* Ông Trump muốn tranh luận với ông Biden
* Nga tố Mỹ không kích Iraq và Syria nhằm nâng cao hình ảnh
* Vua Anh được chẩn đoán mắc ung thư
Ngoại trưởng Mỹ lần thứ 5 đến Trung Đông
Một quan chức Mỹ cho biết bắt đầu chuyến thăm Trung Đông, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 5-2 (giờ địa phương) đã gặp Thái tử Mohammed bin Salman, người cai trị trên thực tế của Saudi Arabia. Chuyến thăm là nỗ lực của Washington nhằm thúc đẩy một thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và Israel.
Trong khi đó, người Palestine tại Dải Gaza cho biết họ hy vọng chuyến thăm của ông Blinken đến khu vực có thể mang lại một thỏa thuận ngừng bắn.
Sau cuộc gặp với Thái tử Salman, ngoại trưởng Mỹ trong tuần này cũng sẽ đến thăm Ai Cập, Qatar, Israel và vùng Bờ Tây do Israel chiếm đóng, nhằm thúc đẩy các cuộc đối thoại do Ai Cập và Qatar làm trung gian với Hamas về thỏa thuận phóng thích các con tin Israel bị bắt giữ ở Dải Gaza.
Kể từ khi xung đột Israel - Hamas bùng nổ vào tháng 10-2023, ông Blinken đã có 5 chuyến thăm đến Trung Đông. Chuyến đi lần này diễn ra trong bối cảnh nhiều quan chức cấp cao của Mỹ cho rằng đây là thời điểm nguy hiểm nhất của khu vực này trong nhiều thập kỷ.
Xung đột leo thang khi các nhóm kháng chiến Hồi giáo do Iran hậu thuẫn tham gia vào xung đột, khai hỏa vào lực lượng Mỹ ở Iraq và Syria, trong khi nhóm phiến quân Houthi tại Yemen tấn công tàu hàng ở Biển Đỏ.
Mỹ đã thực hiện nhiều cuộc tấn công trả đũa vào các lực lượng do Iran hậu thuẫn trên khắp Syria, Iraq và Yemen, đáp trả cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái vào tuần trước ở Jordan khiến 3 lính Mỹ thiệt mạng và hàng chục người bị thương.
Tuy nhiên, chuyến thăm của ông Blinken củng cố thông điệp rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden không tìm kiếm chiến tranh với Iran và cũng không muốn xung đột lan rộng hơn, bất chấp lời kêu gọi của một số thành viên Đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ ủng hộ việc tấn công vào nội địa Iran.
Mỹ hạn chế thị thực lên các cá nhân lạm dụng phần mềm gián điệp thương mại
Ngày 5-2, Mỹ công bố chính sách hạn chế thị thực mới đối với các cá nhân mà nước này cho rằng đang lạm dụng việc sử dụng phần mềm gián điệp thương mại.
Do Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken công bố, chính sách này cho phép Bộ Ngoại giao Mỹ áp đặt các hạn chế về thị thực đối với các cá nhân được cho là có liên quan đến việc lạm dụng phần mềm gián điệp thương mại, cũng như đối với những người tạo điều kiện cho những hành động đó và hưởng lợi từ nó.
Một quan chức cấp cao Mỹ cho biết chính sách này cũng sẽ áp dụng cho các nhà đầu tư và các bên vận hành những phần mềm gián điệp thương mại được cho là đang bị lạm dụng, đồng thời cho biết thêm rằng ít nhất 50 quan chức Mỹ đã trở thành mục tiêu của phần mềm gián điệp thương mại trong những năm gần đây.
Ông Trump muốn tranh luận với ông Biden
Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 5-2 cho biết ông muốn tranh luận với Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden. Ông Trump trước đó đã từ chối tranh luận với bất kỳ đối thủ nào của Đảng Cộng hòa trong cuộc đua đại diện đảng tranh cử vào Nhà Trắng.
"Tôi muốn tranh luận với ông ấy ngay bây giờ vì chúng tôi nên tranh luận. Chúng tôi nên tranh luận vì lợi ích của đất nước", ông Trump nói trong một chương trình phát thanh.
Trả lời phóng viên cùng ngày 5-2 trong chuyến đi tới Las Vegas, ông Biden nói: "Nếu tôi là ông ấy, tôi cũng muốn tranh luận với tôi. Ông ấy chẳng có việc gì để làm cả".
Mặc dù áp đảo trong cuộc đua nội bộ của Đảng Cộng hòa, ông Trump vẫn chưa giành được đề cử trở thành ứng cử viên tranh cử tổng thống Mỹ của đảng và đã từ chối yêu cầu tranh luận của đối thủ cùng đảng Nikki Haley.
Các phát ngôn của ông Trump cho thấy ông đang tập trung vào một cuộc "chạm trán" có thể xảy ra với Tổng thống Mỹ đương nhiệm Biden trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới. Ông Biden ngày 3-2 cũng đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ ở bang South Carolina và dự kiến sẽ giành được đề cử của đảng mình.
Ông Trump và ông Biden đã có 2 lần tranh luận trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020. Cuộc tranh luận thứ ba bị hủy sau khi ông Trump có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 và từ chối tham gia tranh luận trực tuyến.
Nga tố Mỹ không kích Iraq và Syria nhằm nâng cao hình ảnh chính quyền trước bầu cử
Nga ngày 5-2 cáo buộc Tổng thống Mỹ Joe Biden thực hiện các cuộc tấn công ở Iraq và Syria để nâng cao hình ảnh của ông khi chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ "đang nóng lên" - chứ không phải để trả đũa vụ tấn công tại Jordan khiến binh sĩ Mỹ thiệt mạng.
Mỹ vào ngày 2-2 đã bắt đầu nhiều cuộc không kích nhắm vào Lực lượng Vệ binh Hồi giáo Iran (IRGC) và các nhóm ủy nhiệm có liên kết với lực lượng này, sau cuộc tấn công khiến 3 binh sĩ Mỹ thiệt mạng ở Jordan mà Washington cho rằng do các lực lượng được Iran hậu thuẫn thực hiện.
Theo đó, Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vassily Nebenzia trong một cuộc họp của Hội đồng Bảo an do Nga yêu cầu nhằm bàn về các cuộc tấn công của Mỹ, nói rằng không có lý do chính đáng cho động thái của Washington.
"Chúng tôi nhận thấy trong các nỗ lực 'khoe sức mạnh' này, trước hết là ham muốn tác động đến bối cảnh chính trị trong nước ở Mỹ, một ham muốn bằng cách nào đó nhằm sửa chữa hình ảnh thảm họa của chính quyền Mỹ hiện tại trên trường quốc tế khi chiến dịch bầu cử tổng thống đang nóng lên", ông Nebenzia nói.
Nhà Trắng hiện chưa đưa ra bình luận cho phát biểu của ông Nebenzia.
Các tin thế giới khác
Vua Anh được chẩn đoán mắc ung thư
Ngày 5-2 (giờ địa phương), Điện Buckingham cho biết Vua Charles của Anh đã được chẩn đoán mắc một dạng ung thư và sẽ hoãn các nghĩa vụ trước công chúng.
Theo thông cáo từ Điện Buckingham, Vua Charles được chẩn đoán mắc ung thư trong quá trình điều trị phì đại tuyến tiền liệt lành tính gần đây.
Nhà vua Anh từ ngày 5-2 sẽ bắt đầu lịch trình điều trị thường xuyên, trong thời gian đó ông đã được các bác sĩ khuyên nên hoãn các nghĩa vụ phải hiện diện trước công chúng.
Vua Charles vẫn sẽ xử lý các công việc quốc gia và các công việc giấy tờ khác như thường lệ.
Thông cáo cũng cho biết Vua Charles lựa chọn công khai chẩn đoán của mình để ngăn chặn các suy đoán và hy vọng điều này có thể mang lại sự đồng cảm của công chúng đối với tất cả những người bị ảnh hưởng bởi bệnh ung thư trên toàn thế giới.
Phát biểu cùng ngày 5-2, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden chia sẻ cùng Vua Charles và gia đình ông.
Vua Charles, 75 tuổi, nhận chẩn đoán mắc ung thư khi lên ngôi chưa đầy 18 tháng.
122 người chết trong vụ cháy rừng lịch sử ở Chile
Tính đến ngày 5-2, số người chết do cháy rừng ở Chile đã chạm mốc 122 người, trong khi nỗ lực cứu hỏa vẫn đang được tiếp tục.
Đội cứu hộ Chile chia sẻ với Reuters rằng nhiều trực thăng của họ vẫn đang đổ hàng tấn nước vào đám cháy và nhiều thi thể bị chôn vùi trong các đống đổ nát vẫn đang được tìm thấy, ba ngày sau khi đám cháy bùng phát.
Số người thiệt mạng do thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất trong nhiều năm ở Chile dự kiến sẽ còn tăng cao hơn khi người dân, lính cứu hỏa và quân đội chạy đua để dọn dẹp đống đổ nát tại các khu dân cư ở các thành phố ven biển Valparaiso và Vina Del Mar, nơi ngọn lửa đã thiêu rụi nhà cửa trong vòng vài phút.
Bà Jacqueline Atenas, 63 tuổi, người đã rời khỏi nhà ở vùng lân cận khu Villa Independencia vào hôm 2-2, cho biết: "Nó giống như một vùng chiến sự, như thể một quả bom đã nổ".
"Đám cháy như ai đó tạt xăng vào nhà. Tôi không hiểu chuyện gì đã xảy ra", bà Atenas chia sẻ.
Thủ tướng Úc phẫn nộ với bản án tử hình treo của Bắc Kinh đối với nhà văn Úc
Thủ tướng Úc Anthony Albanese ngày 6-2 nói việc một tòa án ở Bắc Kinh tuyên án tử hình treo đối với nhà văn Úc Yang Hengjun cho tội gián điệp là một sự "xúc phạm". Ông Albanese nói sẽ nỗ lực để nhà văn Yang được trả tự do.
Sau 3 năm và một phiên tòa kín, bản án được tòa án tại Bắc Kinh tuyên cho nhà văn Úc gây sốc cho gia đình và những người ủng hộ ông. Các nhà phân tích cho rằng điều này khó có thể làm chệch hướng mối quan hệ Úc - Trung Quốc nhưng sẽ kiểm tra các giới hạn cho nỗ lực từ Canberra nhằm đưa mối quan hệ song phương trở lại quỹ đạo sau nhiều năm căng thẳng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận