Phóng to |
Cựu bộ trưởng Bộ Năng lượng Vũ Ngọc Hải bây giờ - Ảnh: Đăng Nam |
Và cuối cùng tin vui đóng điện cũng lan vào tận phòng giam. Giờ đây, đã gần 20 năm trôi qua, khi nhắc đến chuyện ngày ấy ông cười bảo: “Nhớ, nhưng không cay đắng lắm”.
“Ba năm sá gì”
"Vào đó rồi mới thấy lòng người đối với mình. Bản thân tôi cũng tự hào rằng mình không có cái gì sai cả, nếu có thì chẳng ai vào trại thăm mình" |
Chúng tôi tìm đến đường Phan Đình Phùng (Hà Nội) hỏi nhà ông Vũ Ngọc Hải - nguyên bộ trưởng Bộ Năng lượng. Người mà gần 20 năm trước phải vào tù vì tội cho phép nhập 4.000 tấn thép từ một công ty tư nhân cho công trình đường dây 500kV. Cửa nhà 6B mở ra. Người mở cửa chính là ông.
Ở tuổi 83, minh mẫn xem ra còn được mấy người như ông. Tóc đã bạc hết, da đã mồi. Ngồi tiếp khách một lúc, ông chậm rãi lên tầng hai mang xuống một cuốn album ảnh ố màu mà theo lời ông đây là những bức ảnh gắn với cả cuộc đời ông. Vinh có, nhục có. Đó là bức ảnh vợ chồng ông chụp khi còn rất trẻ bên chiếc xe đạp, đến tấm ảnh chụp ông đi du học tại Thiên Tân (Trung Quốc). Hay bức ảnh chụp cảnh Nhà máy điện Uông Bí bị bom Mỹ ném mà khi ấy ông làm giám đốc... Nhưng nhiều nhất có lẽ vẫn là những bức ảnh chụp cảnh ông sinh hoạt trong trại giam Thanh Xuân (Hà Nội).
Lật giở từng trang, kể chuyện từng bức ảnh, cuối cùng ông dừng lại ở bức ảnh chụp cảnh chi chít người bao quanh tòa nhà màu vàng rồi nói: “Quang cảnh hôm tòa xử tôi đấy. Đông người lắm”. Tác giả của bức ảnh ấy là ai giờ ông không còn nhớ rõ, nhưng đó là một bức ảnh được chụp từ xa và chụp từ trên cao xuống nên mới có thể thấy hết cảnh cả một rừng người. Xem xong bức ảnh, vị cựu bộ trưởng trầm ngâm một hồi rồi tiếp tục câu chuyện: “Tôi bị tòa tuyên án 3 năm tù, nhưng may là hôm ấy họ không bắt tại tòa. Tòa kết thúc, tôi bảo con rể chở về nhà ở khu tập thể Kim Liên bằng xe máy. Nhưng khi ra khỏi tòa thì thấy cả đoàn người kéo nhau đi theo sau. Về đến ngõ, quay lại thấy cả một đoàn ôtô, xe máy đi sau lưng. Tôi liền bảo: “Thế các cháu đi theo chú làm gì?”. Nghe vậy cả nhóm thanh niên trả lời: “Chúng cháu phục bác. Yêu mến bác. Ba năm sá gì. Thôi bác vui vẻ mà giữ gìn sức khỏe đi”. Nghe vậy tôi cũng yên tâm phần nào. Tôi ở tù chừng hơn một năm sau thì được ân xá cho về trước hạn. Có lẽ tôi là người đầu tiên được đặc xá trước 1/3 thời gian, chứ trước đó làm gì có”.
Phóng to |
Thủ tướng Võ Văn Kiệt gắn huy hiệu đường dây 500kV cho ông Hải ngay tại trại giam Thanh Xuân (Hà Nội) - Ảnh: tư liệu gia đình ông Hải |
Chiếc huy hiệu 500kV và hai chai sâm banh
Ông Hải vào trại một thời gian thì đích thân Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào thăm. Ông Hải kể lại: “Sáng hôm đó, chừng 5g tôi đang tập thể dục giữa sân trại thì cậu cục phó trại chạy vội vã đến bảo: “Anh Hải ơi, về thay quần áo đi. Thủ tướng sắp vào”. Tôi bảo: “Vào ngay à?”. “Vâng, đang trên đường vào”. Nghe vậy tôi liền nói: “Thế thì hay quá!”. Khi đến phòng khách thấy tôi, anh Kiệt hỏi ngay: “Khỏe không?”. Tôi cười bảo: “Phải cố mà khỏe chứ anh”. Sau một hồi hỏi dồn dập từ chuyện ăn ở ra sao, sinh hoạt thế nào, cuối cùng tôi thấy anh Kiệt trầm ngâm một lúc rồi bảo: “Có biết hôm qua là ngày gì không?”. Tôi bảo: “Thưa anh, tôi biết. Hôm qua là ngày đóng điện đường dây 500kV. Nhưng đóng giờ nào thì tôi không biết”. Anh Kiệt mới hỏi lại: “Sao biết?”. Tôi trả lời: “Ở trong này cái gì mà không biết. Mà anh thấy không, anh cứ lo kỹ thuật đóng điện. Đến khi đóng, có vấn đề gì không?”. Nghe vậy, Thủ tướng nói giọng như reo vui: “Ừ tao sướng lắm rồi”. Tôi hỏi tiếp: “Thế hôm qua anh ngủ được không?”, anh bảo: “Hôm qua tao sướng quá không ngủ được nên sáng nay vào sớm thăm ông đây”. “Thế mấy hôm trước thì sao?”. Anh Kiệt bảo: “Mấy hôm trước lo quá cũng không ngủ được”. Xong rồi tôi mới hỏi anh Kiệt một câu như thế này: “Tôi nghe tin trên không đồng ý cho làm lễ khánh thành. Anh thấy thế nào?”. Nghe vậy, anh Kiệt im lặng một lúc rồi bảo: “Thôi. Phải chấp hành!””.
Trong trại giam, Thủ tướng Võ Văn Kiệt lấy trong túi ra chiếc huy hiệu đường dây 500kV rồi gắn lên ngực ông Hải. Ông Hải kể tiếp: “Gắn xong anh Kiệt bảo: “Ông là người đầu tiên vinh dự được gắn huy hiệu đường dây đấy”. Thủ tướng lấy hai chai sâm banh rót ra mỗi người một cốc, mời uống. Chai còn lại Thủ tướng bảo tôi: “Ông cầm về mà uống””.
Trầm ngâm một lúc, ông Hải tiếp lời: “Thú thật khi nghe tin Thủ tướng vào thăm, trong lòng tôi dâng trào một cảm giác kỳ lạ. Thứ nhất là phấn khởi. Thứ hai là thấy công lao của mình cũng đã được đền đáp một phần. Và thứ ba là thấy tủi thân vì sao mình ở đây”.
Tình người
Rồi ông Hải kể tiếp: “Chừng vài tháng sau, anh Khải (Phó thủ tướng Phan Văn Khải - PV) vào thăm. Anh Khải vào, mang theo hai chai rượu bảo rằng: “Của cơ quan chuẩn bị”. Nhiều anh em đi theo lo ngại bảo: “Nội quy trại không cho phép mang rượu vào”. Nghe vậy anh Khải cười: “Đây là trường hợp đặc biệt. Cơ quan đã chuẩn bị”. Sau đó anh Khải lấy ra một chiếc áo rét đưa tôi bảo “mặc cho nó ấm”. Tiếp đến anh rút ra một phong bì màu đỏ rồi đưa cho tôi bảo: “Tết, bà xã tôi lì xì cho ông””.
Ông Hải bảo rằng điều ông nhận ra trong những ngày ở tù đó là tình người. “Vào đó rồi mới thấy lòng người đối với mình. Bản thân tôi cũng tự hào rằng mình không có cái gì sai cả, nếu có thì chẳng ai vào trại thăm mình. Gần 400 ngày trong tù tôi đã tiếp thủ tướng, phó thủ tướng, rồi đến 28 vị bộ trưởng, thứ trưởng. Riêng nhân dân thì đông lắm, nhiều địa phương còn tổ chức từng đoàn vào thăm, đặc biệt là miền Nam” - ông Hải nói. Ông cười hiền nhớ lại cảnh một đoàn 30 người, chủ yếu là các giám đốc ở miền Nam, kéo nhau ra thăm ông. Khi đến cổng trại hỏi xin vào thăm, sợ bị khó dễ, đoàn người này bảo: “Chúng tôi là người nhà anh Hải từ Sài Gòn ra thăm”. Thấy vậy, giám thị trại chạy vào báo. Khi ông Hải ra tiếp thì thấy chẳng ai trong số họ quen biết cả. Hỏi ra thì một ông trong đoàn đứng lên nói: “Kính thưa bộ trưởng, chúng tôi là các giám đốc, xí nghiệp ở miền Nam ra thăm bộ trưởng. Từ ngày miền Nam được “ăn” điện của miền Bắc thì nhà máy chúng tôi vận hành liên tục. Sướng lắm. Có được điều này một phần là nhờ công của bộ trưởng, vậy nên chúng tôi quyết định ra thăm anh chứ bà con thân quyến gì đâu”. Ông Hải nhớ ông đã không thể giấu được cảm xúc khi nghe những người miền Nam xa lạ nói những lời này.
Một hôm khác, ông Hải lại đón một đoàn cả bí thư lẫn chủ tịch xã ở huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) ra thăm. Đến nơi, ông bí thư đứng lên trịnh trọng: “Kính thưa đồng chí bộ trưởng!”. “Nghe vậy tôi cười xua tay bảo: Ở đây làm gì có bộ trưởng nữa, ngồi xuống nói chuyện như anh em trong nhà đi. Rồi tôi nói vui rằng nghe bảo xã các anh tiến bộ lắm hả? Có karaoke không, hôm nào tôi vào hát? Vậy là mọi người cười ầm lên, vui vẻ” - ông Hải nhớ lại.
Tháng 10-1996, trụ điện 500kV suýt ngã đổ vì mưa bão tại vị trí 1906 (huyện Phước Sơn, Quảng Nam). Nếu trụ 1906 đổ gãy, toàn miền Nam mất điện ít nhất ba tháng. Hàng trăm con người lội suối băng rừng trong thác lũ, trực thăng cứu hộ chở từng rọ đá tập kết như chiến tranh. |
____________________
Kỳ tới:Cuộc giải cứu nghẹt thở
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3: Kỳ 4: Kỳ 5:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận