"Chúng ta sẽ chết, nhưng chị sẽ không chết vì ung thư"
Đó là câu nói của bác sĩ khiến bà Đặng Thị Minh Nguyệt (sinh năm 1942, Hà Nội) tin tưởng vào phác đồ điều trị để chiến thắng căn bệnh ung thư quái ác.
Nhớ lại cách đây 25 năm, đúng vào thời điểm nghỉ hưu theo chế độ nhà nước, lúc ấy bà Nguyệt còn nghĩ sẽ có thời gian để nghỉ ngơi, chăm sóc cho chồng con, nhưng bạo bệnh bỗng ập tới.
Trước khi biết mình mắc bệnh ung thư đại trực tràng, bà Nguyệt thường bị rối loạn tiêu hóa. Tuy nhiên, bà nghĩ có tuổi nên tiêu hóa kém, chỉ cần chú ý tới ăn uống sẽ không có vấn đề gì. Đến một ngày, đại tiện ra máu nhày, bà mới quyết định đến bệnh viện khám.
"Tôi đi khám tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn thì họ giới thiệu tới Bệnh viện K. Lúc đó, bác sĩ có nói bệnh tiêu hóa tôi mắc không đơn giản, rất có thể là ung thư ác tính. Sau khi thăm khám tại Bệnh viện K, bác sĩ kết luận tôi mắc ung thư đại trực tràng.
Tôi nghĩ ngay thôi chết, mắc ung thư coi như là án tử. Lúc đó, tôi hoang mang lắm", bà Nguyệt kể lại.
Sau đó, bà Nguyệt được bác sĩ Đoàn Hữu Nghị, nguyên phó giám đốc Bệnh viện K, phó chủ tịch Hội Ung thư Hà Nội, trực tiếp điều trị.
"Tôi nhớ mãi bác sĩ Nghị nói với tôi: "Chúng ta ai cũng phải chết, nhưng chị sẽ không chết vì căn bệnh ung thư". Nhờ câu nói đó của bác sĩ Nghị mà tôi đã tin tưởng mình sẽ khỏi bệnh, đã vượt qua ung thư và sống khỏe mạnh tới ngày hôm nay", bà Nguyệt bộc bạch.
Sau đó bà Nguyệt được phẫu thuật cắt bỏ ung thư đại trực tràng, điều trị tia xạ và hóa chất, sức khỏe dần ổn định. Suốt 25 năm qua, bà Nguyệt vẫn duy trì khám định kỳ để theo dõi sức khỏe.
Bà Nguyệt hồ hởi khoe sau khi điều trị ung thư, bà vẫn tham gia thể dục dưỡng sinh, dạy dưỡng sinh cho tổ dân phố, hội người cao tuổi.
"Tinh thần lạc quan, thể dục đều đặn, vậy cuộc sống mới vui tươi, sức khỏe của mình luôn tốt hơn", bà Nguyệt cười nói.
Người chồng 'nổi tiếng chăm vợ khéo'
Ngồi cạnh chồng trong lần khám sức khỏe định kỳ, bà Nguyệt nắm lấy tay chồng cười nói: "Tôi vẫn nhớ mãi câu nói của chồng lúc ấy. "Thôi em cố gắng chữa bệnh để sống với anh và con". Đó là câu nói động viên khiến tôi càng có thêm động lực để chiến đấu với bệnh tật".
Ông Phan Sĩ Liên, chồng bà Nguyệt, chia sẻ trước thời điểm bà Nguyệt mắc bệnh cũng đúng lúc ông được nghỉ hưu.
"Lúc ấy tôi là phó tổng giám đốc Liên hiệp Vận tải khu vực 1. Sau khi nghỉ hưu, một số bên cũng mời tôi làm thêm. Một công ty nước ngoài cũng ngỏ ý mời sang làm chuyên gia giám định đầu máy toa xe cho công ty họ. Nhưng nghe tin vợ mắc bệnh, tôi bỏ hết mọi việc.
Tôi cũng hoang mang lắm, lúc ấy ung thư vẫn là cái gì đó rất kinh khủng. Nhưng để động viên vợ, tôi nói với bà cố gắng vượt qua vì bác sĩ Nghị nói bệnh của mình có thể chữa khỏi được", ông Liên nói.
Đồng hành cùng vợ trong suốt quá trình điều trị, ông Liên khoe: "Hồi đó, ở viện ai cũng biết tôi đấy. Nổi tiếng chăm vợ khéo. Tôi chỉ nghĩ đơn giản, vợ là mẹ của các con mình, là người yêu thương mình nên mình chăm sóc. Tôi còn không cần các con vào chăm bà một lần nào".
Bác sĩ Đoàn Hữu Nghị cho biết cách đây 25 năm bà Nguyệt được chẩn đoán mắc ung thư đại trực tràng ở giai đoạn không sớm đã có di căn và có chỉ định phẫu thuật. Sau phẫu thuật bệnh nhân được điều trị tia xạ hóa chất và đáp ứng thuốc tốt.
"Có lẽ, nhờ tinh thần lạc quan và sự chăm sóc chu đáo của chồng mà bệnh nhân vượt qua bạo bệnh và có thể sống khỏe mạnh suốt 25 năm qua", bác sĩ Nghị nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận