29/04/2019 06:30 GMT+7

Tình bạn hai đầu cầu Hiền Lương

QUỐC NAM
QUỐC NAM

TTO - Đất nước đã liền một dải. Anh em lại chung một mái nhà… Nhiều năm trôi qua, người công an gác đầu bắc cầu Hiền Lương vẫn không quên kỷ niệm nơi chia cắt đất nước, đặc biệt là người bạn phía bờ nam khi chấm dứt đạn bom.

Tình bạn hai đầu cầu Hiền Lương - Ảnh 1.

thời còn chia cắt đất nước vì chiến tranh - Ảnh tư liệu

Như khơi đúng mạch nguồn, ông Nguyễn Xuân Lực tâm sự mình đã làm nhiệm vụ gác đầu bắc cây cầu lịch sử Hiền Lương ở vĩ tuyến 17. Rồi bất chợt ông dừng lại ở cái tên: Huỳnh Đức Trình, một người bạn đặc biệt của mình!

Qua cuộc đạn bom

Câu chuyện giữa ông Lực và người bạn tên Trình bắt đầu từ ngay trên cầu Hiền Lương thời đạn bom còn phân chia Tổ quốc. Một nửa cầu phía bắc thuộc quản lý của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Nửa cầu bên kia thuộc Việt Nam Cộng hòa.

Ông Lực là công an làm nhiệm vụ bảo vệ cầu bên bờ bắc suốt 10 năm từ 1962 đến 1972. Ông Trình là cảnh sát bờ nam.

Ranh giới cách nhau chỉ hơn trăm bước chân, nên ông Lực biết tất cả cảnh sát bên bờ nam. Trong đó có một người mà giai đoạn ấy rất khó gần - chính là ông Trình. Gợi kỷ niệm khó quên, ông Lực tâm sự đó cũng là chuyện bình thường trong bối cảnh hai miền Nam - Bắc tuy chỉ cách nhau một cây cầu nhưng như xa vạn dặm vì chiến tranh.

Lòng người cầm súng đứng gác hai đầu cầu có thể mến nhau, muốn gần nhau, nhưng vẫn phải cảnh giác vì nhiệm vụ…

Tình bạn hai đầu cầu Hiền Lương - Ảnh 2.

Ngày thanh bình ở cầu Hiền Lương - Ảnh: Q.NAM

Rồi đến ngày chiến tranh qua đi, ông Lực cũng không còn gặp ông Trình cũng như những người lính bờ nam. Đi học Trường cao đẳng Văn hóa ở Hà Nội, ông Lực về làm cán bộ Ty Văn hóa Bình Trị Thiên thời chưa chia tách tỉnh. Và trong một chuyến công tác miền núi Hướng Hóa giai đoạn đầu những năm 1980, ông đã bất ngờ bước vào câu chuyện đặc biệt về tình nghĩa đồng bào, tình bạn sau cuộc đạn bom.

"Sáng nớ (đó), tui từ nhà khách huyện đi ra chợ Khe Sanh và ghé lại một sạp bán đầy măng, mít cuối chợ. Bất ngờ người đàn ông khoảng ngang tuổi là chủ sạp đang lúi húi sắp đồ, ngước lên và cứ nhìn chăm chăm khách. Tui cũng ngờ ngợ điều chi đó đặc biệt" - ông Lực nhớ lại.

Và người mở lời trước chính là ông bán măng: "Có phải anh Lương, công an bờ bắc không?". Lương chính là bí danh hoạt động ở giới tuyến của ông Lực, nên ông càng ngạc nhiên hơn khi có người biết chính xác mình. Nhưng sau nhiều năm tháng chiến tranh làm ông vẫn chưa thể nhận ra người đối diện. "Trình, cảnh sát bờ nam đây" - ông Lực vẫn nhớ rõ người bán măng tự chỉ tay vào ngực mình nói nhỏ.

Ông Nguyễn Xuân Lực xem lại kỷ vật khi còn làm công an gác đầu bắc cầu Hiền Lương - Video: QUỐC NAM

Lòng chúng tôi đã coi nhau như anh em. Tổ quốc thống nhất rồi, mình đều là người một nhà sau cuộc đạn bom.

Ông Nguyễn Xuân Lực

"Bỏ hết chuyện cộ nghe"

Một hành động sau đó mà có lẽ hai người đàn ông đều chưa bao giờ nghĩ là nó sẽ xuất hiện trong đời mình: hai người lính từng chĩa mũi súng vào nhau ở hai bên chiến tuyến lại bá vai bá cổ, vui mừng cười nói như bạn thân lâu ngày gặp lại.

Rồi ngay chiều hôm đó, ông Trình kéo ông Lực về nhà riêng ở bản Pa Nho gần chợ. Suốt buổi tối, bên ly rượu ấm nồng, hai người đàn ông ngồi hàn huyên. Ông Lực mở lời từ ly rượu đầu tiên: "Giờ bỏ qua hết chuyện cộ (cũ) đi nghe, đừng nhắc nữa. Anh em miềng (mình) trước mỗi người một nhiệm vụ. Nay hòa bình rồi, thống nhất là một rồi, cứ coi nhau như những người bạn thôi hỉ".

Hiểu lòng chân thành của bạn, ông Trình với tay vặn to lửa cây đèn dầu trước mặt, ngửa cổ uống cạn ly rượu, rồi xúc động gật gật đầu mà không thốt được lời nào. Mãi đến lúc này, ông Lực mới biết tên thật của người bạn chia đôi ly rượu với mình là Quyết, còn Trình cũng chỉ là bí danh.

Ông Quyết kể với ông Lực rằng sau khi giải ngũ, ông lấy vợ, sinh con. Cuộc sống hậu chiến bộn bề khó khăn nên ông đưa gia đình lên miền núi Hướng Hóa làm kinh tế mới. Ở chung bản Pa Nho với đồng bào Vân Kiều, ông phát rẫy trồng ngô và có thêm khu vườn trồng dứa khác ở ven sườn đồi, nên cuộc sống sau đó dần đỡ hơn.

Ông Lực đồng cảm sự chân chất, hiền lành của ông Quyết nên sau đó mỗi khi lên công tác miền núi Hướng Hóa, dù bận đến mấy ông cũng tranh thủ vào Pa Nho thăm bạn.

Tình bạn hai đầu cầu Hiền Lương - Ảnh 5.

Cổng chào phía bắc cầu Hiền Lương thời chia cắt luôn có sẵn câu khẩu hiệu "Nam bắc một nhà" - Ảnh tư liệu

Tình bạn hai đầu cầu Hiền Lương - Ảnh 6.

Ông Lực vẫn nhớ bạn từng bên kia chiến tuyến - Ảnh: QUỐC NAM

Ông Nguyễn Hữu Ái, nguyên trưởng Phòng văn hóa huyện Hướng Hóa, kể cách đây khoảng 20 năm đã được ông Lực mời về chơi nhà người bạn này ở chân đồi Cù Bốc, gần cầu Pa Nho. Bên ly rượu ngô tự nấu, hai người bạn tâm sự rất nhiều về gia đình, cuộc sống. Nhưng tuyệt nhiên không ai nhắc đến quá khứ. Lúc đó, ông Ái mới hiểu vì sao đôi bạn duy trì được thâm tình suốt 20 năm như thế.

Mối thâm tình 20 năm

Một hôm, ông Lực đang ở cơ quan thì bảo vệ báo có người vác cả bao bắp ngô và ôm quả mít đến tìm. Ông Lực ngờ ngợ chạy ra đón thì đúng là bạn Quyết. Sau cái bắt tay, ông Lực kéo luôn bạn về nhà mình chơi. Ông Quyết nói ngày mai sẽ vào thăm quê cũ ở Quảng Điền (Thừa Thiên - Huế) và hỏi ông Lực có đi chơi cùng không. Ông Lực gật đầu ngay.

Hai người bạn rong ruổi ngày đêm ở Huế. Họ chia sẻ với nhau nhiều kỷ niệm khó quên của chiến tranh chia cắt lẫn nghĩa tình thời bình mà như quên hẳn mình đã từng chĩa súng vào nhau ở hai đầu cầu vĩ tuyến.

Giờ đã 78 tuổi, sau nhiều năm làm trưởng phòng văn hóa của Sở Văn hóa Quảng Trị, ông Lực nghỉ hưu về sống ở thành phố Đông Hà (Quảng Trị) và dành thời gian cho đam mê sáng tác dân ca. Chỉ có một điều làm ông tiếc nuối nhất là từ khi nghỉ hưu, sức khỏe yếu khiến ông ít có cơ hội ngược lên miền núi Hướng Hóa thăm bạn cũ.

Tình bạn hai đầu cầu Hiền Lương - Ảnh 8.

Ông Lực (trái) chụp tại cầu Hiền Lương cùng đồng đội giai đoạn những năm 1960 - Ảnh: QUỐC NAM chụp lại

Năm 2015, qua một người quen ở Hướng Hóa về chơi, ông nhận được tin ông Quyết đã qua đời vì bạo bệnh. Ông Lực xúc động kể mình cũng muốn đi viếng bạn lắm, nhưng thời điểm đó sức khỏe ông không còn cho phép thực hiện chuyến hành trình ngược núi dài như thế nữa. Lòng ông chùng suốt, buồn nhớ bạn suốt nhiều ngày. Đôi bạn đã thâm giao chân thành dài đến 20 năm.

Trò chuyện với chúng tôi về giai đoạn chia cắt lịch sử ở cầu Hiền Lương, ông Lực cứ nhắc tới nhắc lui rằng thực ra không phải lúc nào không khí đối địch giữa hai đầu cầu cũng căng thẳng. Qua nhiều lần tiếp xúc, dường như hai bên đều ý thức được họ chỉ đang làm nhiệm vụ.

Ông Lực kể, chỉ khi súng nổ thì mới thành đối địch. Còn lại những lúc không phải làm nhiệm vụ, người lính hai đầu cầu vẫn trò chuyện cùng nhau.

"Mỗi tuần cả bốt công an bên bờ bắc được cấp cây thuốc lá. Một người mỗi ngày chỉ được hút vài điếu. Lính bên bờ kia hình như cũng thế, nhưng khi đi tuần gặp nhau trên cầu, hai bên vẫn rút thuốc ra mời nhau thân tình" - ông Lực sẻ chia.

Tình bạn hai đầu cầu Hiền Lương - Ảnh 9.

Thi thoảng ông Lực vẫn ngồi xem lại kỷ vật lúc làm công an ở bờ bắc cầu Hiền Lương thời bắc nam chia cắt - Ảnh: QUỐC NAM

Hoa hồng từ cây cầu giới tuyến

Suốt buổi trò chuyện, ông Lực nhiều lần nhắc kỷ niệm về một cành hoa hồng. Ông nhớ rất rõ đó là ngày lễ Phật đản năm 1963. Trong đoàn người từ Huế ra Hiền Lương thăm có một phụ nữ dẫn theo cô con gái. Người phụ nữ này chính là em gái ruột của một phó chỉ huy đồn cảnh sát bờ nam tên Cầu (bí danh hoạt động thời điểm đó là Kiều).

Thấy có trẻ em lên cầu, ông Lực cùng một số công an bờ bắc cùng ra giữa cầu trò chuyện. Một người trong nhóm cắt mang theo nhánh hoa hồng dài ở gần cột cờ bờ bắc để tặng bé gái. Cành hoa hồng từ khóm hoa mà trước đó Chính phủ Bulgaria tặng đất lửa Vĩnh Linh. Điều bất ngờ là nhiều năm sau, khi ông Lực về công tác tại Ty Văn hóa Bình Trị Thiên thì gặp lại chính ông Cầu làm tiệm sửa xe ở gần cầu An Cựu thời bình.

Nghe kể chuyện, ông Lực biết thông tin người em gái ông Cầu sau khi nhận nhánh hoa hồng đã đưa vô Huế và trồng tại nhà mình. Cùng nghe chuyện này với ông Lực còn có nhà văn Quang Hà. Ông Lực sau đó bỏ nhiều ngày đi tìm cho được ngôi nhà em gái ông Cầu.

"Cuối cùng tôi cũng tìm được nhà, nhưng hai vợ chồng cô em gái ông Cầu đã di tản vào miền Nam. Chỉ còn bà mẹ ở nhà. Nếu gặp được thì đã là một câu chuyện có cái kết rất đẹp" - ông Lực tiếc nuối.

Phục hồi màu sơn nguyên bản cầu Hiền Lương

Cần biết - Tỉnh Quảng Trị vừa hoàn thành việc phục hồi màu sơn cho cầu Hiền Lương theo nguyên gốc.

QUỐC NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp