10/10/2015 10:03 GMT+7

Tính chuyện cai nghiện cho người vị thành niên

MAI HƯƠNG - VŨ THỦY
MAI HƯƠNG - VŨ THỦY

TT - Nên giao cho các cơ sở xã hội chăm sóc người nghiện dưới 18 tuổi với những điều kiện đặc biệt hơn so với người nghiện lớn tuổi, nghiện lâu năm ...

Người cai nghiện tại cơ sở xã hội Nhị Xuân (Hóc Môn, TP.HCM) sau khi cắt cơn đã có thể chơi thể thao, sức khỏe dần ổn định - Ảnh: Vũ Thủy

Chuyện quan trọng này được các đại biểu đưa ra bàn tại buổi thường trực HĐND TP.HCM làm việc với thường trực UBND TP để nghe báo cáo về việc đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, vào chiều 9-10.

Ông Hứa Ngọc Thuận - phó chủ tịch UBND TP - cho rằng TP.HCM sẽ “lãnh đủ” nếu chấm dứt thực hiện nghị quyết 77. Nghị quyết 77 cho phép TP.HCM đưa người không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đến cuối năm 2015, trong khi theo ông Thuận, hiện nay ngoài sự phức tạp ngày càng gia tăng của các loại ma túy tổng hợp, TP đang xuất hiện một hình thức sử dụng chất gây nghiện chưa có quy định pháp luật để xử lý...

“Chất gây nghiện được chế thành dạng nước tẩm vào giấy thấm, người nghiện chỉ cần ngậm giấy để “phê”. Khi phát hiện thì không xử lý được vì đâu phải ma túy, hàng đá mà chỉ là miếng giấy thấm 

Ông Hứa Ngọc Thuận nói về hình thức sử dụng chất gây nghiện mới tại TP.HCM chưa có quy định để xử lý

Phải lo cho các em chưa thành niên

Tại cuộc họp, ông Hứa Ngọc Thuận cho biết hiện nay quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính không đề cập đến người nghiện ma túy vị thành niên, do đó người nghiện ma túy dưới 18 tuổi hiện nay vẫn còn bỏ ngỏ.

Ông Trần Ngọc Du, chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM), cho biết trước đây cơ sở xã hội Thanh thiếu niên 2 (huyện Củ Chi) là nơi tiếp nhận cai nghiện bắt buộc cho nhóm này, nhưng hiện nay chỉ còn tiếp nhận diện cai nghiện dịch vụ với lượng duy trì khoảng hơn 100 em.

Cùng mối quan tâm, ông Trần Trung Dũng, giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội TP, cho rằng những em nhỏ mới nghiện là đối tượng rất cần được quan tâm, cần phải được tiếp cận ngay để đưa các em trở về con đường sáng.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, chủ tịch HĐND TP, đồng tình: “Mấy em còn nhỏ, mình không lo cho nó, cứ giải độc cắt cơn 15 ngày xong lại trả về cho gia đình theo như quy định hiện nay mà không theo dõi, quan tâm để rồi các em nghiện đi nghiện lại mãi ảnh hưởng đến việc học hành, công ăn việc làm thì không ổn”.

Bà Tâm đề nghị sắp tới nên giao cho các cơ sở xã hội chăm sóc người nghiện dưới 18 tuổi với những điều kiện đặc biệt hơn so với người nghiện lớn tuổi, nghiện lâu năm để bảo đảm an toàn cho nhóm đối tượng này trong quá trình cai nghiện. “Chỉ cần gia đình tự nguyện giao các em cho mình để mình lo vụ này thì đây là việc TP rất nên làm”- bà Tâm nói.

Liên quan đến việc đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, ông Thuận cho rằng trước hết cần có sự thống nhất về khái niệm “không có nơi cư trú ổn định” vì hiện nay mỗi địa phương vận dụng mỗi khác.

Ông Thuận cũng nêu thực tế là có người sống lang thang, lây lất nhiều nơi nhưng khi cơ quan chức năng phát hiện họ nghiện ở chỗ này thì họ lại có hộ khẩu ở nơi khác.

Kiến nghị tiếp tục thực hiện cai nghiện bắt buộc

Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, mục đích lớn nhất của công tác cai nghiện là giúp người nghiện có môi trường cai nghiện thuận lợi và có đủ điều kiện để cai nghiện.

Theo bà Tâm, thực tế cho thấy người có tiền, có gia đình, có nơi cư trú ổn định chưa chắc đã cai nghiện thành công vì việc cai nghiện còn cần có môi trường sống tốt, có sự quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng.

Bà Tâm nhấn mạnh thành phố có lực lượng cán sự xã hội tình nguyện hùng hậu, có kinh phí nên việc tổ chức đưa người đi cai nghiện không ngoài tầm tay của TP, điều cần nhất là TP có cơ chế để làm.

Bà Tâm cho biết tinh thần là trong kỳ họp Quốc hội cuối năm nay, Đoàn đại biểu Quốc hội TP sẽ kiến nghị Quốc hội đồng ý cho TP.HCM tiếp tục thực hiện đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

“Từ nay đến cuối năm, thường trực HĐND TP đề nghị UBND TP tiếp tục thực hiện các kế hoạch đã đề ra, phát huy các mặt tích cực. Những vấn đề còn vướng mắc nếu trong tầm của TP thì nhanh chóng tháo gỡ. Cái gì còn vướng về mặt pháp luật thì kiến nghị Quốc hội. Đặc biệt vấn đề nào phát sinh từ thực tiễn thì lấy chính thực tiễn để làm cơ sở kiến nghị sửa đổi quy định cho phù hợp hơn”- bà Tâm chỉ đạo.

Tại buổi làm việc, ông Hứa Ngọc Thuận cũng đề cập đến khó khăn của việc cai nghiện tại gia đình đối với người có nơi cư trú.

“Theo quy định, người nghiện cai nghiện tại gia đình, cộng đồng phải trải qua thời gian cắt cơn 15 ngày ở cơ sở y tế của phường, xã, thị trấn, nhưng trước nay mô hình mẫu của y tế xã, phường không có phòng cắt cơn, giải độc, nhân lực y bác sĩ cũng không bố trí cho việc này. Thành phố tháo gỡ bằng cách sử dụng các cơ sở xã hội đang có sẵn để cắt cơn cho nhóm này, nhưng lại gặp vấn đề về kinh phí” - ông Thuận nêu rõ.

Ông Thuận kiến nghị TP cần cho vận dụng cơ chế hỗ trợ như đối với người nghiện cai nghiện bắt buộc, nghĩa là hỗ trợ kinh phí cắt cơn giải độc cho cả đối tượng có nơi cư trú ổn định nhưng không có điều kiện cai nghiện.

Về vấn đề này, bà Tâm yêu cầu UBND TP đề xuất ngay trong kỳ họp HĐND TP cuối năm. Bà Tâm bày tỏ quan điểm: “Theo đề xuất này, TP tốn thêm không ít chi phí nhưng đó là đồng tiền bỏ ra để cứu lấy nhân cách con người. Các quy định hiện tại của pháp luật cũng còn độ vênh nhưng chúng ta làm không phải vì mục đích cá nhân mà vì lợi ích cộng đồng nên cứ mạnh dạn làm”.

Bà Tâm yêu cầu Sở Tài chính TP tính toán, cân đối các nguồn chi để tham mưu đề xuất lãnh đạo TP xem xét, quyết định.

Đã đưa gần 3.500 người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

TP. HCM triển khai đề án “Đưa người nghiện không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở xã hội để chờ lập hồ sơ đề nghị tòa án đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc” từ ngày 5-12-2014.

Tính đến ngày 5-9-2015, TP đã có trên 14.000 người được kiểm tra, xét nghiệm ma túy với gần 9.500 trường hợp dương tính. Trong đó, gần 5.400 người nghiện đã được đưa vào cơ sở xã hội và sau đó gần 3.500 người nghiện đã được tòa án ra quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

MAI HƯƠNG - VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp