31/03/2016 08:04 GMT+7

Thấy họ trói và đánh người, tôi báo Tuổi Trẻ...

ĐỖ QUYÊN
ĐỖ QUYÊN

TTO - Đó là bộc bạch của hai trong số bốn bạn đọc nhận giải thưởng Bạn đọc làm báo cùng Tuổi Trẻ tháng 2-2016. Vì niềm tin này, họ đã báo thông tin nóng sớm nhất cho Tuổi Trẻ cũng như nhiệt tình hỗ trợ phóng viên thâm nhập thực tế.

Một bảo vệ rừng đi ghe vào chòi tôm chỉ tay và nói: “Bắt trói tụi nó lại” - Ảnh cắt từ clip “Ngang nhiên trói và đánh người”
Một bảo vệ rừng đi ghe vào chòi tôm chỉ tay và nói: “Bắt trói tụi nó lại” - Ảnh cắt từ clip “Ngang nhiên trói và đánh người”

 

Nhờ sự hỗ trợ này, Tuổi Trẻ đã có hai loạt bài viết được sự quan tâm của nhiều bạn đọc, đó là “Ngang nhiên trói và đánh người” (đăng từ ngày 29-2) và “3 du khách Anh tử nạn tại khu du lịch Datanla” (đăng từ ngày 26-2).

Luôn là người báo tin đầu tiên

Câu chuyện cán bộ lực lượng quản lý bảo vệ rừng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành (Đồng Nai) đến phá chòi canh tôm ở rừng đước trên sông Thị Vải, đánh đập bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc, trói cha của bà vì cho rằng bà xây nhà giữ tôm kiên cố trong hai ngày 26 và 27-2-2016 đã làm bức xúc một bạn đọc lâu năm của báo Tuổi Trẻ. Cảm thấy bất bình trước những hành động trái pháp luật đó, anh đã gọi điện cho đường dây nóng báo Tuổi Trẻ để báo tin. Bên cạnh đó, anh đã nhiệt tình hỗ trợ phóng viên tiếp cận hiện trường vụ việc để phản ánh sinh động câu chuyện “Ngang nhiên trói và đánh người”.

Bạn đọc này cho biết mâu thuẫn giữa bà Ngọc và lực lượng bảo vệ rừng xảy ra khoảng một năm nay khi bà Ngọc liên tiếp chụp hình những sà lan khai thác cát trái phép làm ô nhiễm vuông tôm của bà. Điều khó hiểu là thay vì phải ngăn chặn việc khai thác cát này để giữ rừng thì bảo vệ rừng lại quay sang gây hấn với bà Ngọc. Sự việc bà Ngọc xây chòi giữ tôm ở khu vực rạch Ông Trúc (ấp Bà Trường, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch) là cái cớ để những người này kéo đến phá dỡ chòi, đánh đập bà đồng thời trói cả cha của bà lại.

“Tôi cảm ơn báo Tuổi Trẻ đã nhiệt tình điều tra và có bài viết phản ánh vụ việc này, nhờ đó mà giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai đã có văn bản gửi Công an huyện Nhơn Trạch đề nghị làm rõ, xử lý theo pháp luật vụ nhân viên bảo vệ rừng ngang nhiên trói và đánh người. Sở này cũng lập đoàn thanh tra công vụ để làm rõ quy trình, thủ tục, thái độ ứng xử của nhân viên bảo vệ rừng đối với bà Ngọc. Hiệu quả của các bài viết về vụ này càng làm tôi thêm tin tưởng ở Tuổi Trẻ nhiều hơn” - bạn đọc này bày tỏ.

Cùng với niềm tin dành cho Tuổi Trẻ, một bạn đọc ở Lâm Đồng đã lập tức báo cho Tuổi Trẻ thông tin “3 du khách Anh tử nạn tại khu du lịch Datanla” khi vụ việc vừa xảy ra. Thông tin sớm này đã giúp Tuổi Trẻ tiếp cận nhanh vụ việc và khai thác sâu trên các sản phẩm của Tuổi Trẻ, từ online đến báo giấy và truyền hình, tạo được sự quan tâm của nhiều bạn đọc. “Tôi đọc và sàng lọc các báo rất kỹ, sau đó đã chọn Tuổi Trẻ là tờ báo tin cậy để khi địa bàn có xảy ra sự kiện gì thì tôi luôn là người đầu tiên báo tin cho Tuổi Trẻ” - bạn đọc này cho biết.

Mong ao Bà Om sớm được giải cứu

Tròn một năm sau ngày nhận giải thưởng Bạn đọc làm báo cùng Tuổi Trẻ đầu tiên vào tháng 3-2015 với bài viết “Nạn quay rồi tung clip tiếp tay cho bạo lực học đường”, anh Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo (Trà Vinh) lại được nhận giải thưởng lần hai nhờ những thông tin và hình ảnh kịp thời của mình về chuyện ao Bà Om ở Trà Vinh bị cạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quần thể khu di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia này. Chùm ảnh “Ao Bà Om kêu cứu vì nứt nẻ, khô hạn” (Tuổi Trẻ Online ngày 23-2) của anh đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của bạn đọc cả nước, nhất là người dân tỉnh nhà.

Giải thích về những hình ảnh này, anh Bảo tâm sự: “Ao Bà Om không chỉ là một ao nước lớn mà còn là quần thể nhiều cây cổ thụ hình thù độc đáo, khung cảnh xanh mát. Ao này không chỉ là điểm đến của du khách mà còn là nơi người dân địa phương ưa thích đến hóng mát và chụp ảnh. Thế nhưng năm nay, mới đầu mùa khô mà ao đã trở nên hoang tàn, xơ xác, chỉ còn lại vài vũng nước nhỏ. Là người con Trà Vinh, tôi mong các ngành chức năng sớm có biện pháp “giải cứu” cho ao khỏi cảnh khô cạn, héo hon, để ao Bà Om mãi xanh mát và tươi đẹp trong lòng người Trà Vinh cũng như trong mắt du khách trong và ngoài nước”.

Cũng nhờ “tiếng chuông cảnh báo” từ những hình ảnh này mà Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Trà Vinh trong phản hồi lại báo Tuổi Trẻ đã cho biết sẽ tiến hành tôn tạo và dẫn nước về khu di tích này. Anh Bảo tâm sự anh rất vui khi nhận được phản hồi này từ phía chính quyền địa phương.

Hành động đẹp

Giải thưởng Bạn đọc làm báo cùng Tuổi Trẻ tháng 2-2016 còn được trao đến thầy giáo Nguyễn Duy Khánh (giáo viên Trường THPT An Thới, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang). Thông qua Facebook của thầy Khánh, phóng viên đã biết được hành động đẹp của thầy trò lớp 10C5 trường này trong tiết dạy văn chiều ngày 17-2-2016 khi cùng đứng nghiêm trang tưởng niệm các chiến sĩ hi sinh trong cuộc chiến tranh chống quân Trung Quốc xâm lược ở biên giới phía Bắc năm 1979. Bài viết về sự kiện này (“Thầy giáo cùng học trò tưởng niệm liệt sĩ chiến tranh biên giới”) đăng trên Tuổi Trẻ Online cùng ngày đã nhận được rất nhiều sự đồng cảm, chia sẻ từ phía bạn đọc.

ĐỖ QUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp