* Pháp mở hội nghị quốc tế cứu trợ Gaza, không mời Israel
* Mỹ tin Hezbollah không tham chiến chống Israel vào lúc này
* Philippines và Nhật nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước
Hôm 3-11, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có chuyến thăm Israel với nhiệm vụ tập trung vào câu chuyện xung đột Israel - Hamas.
Xung đột Israel - Hamas: Israel vẫn tấn công, dù được Mỹ khuyên tạm dừng
Mỹ ủng hộ việc Israel tấn công Hamas, trả đũa việc Hamas đã tấn công và làm chết hơn 1.400 người ở Israel ngày 7-10. Tuy nhiên, Washington cũng đối diện áp lực dư luận quốc tế khi hành động trả đũa của Israel bị cho đang tạo ra nguy cơ về thảm họa nhân đạo.
Hamas đang nắm giữ con tin từ nhiều nước khác nhau. Ngoài ra, đây còn là nơi ở của hơn 2,3 triệu người Palestine, vốn không phải ai cũng là các tay súng Hamas.
* Israel bác bỏ yêu cầu ngừng bắn với Hamas
Ngày 3-11, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kêu gọi Israel tạm ngưng cuộc tấn công Dải Gaza, nhằm cho phép viện trợ tới tay người dân Palestine.
Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã từ chối đề nghị này, trừ phi mọi con tin trong tay Hamas được phóng thích. Hiện nay, các thông tin của truyền thông quốc tế dường như thống nhất rằng có ít nhất 240 con tin còn nằm trong tay Hamas.
Đây là lần thứ hai ngoại trưởng Mỹ có mặt ở Trung Đông trong chưa đầy một tháng qua. Washington ủng hộ Israel vì đây là đồng minh thân cận ở Trung Đông. Nhưng họ cũng có xu hướng nhấn mạnh tầm quan trọng của các nỗ lực nhân đạo ở Gaza.
* Pháp tổ chức hội nghị quốc tế về Gaza
Hôm 3-11, Hãng tin Reuters dẫn lời ba nguồn tin ngoại giao cho biết Pháp sẽ tổ chức một hội nghị quốc tế về nhân đạo cho người dân ở Dải Gaza. Sự kiện này dự kiến diễn ra ngày 9-11.
Đây là thời điểm cuộc chiến giữa Israel và tổ chức Hồi giáo Hamas của người Palestine đang khốc liệt. Israel thề "quét sạch" Hamas, nhưng việc này vấp phải sự phản đối từ nhiều nước vì lý do nhân đạo. Dải Gaza do Hamas kiểm soát, nhưng cũng là nơi ở của hơn 2,3 triệu người Palestine.
Theo các nguồn tin trên, hội nghị của Pháp sẽ là cuộc gặp ở cấp nguyên thủ, chính phủ, và bộ trưởng. Các bên sẽ bàn về hàng loạt vấn đề như huy động nguồn tài trợ, viện trợ khẩn cấp, cung cấp nước, nhiên liệu, điện, cũng như hỗ trợ người bị thương ở Gaza thông qua các tuyến hàng hải. Chính quyền Palestine được cho sẽ tham dự nhưng Israel không được mời.
* Israel bị tố tấn công đoàn xe cứu thương ở Gaza
Cơ quan y tế ở Dải Gaza do Hamas kiểm soát nói Israel đã tấn công một đoàn xe cứu thương vào ngày 3-11. Đoàn xe này được cho đã rời Bệnh viện al-Shifa ở thành phố Gaza, đi về phía nam tới chỗ trú ẩn của những người bị thương.
Đây là thông tin gây áp lực lên Israel, giữa bối cảnh dư luận quốc tế đang lo ngại Israel gây ra thảm họa nhân đạo cho thường dân trong chiến dịch tiêu diệt Hamas ở Dải Gaza.
Phát ngôn viên quân đội Israel Ashraf al-Qidra cho biết đang kiểm tra thông tin về vụ tấn công xe cứu thương nêu trên.
* Mỹ nói Hezbollah không tuyên chiến với Israel
Hôm 3-11, Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ lạc quan về tình hình chiến sự Israel. Vị này khẳng định Washington thường xuyên liên lạc với Israel, và rằng Israel đã thay đổi đáng kể kế hoạch ban đầu.
Trước đó, Israel đã tuyên bố chiến dịch trên bộ ở Dải Gaza nhằm diệt trừ tổ chức Hồi giáo Hamas. Việc này đặt Mỹ vào áp lực dư luận khi đồng minh ở Trung Đông gây lo ngại về vấn đề nhân đạo. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden bị nhận xét thất bại trong cách tiếp cận hòa giải.
Hôm 3-11, lãnh đạo Hezbollah Sayyed Hassan Nasrallah đã về xung đột Israel - Hamas. Tiếng nói của ông Nasrallah rất quan trọng vì có thể tác động tới việc liệu chiến tranh có lan rộng hay không.
Hezbollah cũng là một tổ chức Hồi giáo. Nhóm này được cho ủng hộ Hamas và cũng đang giao tranh với Israel tại khu vực biên giới Israel - Lebanon thời gian qua.
Dù lời của ông Nasrallah được mô tả là thông điệp cứng rắn gửi tới Mỹ, vị quan chức Mỹ trong bản tin của Reuters cho rằng đây không phải một tuyên bố chiến tranh hay mở ra "mặt trận phía bắc" với Israel.
* Nhật Bản, Philippines đàm phán Thỏa thuận Tiếp cận đối ứng
Ngày 3-11, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước.
Tại cuộc gặp ở thủ đô Manila của Philippines, Thủ tướng Kishida và Tổng thống Marcos cho biết hai bên sẽ bắt đầu đàm phán về một hiệp ước song phương mới, được gọi là Thỏa thuận Tiếp cận đối ứng (RAA), để tăng cường quan hệ an ninh và tạo điều kiện tổ chức các cuộc tập trận phòng thủ chung.
Đây sẽ là RAA đầu tiên của Nhật Bản với một thành viên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), và là hiệp ước thứ ba sau các hiệp ước với Úc và Anh có hiệu lực trước đó trong năm nay.
Thủ tướng Kishida đang có chuyến thăm kéo dài hai ngày đến Manila từ ngày 3 tới 4-11. Dự kiến trong ngày 4-11, ông sẽ có bài phát biểu tại Quốc hội Philippines, trong đó đề cập chính sách ngoại giao của Tokyo đối với khu vực Đông Nam Á trong tương lai. Ông Kishida sẽ trở thành thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản phát biểu trước các nghị sĩ Philippines.
Trước đó, trong cuộc hội đàm hồi tháng 4 vừa qua, các bộ trưởng quốc phòng của Nhật Bản và Philippines đã nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng thông qua các hoạt động huấn luyện chung và hợp tác trong lĩnh vực trang thiết bị quốc phòng, trong khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược.
Nhật Bản và Philippines cũng đang tìm cách tăng cường hợp tác quốc phòng ba bên với Mỹ.
* Động đất ở Nepal, ít nhất 69 người chết
Sáng 4-11 theo giờ Việt Nam, Reuters cho biết ít nhất 69 người chết và hàng chục người bị thương sau khi một trận động đất xảy ra tại khu vực Jajarkot ở Nepal.
Trung tâm Địa chấn quốc gia Nepal nói trận động đất xảy ra ngày 3-11 mạnh 6,4 độ, gây sập nhà và làm rung chuyển khu vực lân cận gần Ấn Độ. Tuy nhiên thông tin của Đức và Mỹ sau đó hạ cấp độ xuống còn 5,7 và 5,4 độ.
Quan chức địa phương cho biết không thể thiết lập liên lạc ở khu vực gần chấn tâm tại Jajarkot. Đây là một huyện đồi núi có dân số 190.000 người, và gồm các ngôi làng nằm rải rác trên những ngọn đồi hẻo lánh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận