Ai trong chúng ta rồi cũng sẽ khác, nhưng đó là do theo thời gian chúng ta trưởng thành đưa đến cái nhìn và tính cách thay đổi, hay là do bản chất sinh học thay đổi khiến chúng ta cũng đổi thay theo? - Ảnh: ALCCORTING
"Già đổi tính", đúng không?
Tính cách là tính chất, đặc điểm nội tâm được thể hiện qua những suy nghĩ, cảm xúc và hành vi duy nhất của một người.
Mọi người có xu hướng nghĩ tính cách là cố định, thuộc về bản chất một người, không thể thay đổi. Nhưng theo các nhà tâm lý học, điều đó hoàn toàn sai.
Brent Roberts, nhà tâm lý học tại Đại học Illinois tại Urbana-Champaign (Mỹ), cho biết: "Tính cách là một hiện tượng phát triển. Nó không chỉ là "một thứ tĩnh" mà bạn có vĩnh viễn và không thể thay đổi".
Điều đó có nghĩa chúng ta luôn là một con người khác mỗi sớm mai thức dậy. Tuy nhiên, chúng ta hầu như không thể nhận thấy sự thay đổi trong tính cách của mình.
Vấn đề về sự thay đổi của tính cách đã được các nhà khoa học nghiên cứu trong cả thế kỷ qua.
Một kết luận cách đây 20 năm được công bố trên tạp chí Psychological Bulletin, dựa trên kết quả phân tích của 152 nghiên cứu về tính cách của nhiều người ở độ tuổi từ thời thơ ấu đến đầu 70 tuổi cho thấy, đặc điểm tính cách của mỗi cá nhân có xu hướng nhất quán trong mỗi thập kỷ của cuộc đời.
Khuôn mẫu nhất quán đó bắt đầu vào khoảng năm 3 tuổi hoặc có thể sớm hơn và tính cách ban đầu dường như sẽ ảnh hưởng đến kinh nghiệm sống sau này.
Ví dụ, một đứa trẻ 3-4 tuổi có tính cách nhút nhát, hay e ngại; nhanh nhẹn, linh hoạt; dễ nổi nóng và dễ bỏ cuộc thì trong khoảng 10-20 năm sau cũng có xu hướng tính cách tương ứng như vậy. Chỉ có điều rằng sự nhút nhát của đứa trẻ 3 tuổi rất khác với một thanh niên 20 tuổi.
Không chỉ ngoại hình mà cả về tính cách cũng sẽ thay đổi khi chúng ta già đi - Ảnh: STARTSAT60
Tuy nhiên, trong cả ngần ấy năm, tính cách của chúng ta vẫn thay đổi, nhưng dần dần, tới mức khó nhận ra. Chúng ta sẽ không nhận thấy điều đó trên thang thời gian từ 5 đến 10 năm, nhưng về lâu dài, nó trở nên rõ rệt.
Vào năm 1960, các nhà tâm lý học đã khảo sát trên 440.000 học sinh trung học, trả lời các câu hỏi về mọi thứ, từ cách họ phản ứng với các tình huống cảm xúc cho đến cách họ hoàn thành công việc hiệu quả. 50 năm sau, các nhà nghiên cứu đã theo dõi 1.952 trong số những cựu sinh viên này và cho họ khảo sát tương tự.
Kết quả được công bố năm 2018 trên Tạp chí nhân cách và tâm lý xã hội, phát hiện ra rằng ở độ tuổi 60, những người tham gia trả lời khác hơn nhiều so với khi còn là thanh thiếu niên đối với các câu hỏi đo lường sự bình tĩnh, tự tin, khả năng lãnh đạo và sự nhạy cảm với xã hội.
Một lần nữa, các nhà khoa học khẳng định, tính cách có xu hướng thay đổi, trở nên "tốt hơn" theo thời gian. Họ gọi đó là "nguyên tắc trưởng thành". Mọi người trở nên hướng ngoại hơn, ổn định về cảm xúc, sống nhẹ nhàng và bình lặng hơn khi họ lớn lên và già đi.
Một số cá nhân có thể thay đổi ít hơn những người khác, nhưng nói chung, nguyên tắc trưởng thành xuất hiện trên tất cả mọi người.
Điều gì khiến chúng ta thay đổi?
Ai trong chúng ta rồi cũng sẽ khác, nhưng đó là do theo thời gian chúng ta trưởng thành đưa đến cái nhìn và tính cách thay đổi, hay là do bản chất sinh học thay đổi khiến chúng ta cũng đổi thay theo?
Các bằng chứng nghiên cứu khoa học và tâm lý cho thấy sự thay đổi tính cách không phải hoàn toàn do những sự kiện đánh dấu mốc trong cuộc sống tạo nên, chẳng hạn như kết hôn, sinh con hoặc mất người thân.
Thay vào đó, những thay đổi đến khi chúng ta thích nghi với cuộc sống mới mỗi ngày, giống như khi chúng ta thích nghi với trường đại học, công việc cơ quan, bắt đầu một gia đình.
"Theo thời gian, bạn thấy mình sẽ phải "sống khác đi một chút" trong những môi trường khác nhau. Vì vậy, chúng ta thích nghi, rồi chúng ta thay đổi. Bởi vì thế, ai trong chúng ta rồi cũng khác. Chẳng ai nói được tương lai chúng ta trở thành người như thế nào", nhà tâm lý Brent Roberts nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận