
Ông Lê Văn Hân (61 tuổi) cho biết thu nhập của các thành viên trong tổ giữ xe khoảng 2 triệu đồng/tháng - Ảnh: AN VI
Chúng tôi đến chợ Đông Ba, hỏi chỗ gửi xe để vào chợ, đa phần bà con tiểu thương đều chỉ tay về phía sau khu chợ, nơi có một nhà xe đặc biệt: "Nhà giữ xe thương binh".
Nghị lực của những người thương binh
Trời tờ mờ sáng, phía trước nhà giữ xe thương binh lấp ló cái bóng của vài người đàn ông với dáng đi khập khiễng. Họ là một trong những người có mặt sớm nhất ở chợ Đông Ba, chuẩn bị mở cửa để tiểu thương gửi, vào chợ chuẩn bị bán sớm.
Đến 6h, chợ bắt đầu đông, bên trong nhà xe cũng đã có khoảng 4 - 5 người đàn ông ngồi quây quần bên ấm trà. Họ đều là thương binh trở về từ chiến trường biên giới phía Tây, vết tích của bom đạn còn hằn trên gương mặt, đôi mắt và đôi chân của thời trai trẻ.
Theo ông Bùi Ngọc Tấn (62 tuổi) - thành viên tổ giữ xe, đa phần các thành viên giữ xe sau khi trở về từ chiến trường đều bị thương tật một chân, mất ngón tay và nhiều vết tích khác trong cơ thể.
Mang nhiều thương tích, nhưng mỗi khi có xe vào gửi, những người đàn ông ở độ tuổi U60, U70 vẫn thoăn thoắt ghi phiếu, rồi xếp xe lại gọn gàng.
Nhưng đến khi có một khách chạy chiếc xe tay ga đời mới vào, xe nặng mới thấu được sự vất vả của các thương binh. Loay hoay mãi mà không xoay được đuôi xe sát vào bãi, ông vẫy tay nhờ sự trợ giúp từ đồng đội của mình.
Hai người đàn ông bị thương ở chân đều đang dùng chân giả, vất vả lắm mới nhấc được đuôi xe vào trong, ông Tấn thở phào giải thích: "Gặp mấy chiếc như thế tụi tôi ớn lắm, xe nặng còn đời mới nữa, nếu dắt không đàng hoàng ngã xe người ta xót lắm chơ răng. Tốt nhất là kêu người phụ cho chắc, chứ chân cẳng mình yếu không cố được".
Đa phần khách mua hàng trong chợ và các tiểu thương đều thông cảm cho những người thương binh trong bãi xe, họ ân cần gửi tiền và vẫn cười tươi rói, có người còn nói: "Lần sau cứ để em dắt cho, anh hí".

Bà Lê Thị Hương (61 tuổi) tranh thủ kiếm thêm tiền từ việc đong muối - Ảnh: AN VI
Nguồn thu nhập đặc biệt
Tính đến nay, mô hình tổ giữ xe thương binh này đã được duy trì suốt hơn 20 năm. Ban đầu, nhà giữ xe hoạt động ở khu vực cầu Gia Hội (cũ), sau khi cầu Gia Hội xây dựng, các tổ xe ở đó sáp nhập lại và được di dời đến phía sau chợ Đông Ba.
Theo ông Tấn, trước khi thành lập tổ xe này, thương binh trở về từ chiến trường như ông chỉ có thể bám trụ nhờ vào tiền trợ cấp thương binh mỗi tháng. Suy nghĩ về gia đình, con cái... có chăng chỉ hiện về trong giấc ngủ hằng đêm.
"Trở về từ chiến trường lúc đó vẫn còn trai trẻ, ban đầu buồn lắm chứ, nhưng cũng cố vươn lên. Suy nghĩ về gia đình dường như không tồn tại bởi mình bị hư chân, cụt chân nữa thì ai đâu mà ưng mình", ông Tấn nhớ lại khoảng thời gian chênh vênh của mình hơn 20 năm về trước.
Nhưng rồi nghị lực của người lính biên ải như động lòng trái tim các cô gái cố đô. Ông Tấn, ông Hân và nhiều người khác nữa cũng lần lượt có gia đình sau khi tham gia tổ giữ xe. Hiện tại ông Tấn đã có hai người con, nguồn thu nhập chính của gia đình từ việc giữ xe của ông và buôn bán của vợ.
"Cộng thêm tiền trợ cấp thương binh nữa, nói chung ăn uống gói ghém cũng lo được", ông Tấn nói.
Nói rồi ông chỉ về phía bà Lê Thị Hương (61 tuổi), vợ của thương binh Nguyễn Tuấn Bảy, đang loay hoay với đống muối cuối nhà xe cười nói: "Tôi cũng không hiểu sao phụ nữ giỏi như bả lại ưng thương binh như tụi tôi nữa!".
Chồng của bà Hương cũng là thành viên trong tổ giữ xe, do bị mất bảy ngón tay, không dắt xe được nên chỉ hỗ trợ làm các công việc nhẹ. Mấy ngày trở trời, tay ông Bảy đau bà Hương sẽ thay chồng ra làm ca hôm đó.
"Thấy ổng thương lắm, đâu ai muốn vậy đâu, mình thấy ổng cũng có ý chí, tự dưng là thương vậy chớ không biết giải thích sao hết", bà Hương ngượng ngùng nói.
Để cải thiện thu nhập lo cho người con trai đang học lớp 11, trong thời gian giữ xe, bà Hương còn nhận thêm muối về để vô bịch cho các sạp hàng. "Mình vô một bao như vầy là 5.000 đồng, ngồi từ sáng tới chiều kiếm cũng được 60.000 đồng", bà Hương cho biết thêm.
"Thứ níu giữ chúng tôi còn là tình đồng chí, đồng đội. Ngày nào ai đau ốm hay bận gì đều có người thay, nhà ai khó khăn quá tổ giữ xe cũng sẽ vận động mỗi người mấy chục đồng, cuối tháng ủng hộ thêm cho người đó", ông Hân chia sẻ thêm.
Niềm vui tuổi xế chiều
Sau những lúc dắt xe í ới nhau, đến khoảng gần trưa, khi nhà xe đã đầy, ông Tấn bắt đầu pha ấm trà rồi quây quần bên đồng đội, vừa ngồi chuyện trò vừa trông xe cho khách.
"Chúng tôi là thương binh, dắt xe không được lanh lẹ như người ta, chỉ lấy giá 3.000 đồng/chiếc vì vậy thu nhập cũng thấp. Giá rẻ vậy chứ tụi tôi cho gửi tới tối đó, đáng lý 7h tối là đóng cửa, nhưng nhiều tiểu thương chưa dọn hàng xong, tôi vẫn bố trí người chờ", ông Hân nói thêm. Một ngày của người thương binh như ông Hân, ông Tân... chỉ gói gọn bên ấm trà, chiếc xe và bữa cơm trưa giản dị.
Ông Hân nói nếu chia ra, cuối tháng mỗi thành viên chỉ được khoảng 2 triệu tiền công giữ xe. Nhưng ông cho biết chừng đó là nhiều đối với những người không được lành lặn như ông, bởi nếu ra ngoài, hiếm có việc nào người ta nhận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận