TIẾN LONG
TIẾN LONG

TTO - Từ năm 2021 đến năm 2030, số lượng tổ dân phố ở các tỉnh, thành phố sẽ thu gọn, số lượng người hoạt động không chuyên trách ở tổ dân phố nhận phụ cấp từ ngân sách sẽ giảm rất nhiều.

Tinh giản... tổ dân phố - Ảnh 1.

Cô Vũ Thúy Hòa - Tổ Trưởng tổ dân phố 80 Khu phố 5, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM đang trao đổi với người dân trong khu phố của mình quản lý để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm ngày 8-3 - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG

Mục tiêu trên được đề cập tại nghị quyết số 18 năm 2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. 

Đến nay các địa phương đang xây dựng đề án nhưng việc tinh giản, thu gọn bộ máy vẫn là bài toán khó.

Thu gọn 1 phường, tiết kiệm gần 2 tỉ

Số lượng khu phố, tổ dân phố và các chức danh hoạt động trong hai cấp này đang lập theo chỉ tiêu cứng dẫn đến tình trạng cồng kềnh, tiêu tốn rất nhiều ngân sách nuôi bộ máy. 

Ví dụ tại phường 9, quận Phú Nhuận (TP.HCM) hiện có khoảng 5.300 hộ dân với hơn 18.600 nhân khẩu. 

Cơ cấu trước đây, toàn phường được chia thành 5 khu phố với 93 tổ dân phố trực thuộc. Trong đó tổ thấp nhất có 35 hộ dân, tổ cao nhất có 86 hộ dân.

Tính theo quy định cứng, toàn bộ chức danh không chuyên trách thuộc tổ dân phố, khu phố của phường 9 là 273 người. Tuy nhiên có những chức danh kiêm nhiệm nên thực tế có 214 người. 

Với số lượng chức danh trên, một tháng ngân sách phải chi phụ cấp khoảng 30 triệu đồng cho đội ngũ khu phố và khoảng 155 triệu đồng cho đội ngũ tổ dân phố. 

Tính cả năm số tiền phụ cấp là hơn 2,2 tỉ đồng. Ngoài ra, mỗi tháng một khu phố sẽ được khoán khoảng 2,5 triệu đồng tiền hoạt động.

Theo dự thảo, đề án tinh giản của phường sẽ bỏ toàn bộ khu phố, riêng tổ dân phố sẽ ghép lại còn 17 tổ. 

Như vậy 152 người hoạt động không chuyên trách ở tổ dân phố và 59 người đảm nhận các chức danh ở khu phố như mặt trận, cựu chiến binh, đoàn thanh niên, phụ nữ, chữ thập đỏ, khuyến học, người cao tuổi sẽ được giảm. 

Tính toán sơ bộ, nếu thực hiện được sẽ tiết kiệm gần 1,9 tỉ đồng tiền phụ cấp.

Tinh giản... tổ dân phố - Ảnh 2.

Nguồn: Theo dự thảo đề án sắp xếp lại khu phố, tổ dân phố phường 9, quận Phú Nhuận - Đồ họa: V.CƯỜNG

Quận Bình Tân: gần 4.900 "cán bộ không chuyên"

Với những quận, huyện có số dân đông như Bình Tân, Bình Chánh... số lượng khu phố, tổ dân phố rất lớn. 

Theo thống kê của UBND quận Bình Tân, hiện quận này có 130 khu phố với 1.666 tổ dân phố. 

Theo mô hình tổ chức hiện nay, bình quân 120 hộ/tổ dân phố và bình quân 1.536 hộ/khu phố. 

Phân chia tổ dân phố theo chỉ tiêu cứng dẫn đến có gần 1.000 tổ dân phố có dưới 100 hộ dân, cá biệt có tổ chỉ có 10 hộ dân.

Trong đó có những phường số lượng khu phố, tổ dân phố lên đến hàng trăm như: phường Bình Hưng Hòa A có 27 khu phố với 372 tổ dân phố; phường Bình Hưng Hòa 19 khu phố, 188 tổ dân phố; phường Bình Trị Đông 18 khu phố với 215 tổ dân phố. 

Tính toàn bộ số người hoạt động không chuyên trách ở khu phố, tổ dân phố toàn quận Bình Tân lên đến gần 4.900 người. 

Với số lượng người không chuyên trách làm ở khu phố, tổ dân phố như thế này, ngân sách phải gánh một gánh nặng tiền chu cấp.

Một đại diện UBND quận Bình Tân cho rằng mô hình hai cấp khu phố, tổ dân phố giúp phường nắm chắc và sát tình hình người dân. Qua tổ dân phố, chính quyền nắm bắt kịp thời nguyện vọng người dân. 

Tuy nhiên vẫn có một số nơi chưa đạt yêu cầu, số hộ dân tham dự sinh hoạt tổ thấp. Mức phụ cấp thấp nên việc thu hút, bổ sung nhân sự cho khu phố, tổ dân phố gặp khó khăn. 

Mặt khác, số lượng người hoạt động không chuyên trách ở khu phố, tổ dân phố vượt quy định nên mức hỗ trợ hằng tháng không đáp ứng nhu cầu.

Dù vậy, vị này cũng nêu một số vướng mắc khi bỏ khu phố, sáp nhập tổ dân phố: tăng kinh phí, trang thiết bị cơ sở vật chất cho hoạt động tổ dân phố; người dân sẽ gặp khó khăn khi thay đổi địa chỉ giấy tờ.

Quận Bình Tân vẫn kiến nghị thành phố tiếp tục giữ mô hình hai cấp dưới phường.

Tinh giản... tổ dân phố - Ảnh 3.

Một buổi sinh hoạt cũa tổ phụ nữ - tổ dân phố 80 thuộc chi bộ P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG

Người "không chuyên" cũng chẳng vui

Thực tế cho thấy mức phụ cấp thấp nên rất khó để tìm người đảm nhận các chức danh. 

Từ năm 2012 sau khi về hưu, bà Vũ Thúy Hòa làm bí thư chi bộ khu phố 5, phường 9 (Q.Phú Nhuận), đồng thời làm tổ trưởng tổ 80, thuộc khu phố 5. 

Ngoài ra bà còn làm tổ trưởng tổ chuyển hóa địa bàn (thành lập trong những địa bàn khu phố có tình hình phức tạp). 

Tính phụ cấp toàn bộ các chức danh, bà Hòa nhận được khoảng 1 triệu đồng/tháng. Bà Hòa nhìn nhận với mức phụ cấp này, chỉ những người có tâm huyết và vì trách nhiệm mới đứng ra nhận làm.

Theo bà Hòa, thường mọi việc đều do tổ dân phố làm nên tồn tại cấp khu phố không hợp lý, nên bỏ. 

Khu phố 5 của bà có 23 tổ dân phố, có những tổ rất ít hộ dân, chưa kể có tổ không có tổ trưởng hoặc không có tổ phó, do đó hoạt động không hiệu quả. Do vậy cơ cấu lại tổ dân phố là cần thiết.

Trong buổi làm việc mới đây với UBND phường 9 (quận Phú Nhuận), ông Phạm Minh Chính - ủy viên Bộ Chính trị, trưởng Ban Tổ chức trung ương - đặt thẳng vấn đề: có cần thiết phải tổ chức các tổ dân phố tủn mủn, bé và quản dân đến mức độ như hiện nay hay không? 

Diện tích phường hơn 1km2 có đến 92 tổ dân phố có cần thiết không?

Theo ông Chính, hiện nay rất nhiều chức danh bán chuyên trách được trả phụ cấp tại khu phố, tổ dân phố, tuy nhiên một bất cập là không ai định nghĩa như thế nào là bán chuyên trách, và các chức danh này làm việc như thế nào, bao nhiêu tiếng cho Nhà nước cũng không quy định rõ. 

Do vậy, trách nhiệm chính quyền là phải hoàn thiện vị trí việc làm, mô tả lại công việc và xác định số lượng người cần thiết để từ đó tính toán cho kiêm nhiệm, tinh giản, thậm chí bỏ một số chức danh bán chuyên trách ở khu phố, tổ dân phố.

Ông Chính cho rằng: "Có thể chỉ cần ba, năm người nắm các chức danh bán chuyên trách nhưng trả tiền cao hơn cho họ. Nhiều người phải phối hợp, họp nhiều, còn một người họ sẽ tự quyết và chịu trách nhiệm sẽ hiệu quả hơn".

Tinh giản... tổ dân phố - Ảnh 4.

Chung cư có cần tổ dân phố?

Trên địa bàn TP.HCM có nhiều chung cư xây dựng mới, cư dân rất đông. Có những chung cư lên đến hàng trăm, thậm chí cả ngàn hộ. Chiếu theo quy định, có chung cư sẽ lập nhiều tổ dân phố.

Bà Vũ Thúy Hòa, bí thư chi bộ khu phố 5, phường 9 (quận Phú Nhuận), dẫn chứng trên địa bàn bà có chung cư 675 Nguyễn Kiệm thuộc phường 9 hiện nay có 7 tổ dân phố nhưng hoạt động chỉ có 1-2 tổ.

Bởi thực tế chung cư này có ban quản trị do người dân tự bầu. Mọi hoạt động dân sinh cư dân đều liên hệ ban quản trị.

Các tổ trưởng và tổ phó rất khó liên kết, quản được người dân trong chung cư. Mọi sinh hoạt, tham gia và đóng góp cũng khó thu từ cư dân.

PGS.TS Võ Trí Hảo - trưởng khoa luật Trường đại học Kinh tế TP.HCM - cho rằng hiện nay trong chung cư đã có thành lập ban quản trị và thuê ban quản lý chung cư.

Mọi công việc đảm bảo an ninh, môi trường và cuộc sống của người dân đều được hai ban phối hợp thực hiện.

Do vậy không cần thiết phải lập tổ dân phố riêng đối với các chung cư.

* PGS.TS VÕ TRÍ HẢO (trưởng khoa luật Trường đại học Kinh tế TP.HCM): Về lâu dài nên bỏ tổ dân phố

Hiện nay các quốc gia hiện đại không có tổ dân phố nhưng trật tự an ninh môi trường vẫn tốt. 

Việc duy trì số lượng lớn tổ dân phố, kéo theo đội ngũ người làm ở tổ dân phố như hiện nay sẽ rất tốn kém ngân sách nhưng hiệu quả về mặt hành chính không cao. 

Thực tế nhiều người dân không giao tiếp trực tiếp với tổ dân phố. 

Mặt khác, chính quyền hành chính hiện đã hướng đến quản trị minh bạch, số liệu hóa các dữ liệu điện tử, đồng thời thời đại kỹ thuật số, các phương tiện truyền thông cũng đa dạng hơn nhiều nên vai trò tuyên truyền của tổ dân phố không còn nhiều như trước đây. 

Do vậy về lâu dài nên tính toán bỏ luôn cấp tổ dân phố. Như vậy vừa tiết kiệm chi phí, vừa giảm được một cấp hành chính cho nhiều thủ tục hành chính. 

Những công việc hành chính như thu các nguồn thu được giao tổ dân phố hiện nay nên giao lại cho các cơ quan hưởng lợi từ hoạt động đó trực tiếp thu.

* TS NGUYỄN SĨ DŨNG (nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội): Cần hình thành các "cộng đồng tự quản"

Ở cấp cơ sở như khu phố, tổ dân phố nên tổ chức theo hình thức cộng đồng tự quản, không nên hành chính hóa những cấp này. 

Trong "tổ dân phố tự quản" này, người dân tự họp nhau lại và tổ chức đời sống tự quản trong khu vực sinh sống. 

Trong đó cũng có thể có chức danh tổ trưởng, tổ phó nhưng do người dân tự bầu. 

Người dân muốn tổ chức đời sống và sử dụng các dịch vụ về an ninh, môi trường thì phải tự bỏ tiền ra đóng góp để hoạt động, không lấy từ ngân sách nhà nước.

Một cộng đồng được hình thành trong một không gian sống, điều kiện văn hóa, xã hội chung sẽ có nhiều gắn kết. 

Còn nếu nhập lại một cách cơ học sẽ không hình thành cộng đồng. Truyền thống Việt Nam thời xưa ở thôn - xã tự tổ chức hoạt động, không lấy tiền của chính quyền. 

Họ có những đất ruộng công rồi tự khai thác hoặc cho thuê tạo nguồn quỹ riêng cho làng xã, không lấy tiền từ trên chi xuống.

Còn nếu hiện nay vẫn muốn giữ mô hình tổ dân phố để giúp việc cho cấp trên thì cần phải cải cách, tinh gọn lại. Có thể nhập nhiều tổ dân phố lại để giảm chi phí cho bộ máy. Đồng thời chọn người thạo việc, áp dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả công việc của cấp này.

Đà Nẵng giảm 2.965 tổ dân phố

Ông Võ Ngọc Đồng - giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng - cho biết từ năm 2012, TP đã có chủ trương sắp xếp, tổ chức lại tổ dân phố theo quy mô gọn (từ 30 đến 40 hộ) nhằm giảm áp lực về chỗ họp, thuận tiện trong công tác quản lý cư trú, vệ sinh môi trường, trật tự an toàn xã hội...

Tuy nhiên, quy mô tổ dân phố này chưa phù hợp quy định chung, đồng thời trong quá trình tổ chức, hoạt động vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn nên trong các cuộc họp và báo chí phản ánh khá nhiều.

Ông Đồng chỉ ra những điểm còn vướng mắc: "Số lượng tổ dân phố đông nên nhiều nơi không có chỗ họp, việc quản lý hoạt động của tổ trưởng tổ dân phố cũng khó khăn, số lượng tổ dân phố đông nên hằng năm số tiền ngân sách chi trả cho tổ dân phố rất lớn".

Ở thời điểm chia nhỏ tổ dân phố, toàn TP Đà Nẵng có 5.749 tổ dân phố.

Ngoài kinh phí chi hỗ trợ hoạt động hằng năm cho mỗi tổ dân phố là 1 triệu đồng, TP còn chi cho tổ trưởng tổ dân phố: hỗ trợ phụ cấp hằng tháng 0,5 mức lương tối thiểu (nếu tính lương tối thiểu thời điểm hiện tại là 650.000 đồng/tháng thì chi hơn 44,84 tỉ/năm), mua bảo hiểm y tế (trừ những cá nhân đã có theo quy định).

Sau đó, Sở Nội vụ đã tổ chức 2 hội thảo lấy ý kiến góp ý của các cơ quan ban ngành thì đa số đồng ý sáp nhập tổ dân phố theo quy mô lớn hơn.

Theo ông Đồng, sau khi sắp xếp lại trong năm 2018, toàn TP có 2.784 tổ dân phố, giảm được 2.965 (chiếm 51,6%) tổ dân phố so với trước đây.

Nhờ vậy tính trên toàn TP, trong 1 năm tổng mức chi phụ cấp giảm hơn 10 tỉ đồng.

HỮU KHÁ

Cô sinh viên làm tổ trưởng  tổ dân phố

TT - Không chỉ năng nổ với hoạt động Đoàn, cô sinh viên Phan Thiên Thanh (Trường ĐH Sài Gòn) lại còn được bà con lối xóm tín nhiệm bầu làm tổ trưởng dân phố 15, khu phố 2, P.Tân Thuận Tây, Q.7, TP.HCM.

TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp